Ban đại diện phụ huynh dự trù kinh phí ngất ngưởng, HT THCS Lê Quý Đôn vô can?

Một lớp học ở Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, dự thu gần 300 triệu đồng, hiệu trưởng có đứng ngoài cuộc?

Ngày 4/10/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Có lớp ở Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn dự kiến kinh phí hoạt động hơn 165 triệu/năm học". Ngày 5/10, Tạp chí tiếp tục có bài "Thêm lớp ở Trường Lê Quý Đôn dự trù kinh phí gần 300 triệu, Phòng Giáo dục chỉ đạo".

Tuyến bài phản ánh Trường Lê Quý Đôn, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, có dấu hiệu lạm thu nhận được sự quan tâm đông đảo của dư luận xã hội. Nhiều ý kiến nghi vấn, tại sao ban đại diện cha mẹ học sinh ở một số lớp của trường này lại có bản dự thu, chi khủng khiếp như vậy, hiệu trưởng vai trò ở đâu mà để ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động như vậy?

Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: P.L)

Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: P.L)

Nhiều khoản dự thu, chi có dấu hiệu trái quy định

Theo thông tin phụ huynh cung cấp cho Tạp chí, bảng dự trù kinh phí xuất phát từ lớp 9/12 của trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn dự chi cho hoạt động một năm học lên đến hơn 270 triệu đồng.

Cụ thể, bổ sung cơ sở vật chất đầu năm (pin, sạc, hoa, khăn, chìa khóa tủ làm lại 15 ổ...): 2.450.000 đồng;

Quà 20/11 tặng các giáo viên: giáo viên chủ nhiệm (3.000.000 đồng), cô bảo mẫu (1.000.000 đồng), 16 giáo viên bộ môn (1 triệu/người), 14 nhân viên (500.000 đồng/người), thầy hiệu trưởng (thiệp chúc mừng 2.000.000 đồng), 2 cô hiệu phó (2.000.000 đồng/người);

Dự chi quà tết cho thầy cô: giáo viên chủ nhiệm (3.000.000 đồng), cô bảo mẫu (1.000.000 đồng), 16 giáo viên bộ môn (1 triệu/người), 14 nhân viên (500.000 đồng/người).

Bảng tổng hợp dự tính thu chi cả năm học của lớp 9/12. (Ảnh: Phụ huynh cung cấp)

Bảng tổng hợp dự tính thu chi cả năm học của lớp 9/12. (Ảnh: Phụ huynh cung cấp)

Có thể khẳng định, ban đại diện cha mẹ học sinh dự thu và chi rất nhiều khoản, chẳng hạn như: cơ sở vật chất, quà 20/11, quà tết là trái với quy định ở Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo đó, khoản 4 Điều 10 quy định Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:

- Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

- Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh:

Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Trường học không phải là nơi để phụ huynh đua nhau khoe mẽ

Khoản 1 Điều 60 Luật Giáo dục 2019 quy định nhà trường có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Công bố công khai mục tiêu, chương trình, kế hoạch giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục; hệ thống văn bằng, chứng chỉ của nhà trường;

- Tổ chức tuyển sinh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền;

- Chủ động đề xuất nhu cầu, tham gia tuyển dụng nhà giáo, người lao động trong trường công lập; quản lý, sử dụng nhà giáo, người lao động; quản lý người học;

- Huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa;

- Phối hợp với gia đình, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục; tổ chức cho nhà giáo, người lao động và người học tham gia hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng.

Trong 5 nhiệm vụ và quyền hạn này, nhà trường được phép huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, việc ban đại diện phụ huynh mỗi trường có một cách kêu gọi cha mẹ học sinh đóng góp tiền bạc quá chênh lệch nhau gây ra sự bất công trong môi trường giáo dục công lập.

Ví dụ, một số trường học ở quận trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, phụ huynh học sinh có thể đóng góp hàng tỉ đồng cho nhà trường. Nhưng một số trường khác ở ngoại thành, vùng sâu vùng xa, phụ huynh chỉ có thể đóng góp vài ba triệu đồng mà thôi.

Điều này sẽ tạo nên nghịch lý trong xã hội hóa giáo dục, đó là ở nơi có điều kiện thuận lợi thì mức vận động càng cao, ngược lại ở vùng khó khăn thì rất khó, thậm chí không thể thu được đồng nào. Kéo theo khoảng cách ngày càng lớn về chất lượng giáo dục giữa các quận, huyện, vùng miền.

Cá biệt, cùng Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn nhưng số tiền huy động của mỗi lớp chênh lệch nhau rất lớn, có lớp dự trù kế hoạch hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh cho các hoạt động với kinh phí 165 triệu đồng nhưng có lớp lên đến gần 300 triệu đồng (cho một năm học). Điều này đặt câu hỏi phải chăng phụ huynh đua nhau khoe mẽ, làm màu cho nhà trường để được tiếng thơm.

Về lí, phụ huynh hoàn toàn có thể từ chối đóng tiền cho các hoạt động phong trào, mua ấn phẩm, khen thưởng... bởi trong tổng kinh phí Nhà nước khoán về cho các đơn vị sự nghiệp công lập (trường học) hàng năm có 20% cho việc chi không thường xuyên.

Hơn nữa, những phụ huynh giàu có, họ có thể đóng góp hàng chục triệu đồng cho con cái. Nhưng, với gia đình khó khăn về kinh tế thì việc ban đại diện "đẻ" ra nhiều khoản thu vô tội vạ là tạo thêm gánh nặng khủng khiếp cho phụ huynh học sinh.

Cần biết rằng, Điều 34 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 quy định về nhiệm vụ của học sinh trung học như sau:

- Thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường.

- Kính trọng cha mẹ, cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường và những người lớn tuổi; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện điều lệ, nội quy nhà trường; chấp hành pháp luật của Nhà nước.

- Rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.

- Tham gia các hoạt động tập thể của trường, của lớp học, của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; giúp đỡ gia đình, tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện trật tự an toàn giao thông.

- Giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường, nơi công cộng; góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường.

Như thể để thấy rằng, trường học cũng không phải là nơi để các em đua nhau thể hiện đẳng cấp, chẳng hạn làm sao để tổ chức tiệc sinh nhật cho mình, cho bạn bè được hoành tráng hay tặng quà ngày 8/3, ngày 20/10 sao cho có giá trị.

Dĩ nhiên, phụ huynh hoàn toàn có thể cho con em thể hiện đẳng cấp ở một môi trường khác, đó là các trường quốc tế hay trường tư thục trường chất lượng cao của Việt Nam. Khi đó các vị có đóng góp hàng trăm triệu đồng, hàng tỉ đồng hoặc nhiều hơn thế nữa thì đó là quyền của họ.

Và một điều khiến dư luận băn khoăn nữa là, việc một lớp ở Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn dự thu lên đến gần 300 triệu/năm, có phải đây là năm đầu tiên ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện thu hay đã tồn tại từ nhiều năm trước?

Ban đại diện cha mẹ học sinh dự trù kinh phí thu chi cao ngất ngưởng, liệu hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn có vô can?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Ly

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ban-dai-dien-phu-huynh-du-tru-kinh-phi-ngat-nguong-ht-thcs-le-quy-don-vo-can-post230152.gd