Bạn cũ trào nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong dòng người vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có những người bạn từ thời niên thiếu, bạn học đại học với Tổng Bí thư. Có người phải ngồi xe lăn, người chống gậy, lặng lẽ tiễn đưa một người bạn lớn.

Khóc cả đêm khi nghe tin bạn mất

Sáng 25/7, dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xếp hàng kín con đường chính dẫn vào Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Đây là nơi tổ chức Tang lễ tại quê nhà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cụ Vương Khắc Duy (85 tuổi, bạn học cùng lớp cấp 1 và cấp 2 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) ngồi trên xe lăn, được người thân đưa đến viếng người bạn thân từ thời niên thiếu.

Cụ Duy chia sẻ, khi hay tin người bạn học qua đời, ông đã khóc suốt đêm. Sáng nay, dù phải ngồi trên xe lăn, cụ vẫn nhờ con cháu đưa đến lễ tang tại thôn Lại Đà để tưởng nhớ người bạn học trước khi bạn về nơi yên nghỉ.

Cụ Vương Khắc Duy (85 tuổi, bạn học cùng lớp cấp 1 và cấp 2 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) ngồi trên xe lăn, được người thân đưa đến viếng người bạn thân.

Cụ Vương Khắc Duy (85 tuổi, bạn học cùng lớp cấp 1 và cấp 2 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) ngồi trên xe lăn, được người thân đưa đến viếng người bạn thân.

Bồi hồi nhớ lại thuở còn chung ghế nhà trường, cụ Vương Khắc Duy kể, dù gia đình rất nghèo nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học rất giỏi và chăm chỉ.

"Ngày đó chúng tôi đói lắm, có những bữa, chúng tôi chia đôi củ sắn, củ khoai để lấy sức mà học", cụ Vương Khắc Duy chia sẻ. Đó là những ký ức mà ông không thể nào quên. Nói rồi, cụ Duy bật khóc.

Gạt nước mắt, cụ ông 85 tuổi nghẹn ngào chia sẻ: "Anh Trọng ngồi cùng bàn học với tôi, khi đó tôi là lớp trưởng. Chúng tôi gắn bó keo sơn với nhau như hình với bóng".

Trong ký ức của cụ Duy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Hằng ngày, Tổng Bí thư phải thức dậy từ sớm, lặn lội từ nhà ở xã Đông Hội sang Mai Lâm, cùng huyện để học.

"Từ nhà sang Mai Lâm phải băng qua cánh đồng, khổ nhất là những ngày mưa, con đường đi học trở nên lầy lội, anh Trọng phải bấm từng ngón chân xuống đất để không bị ngã", cụ Duy bồi hồi nhớ lại.

Cũng có mặt tại nhà văn hóa thôn Lại Đà từ sớm, ông Ngô Bá Dục (sinh năm 1943, thôn Lại Đà) mắt đỏ hoe tiếc thương người bạn thân thời niên thiếu Nguyễn Phú Trọng.

Ông Dục chia sẻ, ông và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng học cùng lớp với nhau từ cấp 1 đến cấp 3. Khi lên đại học, Tổng bí thư đỗ Đại học Tổng hợp (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), còn ông Dục theo học ngành sư phạm. Dù học khác trường, nhưng hai người vẫn giữ mối quan hệ bạn bè khăng khít.

Ông Ngô Bá Dục (sinh năm 1943, thôn Lại Đà) chống gậy tới viếng người bạn học từ cấp 1.

Ông Ngô Bá Dục (sinh năm 1943, thôn Lại Đà) chống gậy tới viếng người bạn học từ cấp 1.

Nhớ lại những ngày niên thiếu học chung trường, ông Dục chia sẻ: "Nhà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày đó nghèo lắm, do vậy mà anh Trọng suốt ngày đi chân đất, mùa đông cũng như tiết hè.

Tôi ấn tượng mãi với hình ảnh anh Trọng mặc bộ quần áo nâu đến lớp. Mùa đông rét buốt phải mặc áo rách độn bên trong".

Nhớ về hình ảnh Tổng Bí thư thuở còn hàn vi, cụ Ngô Bá Dục cũng rất ấn tượng với hình ảnh cậu học trò nghèo Nguyễn Phú Trọng ăn nói nhỏ nhẹ, tính tình rất điềm đạm.

