Bản đồ cổ thời La Mã tái hiện trong bảo tàng ở Rome
Một bảo tàng gần Đấu trường La Mã ở thủ đô Rome, Italy hôm nay đã giới thiệu tới công chúng một bản đồ bằng đá cẩm thạch tái hiện thời La Mã cổ đại. Công bố bản đồ này là một phần trong kế hoạch tân trang thành phố và thu hút khách du lịch đến với thành Rome.
Tấm bản đồ có tên Forma Urbis là tấm bản đồ bằng đá cẩm thạch hoành tráng, có độ chi tiết cao về La Mã cổ đại được chạm khắc trên 150 phiến đá riêng biệt, với kích thước 18 x 13 mét dưới thời trị vì của Hoàng đế Septimius Severus trong khoảng thời gian từ năm 203 đến 211 sau Công nguyên. Bảo tàng này là địa điểm mới nhất của Rome với mong muốn mở rộng sức hấp dẫn khi lượng khách du lịch ngày càng tăng. Tấm bản đồ được tạo ra trên một bức tường ở thành phố cổ, nhưng qua nhiều thế kỷ dần tan rã. Người dân địa phương sử dụng một số tấm đá để xây dựng các tòa nhà mới. Trong cuộc khai quật năm 1562, các mảnh vỡ đã được tìm thấy.
Các học giả ước tính các mảnh vỡ chiếm khoảng 10% tấm bản đồ, bao gồm phần thể hiện Đấu trường La Mã, rạp xiếc Maximus. Bức chạm khắc khổng lồ này là nguồn tài liệu quý giá để hiểu được bố cục một thành phố thời La Mã cổ đại.