Bán đảo Triều Tiên: Chủ tịch Kim Jong-un nhấn mạnh bước đột phá cho quân đội, Mỹ nói bất đắc dĩ tăng gấp đôi hợp tác cùng Nhật-Hàn
Ngày 14/5, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thị sát việc sản xuất hệ thống tên lửa chiến thuật - thiết bị sẽ được lắp đặt mới tại các đơn vị tên lửa của quân đội nước này.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng thuộc Ủy ban Kinh tế thứ hai đã triển khai kế hoạch sản xuất quân sự trong nửa đầu năm nay và sẽ hoàn thành kế hoạch sản xuất hệ thống vũ khí tên lửa chiến thuật do Quân ủy Trung ương đảng Lao động đặt hàng vào cuối năm.
Tại sự kiện trên, ông Kim Jong-un bày tỏ sự hài lòng với hoạt động sản xuất nửa đầu năm, nhấn mạnh việc thực hiện kế hoạch sản xuất quốc phòng trong năm 2024 là yêu cầu quan trọng.
Nhà lãnh đạo cho rằng, điều này sẽ mang lại bước đột phá về khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội quốc gia Đông Bắc Á.
Theo KCNA, các bệ phóng tên lửa được sản xuất trong nửa đầu năm nay sẽ được lắp đặt tại các đơn vị hỏa lực phía Tây chịu trách nhiệm thực hiện "các nhiệm vụ tấn công quan trọng".
Tuần trước, Chủ tịch Kim Jong-un đã kiểm tra hệ thống vũ khí pháo binh của quân đội Triều Tiên và thị sát buổi thử nghiệm các loại vũ khí này.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày 14/5, Yonhap dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cho biết, nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc "tăng gấp đôi" hợp tác an ninh với Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như thực thi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.
Phát biểu tại một diễn đàn do Viện Brookings có trụ sở tại Washington tổ chức, ông Kritenbrink nhấn mạnh, Washington chắc chắn sẽ tập trung vào vấn đề Triều Tiên bởi đây là một trong những thách thức an ninh "quan trọng nhất" ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Lưu ý rằng Mỹ đã theo đuổi đối thoại với Triều Tiên "không cần điều kiện tiên quyết", quan chức trên nhấn mạnh cam kết an ninh của Washington với các đồng minh và nêu rõ, sự hợp tác ba bên với Tokyo và Seoul đã đạt đến mức độ chưa từng có và phần lớn nhằm ứng phó Bình Nhưỡng.
Nhận xét của ông Kritenbrink được đưa ra khi có nhiều ý kiến cho rằng, cách tiếp cận của Tổng thống Joe Biden đối với Bình Nhưỡng không có nhiều tiến triển trong khi Triều Tiên lại kiên trì theo đuổi các chương trình vũ khí tiên tiến và hợp tác quân sự với Nga.