Bản đồ công nghệ: Định hướng tương lai

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố Bản đồ công nghệ lĩnh vực thông tin và truyền thông. Đây là bộ, ngành đầu tiên nghiên cứu và công bố 8 bản đồ công nghệ cho tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ.

Bản đồ công nghệ trong lĩnh vực báo chí. Ảnh: VGP/HM

Bản đồ công nghệ trong lĩnh vực báo chí. Ảnh: VGP/HM

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ, Bộ TT&TT, bản đồ công nghệ của Bộ TT&TT sẽ là công cụ hỗ trợ quản lý, dự báo, dẫn dắt, quyết định lựa chọn chấp nhận, ứng dụng, đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ một cách tối ưu, đạt hiệu quả cao nhất.

Bản đồ được xây dựng dựa trên các chiến lược đã được phê duyệt; tham khảo các báo cáo chuyên đề về xu hướng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ trên thế giới; các tài liệu của một số tổ chức uy tín trên thế giới về cách thức, phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ và lấy ý kiến các chuyên gia trong nước.

Sau 3 tháng nghiên cứu, 11 đơn vị của Bộ đã xây dựng được phiên bản đầu tiên của 8 bản đồ công nghệ cho lĩnh vực TT&TT gồm: Lĩnh vực viễn thông, bưu chính, báo chí, xuất bản, Chính phủ số, an toàn thông tin, đại học số, công nghệ số.

Mỗi bản đồ công nghệ gồm một tài liệu mô tả, đánh giá chi tiết từng công nghệ và một trang đồ họa (bản đồ) thể hiện các thông tin ngắn gọn về các công nghệ có tác động đáng kể đến lĩnh vực.

Mỗi bản đồ có các loại thông tin gồm: Mức độ trưởng thành của công nghệ, mức độ ảnh hưởng của công nghệ, các giai đoạn của sự kỳ vọng của công nghệ theo thời gian.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông chia sẻ, bản đồ công nghệ viễn thông là tài liệu dẫn hướng trong những năm tới cho công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phát triển năng lực đo lường trong lĩnh vực viễn thông. Bản đồ giúp các doanh nghiệp viễn thông lập kế hoạch thay đổi công nghệ, tránh các công nghệ lạc hậu. Các nhà khoa học, nhà quản lý, kỹ sư cũng có thể tham khảo bản đồ công nghệ phục vụ các mục tiêu khác.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cũng cho rằng, với lĩnh vực báo chí, mặc dù không phải là lĩnh vực công nghệ nhưng không thể thiếu công nghệ. Lĩnh vực này đã có bản đồ công nghệ gồm 12 định hướng công nghệ trong nhiều năm tới, đặc biệt là công nghệ về tự động hóa nghiệp vụ, trải nghiệm người dùng bằng công nghệ nền tảng số, nhận dạng tiếng nói, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, robot, tổng hợp tiếng nói từ văn bản…

"Xây dựng Chính phủ số là một lĩnh vực mới, rất khó khăn trong việc định hướng lựa chọn công nghệ. Tuy nhiên, thông qua bản đồ công nghệ lĩnh vực Chính phủ số, chúng tôi đã có định hướng giúp các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức giải quyết được bài toán tránh đầu tư vào các công nghệ lỗi thời, công nghệ đắt đỏ nhưng mang ít lợi ích cho người dân và doanh nghiệp", ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, lĩnh vực TT&TT đang có những thay đổi mang tính cách mạng. Chính công nghệ số đã tạo ra sự thay đổi này. Vì vậy, chúng ta phải sáng tạo ra tương lai mới của chính mình dựa trên công nghệ số.

HM

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/ban-do-cong-nghe-dinh-huong-tuong-lai-102231009154949246.htm