Giáo dục truyền thống ở những ngôi trường đặc biệt

Ông Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Kể chuyện lịch sử (thuộc Bảo tàng tỉnh), cho biết, toàn tỉnh Cà Mau hiện có gần 500 trường học từ bậc mầm non đến THPT, trong đó có rất nhiều ngôi trường mang tên các bậc hiền nhân, anh hùng liệt sĩ, danh nhân văn hóa dân tộc, là minh chứng rõ nét cho lòng biết ơn và sự tri ân đối với những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

“Những mái trường mang tên các vị anh hùng lịch sử, các bậc hiền nhân không chỉ là nơi gìn giữ và phát huy tinh thần yêu nước, các giá trị lịch sử, mà còn là nơi truyền thụ tri thức, “ươm mầm xanh” cho quê hương, đất nước. Ðặc biệt, nhiều ngôi trường đã xây dựng công trình tượng thờ, bia tưởng niệm trong khuôn viên học đường có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ”, ông Ðỗ Văn Nghiệp chia sẻ.

Rạng danh trường mang tên anh hùng

Tọa lạc tại TP Cà Mau, Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển mang tên Nhà giáo - Nhà báo - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) Phan Ngọc Hiển luôn là niềm tự hào của bao lớp thế hệ học sinh được học tập tại đây. Trải qua chặng đường hơn 30 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy và trò trường luôn nỗ lực phấn đấu dạy tốt - học tốt để xứng đáng với tấm gương người anh hùng của quê hương Cà Mau. Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chính là phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo dục và đào tạo học sinh phát triển toàn diện trở thành những người có đức, có tài cho quê hương, đất nước, nhà trường luôn chú trọng công tác giáo dục truyền thống cho học sinh.

Ông Đỗ Văn Nghiệp cùng 2 CLB Sử học và Văn học, Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, thắp hương Tượng đài Anh hùng LLVTND Phan Ngọc Hiển trong khuôn viên trường.

Ông Đỗ Văn Nghiệp cùng 2 CLB Sử học và Văn học, Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, thắp hương Tượng đài Anh hùng LLVTND Phan Ngọc Hiển trong khuôn viên trường.

Huỳnh Hồng Dưng, giáo viên Ngữ văn, Chủ nhiệm CLB Văn học, Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, cho biết, trong hoạt động sinh hoạt đầu các năm học mới, trường giới thiệu đến học sinh khóa mới về tiểu sử Nhà giáo - Nhà báo - Anh hùng LLVTND Phan Ngọc Hiển và truyền thống nhà trường. Hoạt động này cũng sẽ được thường xuyên lặp lại trong các dịp sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, đặc biệt là trong hoạt động của CLB Sử học và CLB Văn học của trường.

“Dịp tựu trường năm học mới 2024-2025, 2 CLB may mắn được đón chú Sáu Sơn đến thăm trường và nghe chú kể nhiều hơn những câu chuyện lịch sử về thầy giáo Phan Ngọc Hiển, tôi cảm thấy rất vinh dự khi được công tác, giảng dạy ở mái trường này. Bên cạnh niềm tự hào, tôi thấy rằng mình cần có trách nhiệm hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, để góp phần sức nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà”, cô Hồng Dưng bày tỏ.

Ông Ðỗ Văn Nghiệp kể câu chuyện về thầy giáo Phan Ngọc Hiển đã lãnh đạo thành công cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai, trở thành nguồn cội và biểu tượng thiêng liêng của truyền thống cách mạng tỉnh Cà Mau.

Ông Ðỗ Văn Nghiệp kể câu chuyện về thầy giáo Phan Ngọc Hiển đã lãnh đạo thành công cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai, trở thành nguồn cội và biểu tượng thiêng liêng của truyền thống cách mạng tỉnh Cà Mau.

Theo cô Dưng, qua lần được nghe chú Sáu Sơn kể chuyện lịch sử, 2 CLB Sử học và Văn học sẽ có kế hoạch phối hợp tổ chức cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, trong đó có tìm hiểu nhiều hơn về Nhà giáo - Nhà báo - Anh hùng LLVTND Phan Ngọc Hiển. Ðặc biệt, sẽ mời CLB Kể chuyện lịch sử cùng tham dự.

Tự hào được học tập tại ngôi trường vang danh này, em Nguyễn Phan Lam Ngọc, thành viên CLB Sử học, tâm tình, khuôn viên trường có đặt tượng thờ Anh hùng liệt sĩ Phan Ngọc Hiển trong tư thế đứng hiên ngang, làm điểm nhấn giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh của trường, như lời nhắc nhở các thế hệ học sinh phải ra sức học tập và noi gương. “Em càng thêm tự hào và mong muốn sau này bản thân mình cũng như tất cả các bạn học sinh của trường có thể tiếp tục phát huy giá trị lịch sử vĩ đại đó. Em sẽ nỗ lực học tập để xứng đáng là học sinh của ngôi trường này”, Lam Ngọc thổ lộ.

