Bán đảo Triều Tiên tái xuất hiện xu thế căng thẳng
Những ngày gần đây, bán đảo Triều Tiên một lần nữa xuất hiện xu thế căng thẳng. Biểu hiện cụ thể là gần đây vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đang 'nóng dần,' khiến tình hình bán đảo Triều Tiên xấu đi nhanh chóng.
Ngay sau khi có thông tin cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang khởi động lại chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-12 cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không nên áp dụng hành vi thù địch, nếu không sẽ mất tất cả. Ngay sau đó, ngày 9-12, máy bay trinh sát của Mỹ áp sát bán đảo Triều Tiên nhằm theo dõi mọi động thái quân sự của Triều Tiên. Cố vấn an ninh Nhà Trắng Robert O'brien nêu rõ, nếu như Triều Tiên đi ngược lại cam kết phi hạt nhân hóa, Mỹ sẽ có rất nhiều phương thức đáp trả. Trong khi đó Triều Tiên tuyên bố đã không còn gì để mất, kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump không nên tiếp tục có những hành động và phát ngôn khiêu khích.
Trên tài khoản cá nhân Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Kim Jong-un rất tỉnh táo, nếu như ông ấy có hành vi thù địch, ông ấy sẽ mất đi rất nhiều thứ, trên thực tế ông ấy sẽ mất tất cả.” Tuy nhiên, ông Trump cũng bày tỏ, dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên có tiềm năng kinh tế rất lớn, nhưng trước hết cần thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa và nhấn mạnh đây là nhận thức chung của NATO, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, thậm chí là toàn cầu. Ông Trump còn nêu rõ, năm 2018 tại Singapore đã ký kết với ông Kim Jong-un một bản thỏa thuận mạnh mẽ về phi hạt nhân hóa, cảnh cáo Kim Jong-un không được phá vỡ quan hệ đặc biệt giữa hai bên hoặc can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã từ chối bình luận về vấn đề giả định Triều Tiên khôi phục thử nghiệm hạt nhân. Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ và Triều Tiên cần quý trọng cơ hội chính trị hiếm có để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Trong bối cảnh trên, mạng xã hội Aircraft Sports, chuyên theo dõi động thái máy bay quân sự của Mỹ, cho biết ngày 9-12 một máy bay trinh sát RC135W của Không quân Mỹ đã bay qua không phận Hàn Quốc. Trên thực tế từ cuối tháng 11-2019, Mỹ đã nhiều lần điều động các loại máy bay trinh sát khác nhau bay trên không phận bán đảo Triều Tiên. Cùng ngày 9-12, lực lượng quân sự Mỹ tại Nhật Bản đã cùng với Lực lượng Tự vệ trên đất liền (lục quân) của Nhật Bản tổ chức diễn tập tác chiến Sở chỉ huy liên hợp trên sa bàn máy tính với sự tham gia của hơn 6.600 binh sỹ, mô phỏng tác chiến đối phó với các cuộc tấn công phức hợp như tấn công du kích TP, tấn công mạng và tấn công sóng điện từ.
Trong khi đó Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành thử nghiệm “vô cùng quan trọng” tại căn cứ phóng vệ tinh Sohae, một căn cứ gắn liền với chương trình nghiên cứu phát triển tên lửa vượt đại châu của Triều Tiên. Những bức ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy, tại căn cứ phóng vệ tinh Sohae có dấu tích của một cuộc thử nghiệm tên lửa, Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành hợp tác để phân tích. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, nước này đang theo dõi mọi động thái tại các căn cứ quân sự chủ yếu của Triều Tiên.
Vụ thử này, được cho là một động cơ tên lửa, khiến người ta lo ngại rằng Triều Tiên sẽ phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nếu Mỹ bỏ lỡ thời hạn cuối năm nay mà ông Kim Jong-un đã đặt ra cho Washington khi Mỹ không đưa ra được một đề xuất mới. Một vụ phóng ICBM, hành động gây ra mối đe dọa trực tiếp tới Mỹ, có thể làm hỏng các nỗ lực ngoại giao cá nhân giữa Trump và Kim Jong-un trước khi diễn ra chiến dịch tái tranh cử chính thức của Tổng thống Trump.
Ông Park Won-gon, Giáo sư chính trị quốc tế của trường ĐH Toàn cầu Handong, bình luận: "Triều Tiên rõ ràng báo hiệu rằng vụ thử mới nhất tại Trạm phóng vệ tinh Sohae có thể là một khúc dạo đầu cho một vụ thử ICBM. Điều khá ngạc nhiên là Triều Tiên đang có những hành động nhanh hơn tôi nghĩ. Vụ thử ICBM, nếu diễn ra, sẽ làm cho tình hình căng thẳng trở lại như hồi năm 2017. Trump có thể sử dụng các chiến thuật gây áp lực tối đa và thắt chặt trừng phạt với cái cớ là ông đã nỗ lực ngoại giao hết sức". Vụ thử ICBM có thể làm cho các hoạt động ngoại giao hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng trở về con số 0 bởi Trump đã coi việc Triều Tiên tự ngừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa là một trong những hành động đảo ngược chính sách đối ngoại của Kim Jong-un. Trump đã thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao bất chấp những lời chỉ trích ngăn ông “giao thiệp” với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và những lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể lợi dụng tiến trình đối thoại để làm suy giảm các lệnh trừng phạt quốc tế chống Triều Tiên.
Trong một diễn biến liên quan khác, hôm 7-12, khi tham dự một diễn đàn công khai, hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Edward Panetta và James Mattis đều cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại cần phải quy trách nhiệm cho ê-kíp chính phủ Mỹ hiện nay đã chuẩn bị chưa tốt. Edward Panetta nói rằng nếu như Tổng thống Mỹ sẽ gặp một lãnh đạo nước khác, cần phải làm tốt mọi công tác chuẩn bị, đây là điều cốt lõi. Còn ông James Mattis đã thẳng thắn phê phán Tổng thống Trump khi xử lý quan hệ với Triều Tiên đã không để đồng minh tham gia và đây là một sai lầm.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ban-dao-trieu-tien-tai-xuat-hien-xu-the-cang-thang-173436.html