Bán dẫn Trung Quốc loay hoay tìm hướng đi hậu cấm vận
Trung Quốc có kế hoạch vung tiền giúp lĩnh vực chip thoát khỏi tác động tiêu cực từ các hạn chế xuất khẩu của Mỹ, tuy nhiên tiền chỉ có thể phát huy tác dụng nếu các công ty của nước này vượt được 'bẫy cung ứng giá trị thấp'.
Đến nay Bắc Kinh đã dành ra khoảng 140 tỷ USD, bao gồm trợ cấp chi phí mua thiết bị đúc chip của các nhà sản xuất trong nước, động thái mang lại lợi ích cho tập đoàn thiết bị điện tử vi mô Thượng Hải (SMEE), nhà sản xuất máy in bản thạch duy nhất của nước này.
Khoản chi được cho là nhằm đáp trả việc Mỹ ngày càng siết chặt hạn chế xuất khẩu công nghệ chip sang Đại lục, do lo ngại những vi xử lý tiên tiến có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Tuy nhiên, tiền không phải là cách thức để bắt kịp các đối thủ phương Tây đã đi trước nhiều thế hệ. SMEE và các công ty cùng ngành trong nước chủ yếu bán hàng cho doanh nghiệp nội. Theo những người trong ngành và chuyên gia thị trường, việc thiếu tiếp xúc với các nhà làm chip tiên tiến như TSMC và Samsung Electronics khiến Bắc Kinh khó có thể giải quyết các vấn đề kỹ thuật một cách độc lập và tiến lên trong nấc thang chuỗi giá trị.
“Bẫy cung ứng giá trị thấp là trở ngại để họ đưa bất kỳ tiến bộ nào trong R&D vào sản xuất hàng loạt, cũng như hạn chế khả năng học hỏi các thủ thuật thương mại”, Mark Li, chuyên gia theo dõi lĩnh vực bán dẫn Trung Quốc tại Bernstein Research.
Tương tự như trong ngành hàng không, những nhà sản xuất thiết bị đúc chip có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với khách hàng, cung cấp dịch vụ dài hạn bao gồm lắp đặt, hiệu chuẩn, bảo trì và sửa chữa những thiết bị có giá lên tới trăm triệu USD mỗi chiếc. Mối liên hệ hợp tác này có thể dẫn đến việc chia sẻ đáng kể bí quyết giúp cả 2 bên đạt được tiến bộ về mặt công nghệ.
Bài toán khó giải
Những người từng làm việc tại SMEE và các công ty Trung Quốc khác trong lĩnh vực, nói với Reuters rằng rào cản gia nhập chuỗi cung ứng không phải quá lớn trước khi nó trở nên toàn cầu hóa sâu rộng, các kỹ thuật phức tạp hơn và thị trường bị “độc chiếm” bởi các doanh nghiệp như ASML.
Quản lý cấp cao của SMEE, người thành lập công ty vào năm 2002, không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực máy in thạch bản. Do đó họ đã tự tìm cách chế tạo những chiếc máy đầu tiên bằng cách mua và nghiên cứu thiết bị cũ, cũng như tìm hiểu các bằng sáng chế và tài liệu từ nhiều nguồn khác.
Đến nay, hãng này mới chỉ đủ năng lực để sản xuất thiết bị đúc chip có bảng mạch nhỏ khoảng 90 nanomet (nm) trên tấm silicon, điều mà ASML đã làm được cách đây 2 thập kỷ. Tuy vậy, đây cũng được coi là một bước đột phá tại Trung Quốc, thậm chí còn nhận được giải thưởng của chính quyền vào năm 2018.
“Ngay cả khi chúng tôi có thể tạo ra các thiết bị, chúng tôi cũng không biết cách bảo dưỡng và bảo trì chúng”, kỹ sư này nói.
Một cựu nhân viên hàng đầu khác của một nhà sản xuất thiết bị đúc chip của Trung Quốc kể lại trong khi làm việc để thành thạo quy trình khắc cho 3D NAND Flash, công ty đã không thể hoàn thiện một số khâu quan trọng như lỗ hổng (channel-hole) giữa các lớp bán dẫn.
“Chúng tôi biết cần phải làm gì để thực hiện, nhưng chúng tôi bị hạn chế bởi khả năng thiết kế của thiết bị. Trong khi đó, những người Mỹ đã giải quyết được điều đó”, nhân viên này cho hay.
Cách tiếp cận mới
Một số người trong ngành kêu gọi Trung Quốc cần thay đổi cách tiếp cận để có thể bắt kịp đối thủ. Họ tin rằng nên tập trung nguồn lực để đón đầu kỷ nguyên sản xuất chip tiếp theo, thay vì cạnh tranh với nước ngoài trong việc cố gắng tạo ra các bảng mạch càng ngày càng dày đặc bóng bán dẫn.
Cuối tháng trước, 2 học giả cao cấp của Viện Khoa học Trung Quốc xuất bản bài báo ủng hộ việc tái tập trung nỗ lực vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, vật liệu mới, thay vì mô phỏng công nghệ hiện có từ nước ngoài.
“Chúng tôi có thể tự tạo ra điểm nghẽn và rào cản của riêng mình trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu, cũng như các biện pháp đối phó và hi vọng giải quyết được các điểm yếu công nghệ hiện tại”, các chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, các công ty chip Trung Quốc ngày càng “cô độc” kể từ khi Mỹ áp đặt các lệnh hạn chế vào tháng 10 khi cấm các công ty như Lam Research Corp và Applied Materials Inc cung cấp thiết bị đúc chip tiên tiến mà không có giấy phép. Tình hình còn trở nên tồi tệ hơn khi Washington thuyết phục thành công Nhật Bản và Hà Lan tham gia vào liên minh cấm vận của mình.
“Khi lệnh cấm vận được ban ra, tất cả các công ty Mỹ đều phải tuân theo”, kỹ sư giấu tên của một nhà sản xuất chip nhớ Trung Quốc cho biết. “Trước đây, khi chúng tôi mua thiết bị đều nhận được dịch vụ chăm sóc khách hàng. Bây giờ thì không, do các lệnh trừng phạt”.
(Theo Reuters)