"Lớp chúng tôi có 48 học sinh, nhưng cô Phúc giáo viên chủ nhiệm có ấn tượng rất đặc biệt với anh Trọng, bởi vì anh ấy nhỏ tuổi nhất nhưng là học trò giỏi nhất", người bạn học của Tổng Bí thư tâm sự.

Cảm phục tấm gương giản dị, khiêm nhường của người bạn học

Ông Phạm Văn Lân (80 tuổi, ngụ TP.HCM) là bạn học cùng Khoa Ngữ Văn khóa 8, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1963-1967) với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhớ về khoảng thời gian gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lân kể, Khoa Ngữ văn khóa 8 là một khóa rất đặc biệt, khóa đầu tiên tất cả sinh viên phải sơ tán lên rừng học vì Mỹ bắt đầu thực hiện chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.

"Ngày đó tôi cùng anh Trọng và một số người bạn đã đi tiền trạm, tìm chỗ sơ tán để học cho cả khoa. Đoàn phải đi bộ 30-40 km từ ga Quán Triều vào Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), băng qua rừng để tìm nơi đến học.

Chúng tôi cùng sống trên rừng, chặt nứa, chặt cây để làm lán, làm trại để ở. Sau đó cùng lao động, cùng học, cùng tập quân sự với nhau như thế suốt mấy năm. Cũng vì thế mà chúng tôi rất gắn bó với nhau, đến tận mãi sau này khi anh Trọng đã vào Bộ Chính trị, làm Tổng Bí thư, thi thoảng chúng tôi vẫn họp lớp, gặp nhau và ôn lại chuyện cũ", ông Lân chia sẻ.

Nói về cảm nhận của mình, ông Lân cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người rất giản dị, điềm đạm nhưng cũng cực kỳ năng nổ, nhiệt huyết.

Thời còn đi học, nhóm sinh viên lập ra một đội văn nghệ của khoa Văn, đi diễn khắp các tỉnh phía Bắc và về cả thủ đô Hà Nội để diễn kịch. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc này cũng là thành viên rất nhiệt tình, tích cực.

Không chỉ vì khoảng thời gian học tập, ăn ở chung với nhau trên rừng mà trở nên gắn bó, khi đã ra trường, gần như tất cả các sinh viên lớp văn năm ấy đều công tác trong ngành báo chí – xuất bản. Do đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những người bạn học thường xuyên đi họp báo cùng nhau, làm chung với nhau, nên đã gắn bó càng thêm gắn bó.

Với ông Lân, đức tính giản dị của người bạn Nguyễn Phú Trọng là điều ông cảm phục nhất. Giản dị từ trong việc ăn mặc cho đến giao tiếp với bạn bè. Kể cả khi đã trở thành người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn mộc mạc, giản dị - là người bạn bình thường trong các cuộc gặp gỡ. Đặc biệt, trong gia đình, cả vợ, con của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng học tập, noi theo tấm gương giản dị ấy.

Trong quá trình hoạt động chính trị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lân chia sẻ, ông cảm thấy rất ấn tượng, tự hào với "chiến dịch đốt lò" – chống tham nhũng.

"Để làm được việc này, Tổng Bí thư chắc chắn phải đầu tư nhân lực, trí lực và cũng phải cực kỳ dũng cảm. Bởi lẽ, việc này đụng chạm nhiều, và từ trước tới nay chưa có ai làm được một cách rốt ráo như vậy.

Ông ấy đã làm được việc mà chưa ai làm được, xử lý nhiều cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, bất kể đó là ai, không có ngoại lệ, không có vùng cấm", ông Lân nói.

"Chức tước bỏ hết ngoài cửa, tôi là bạn của các bạn"

Tại nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông từ sáng sớm, các bạn Đại học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới để bày tỏ niềm thương tiếc vô hạn tới người bạn học khóa 8 Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Đoàn bạn học khóa 8 Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội chuẩn bị vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đoàn bạn học khóa 8 Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội chuẩn bị vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bà Đặng Thị Yến – nguyên phóng viên Báo Nhân dân cho biết: "Hôm nay, GS Hà Minh Đức hơn 90 tuổi cùng các học trò khóa 8 Văn khoa, là bạn học tới viếng, nhìn anh Trọng lần cuối".