Tự hào những ngôi trường mang tên 2 vị lãnh đạo nghĩa quân

Ðỗ Thừa Luông, Ðỗ Thừa Tự là 2 vị lãnh đạo nghĩa quân yêu nước lập chiến khu chống Pháp trên sông Cái Tàu, nay thuộc huyện U Minh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 ngôi trường mang tên 2 vị lãnh đạo nghĩa quân này, đó là Trường Tiểu học Ðỗ Thừa Luông, Phường 1, TP Cà Mau; Trường Tiểu học Ðỗ Thừa Luông và Trường Tiểu học - THCS Ðỗ Thừa Tự, xã Khánh Thuận, huyện U Minh.

Ông Ðỗ Văn Nghiệp khẳng định: “Việc đặt tên trường theo tên các bậc hiền nhân chứng tỏ rằng các thế hệ tiếp nối vẫn luôn ghi nhớ chiến công của cha ông mình. Ðặc biệt, Khu tưởng niệm 2 vị lãnh đạo nghĩa quân Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (tọa lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hòa Thành, TP Cà Mau) nay được xây dựng khang trang và được công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh. Hằng năm, đến ngày 3/8 âm lịch, rất nhiều thế hệ học sinh, con cháu dòng họ đến đây để viếng lễ giỗ, thắp hương”.

Ðến thăm Trường Tiểu học Ðỗ Thừa Luông, Phường 1, TP Cà Mau, những ngày đầu năm học mới, Hiệu trưởng nhà trường, cô Nguyễn Thị Hoa vui vẻ: “Trường được mang tên vị anh hùng lịch sử trong thời kháng chiến chống Pháp, đây là niềm tự hào của thầy và trò. Tất cả học sinh ở đây khi vào đầu năm học sẽ học về truyền thống của nhà trường, tìm hiểu lịch sử về những cống hiến của vị lãnh đạo nghĩa quân Ðỗ Thừa Luông cho công cuộc kháng chiến chống Pháp. Thầy và trò luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để làm sao xứng danh với ngôi trường mang tên vị anh hùng lịch sử đã hy sinh vì độc lập dân tộc".

Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Ðỗ Thừa Luông (Phường 1, TP Cà Mau) có 690 học sinh. Tập thể nhà trường quyết tâm đạt nhiều thành tích, xứng đáng là ngôi trường mang tên vị lãnh đạo nghĩa quân Ðỗ Thừa Luông.

Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Ðỗ Thừa Luông (Phường 1, TP Cà Mau) có 690 học sinh. Tập thể nhà trường quyết tâm đạt nhiều thành tích, xứng đáng là ngôi trường mang tên vị lãnh đạo nghĩa quân Ðỗ Thừa Luông.

Trường được tách ra từ Trường Phổ thông cơ sở Phường 1, qua nhiều lần thay đổi tên, năm 2013 trường đổi tên thành Trường Tiểu học Ðỗ Thừa Luông. Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm học 2015-2016. Cũng từ đó đến nay, Quỹ Khuyến học Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự chú trọng quan tâm đến nhà trường, tất cả những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tập vở, xe đạp, học bổng...; đặc biệt hỗ trợ tiếp nối cho các em học lên THCS, THPT.

Phấn khởi và tự hào ngôi trường mang tên anh hùng Ðỗ Thừa Luông, năm học 2024-2025, nhà trường tiếp tục thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua hướng đến từng bước đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng, để luôn là địa chỉ giáo dục đáng tin cậy đối với phụ huynh và các em học sinh.

“Lễ giỗ vị lãnh đạo nghĩa quân Ðỗ Thừa Luông vào mùng 3/8 âm lịch hằng năm, nhà trường đều tổ chức đoàn giáo viên, học sinh đến viếng, thắp hương ở khu tưởng niệm để thế hệ trẻ hôm nay biết rõ nguồn cội dân tộc, biết đến những hy sinh, đóng góp của 2 bậc hiền nhân, từ đó ra sức học tập, lao động để góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn nữa", cô Hoa cho biết. Ðồng thời, cô chia sẻ tin vui, sắp tới trường sẽ được đầu tư xây dựng tượng thờ vị lãnh đạo nghĩa quân Ðỗ Thừa Luông ngay trong khuôn viên trường nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh./.

Băng Thanh - Hoàng Vũ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/giao-duc-truyen-thong-o-nhung-ngoi-truong-dac-biet-a34263.html