Bà Yến cùng các bạn học đều ở tuổi 80, cùng nhau tới Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông từ 6h sáng để chờ đến lượt vào viếng.

Ngồi chờ bên ngoài, bà giơ tấm ảnh chụp kỷ niệm họp lớp năm 2022, trong ảnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngồi giữa nhóm bạn, trò chuyện vui vẻ. Bà kể: "Đây đã là lần cuối anh Trọng đến họp lớp rồi!".

Bà Đặng Thị Yến – nguyên phóng viên Báo Nhân dân chia sẻ bức ảnh buổi họp lớp năm 2022 và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự.

Bà Đặng Thị Yến – nguyên phóng viên Báo Nhân dân chia sẻ bức ảnh buổi họp lớp năm 2022 và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự.

Bà bồi hồi nhớ lại: "Anh là một người bạn rất tình cảm, chân thành. Ở trường đại học, anh là Bí thư chi đoàn của lớp, hoạt động sôi nổi, là đối tượng kết nạp Đảng. Khi ra trường, anh về làm cán bộ Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), còn tôi về Báo Nhân dân.

Sự ra đi của anh Trọng để lại khoảng trống rất lớn không chỉ với tôi mà còn cả với tập thể lớp. Cả một tuần nay, chúng tôi bàng hoàng thương nhớ người bạn chí cốt".

Nhớ lại ký ức học cùng Tổng Bí thư, bà Yến kể mỗi lần họp lớp, ông đều đến hỏi thăm từng người.

"Anh cũng chia sẻ: "Mình rất quý các bạn nhưng vì điều kiện công tác chỉ gặp nhau được dịp họp lớp thôi. Đã đến họp lớp rồi, xin phép các thầy, các bạn cho tôi được là trò, là bạn thuở đi học, không còn vị trí Tổng bí thư ở đây", bà Yến bồi hồi nhớ lại.

Bà Đặng Thị Yến – nguyên phóng viên Báo Nhân dân chia sẻ kỷ niệm về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời là bạn đại học.

Bà Đặng Thị Yến – nguyên phóng viên Báo Nhân dân chia sẻ kỷ niệm về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời là bạn đại học.

Còn với bà Nguyễn Thị Hòa (79 tuổi, Cầu Giấy, TP Hà Nội) - người bạn học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở khóa 8 Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, hình ảnh người bạn thời sinh viên là một người chỉn chu, chăm chỉ, điểm số lúc nào cũng dẫn đầu lớp.

Nhớ lại ký ức học cùng Tổng Bí thư, bà Hòa cho biết: "Khi vào trường, anh cũng giống bao cậu sinh viên mới, bỡ ngỡ, nhưng hơn chúng tôi là trưởng thành rất nhanh, sớm được lớp tín nhiệm, trao cho trọng trách Bí thư chi đoàn.

Lớp Ngữ Văn thời đó rất đông, khoảng 120 người, sinh viên Khoa Văn thường cá tính. Nhưng anh Trọng rất hòa đồng với bạn bè, huy động được sự đoàn kết của tập thể trong lớp, chính vì thế lớp chúng tôi luôn dẫn đầu phong trào của trường".

Bà Nguyễn Thị Hòa (79 tuổi, Cầu Giấy, TP Hà Nội) - bạn học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở khóa 8 Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Hòa (79 tuổi, Cầu Giấy, TP Hà Nội) - bạn học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở khóa 8 Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Hòa cũng cho biết, những năm tháng sau này, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giữ những chức vụ rất cao nhưng vẫn thường xuyên đi họp lớp. Là lãnh đạo cao nhất của đất nước, nhưng khi đến họp lớp, ông rất hòa đồng.

"Đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn nói với chúng tôi rằng: "Tôi đi họp lớp với tư cách là bạn bè, mọi chức sắc đều bỏ qua hết ở ngoài cửa, vào đây chúng ta là bạn bè, không có chức sắc gì nhé, để chúng ta tâm sự, ôn lại kỷ niệm". Điều này khiến chúng tôi rất xúc động. Anh ấy là một vị lãnh đạo giản dị, không quan cách, tình cảm trước sau như một", bà Hòa nói.

Nhóm PV miền Bắc

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ban-cu-trao-nuoc-mat-tien-biet-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-192240725092252153.htm