Bản đồ năng lượng thế giới đang được vẽ lại

Bình luận từ giới chuyên gia, cuộc khủng hoảng năng lượng thời gian qua là mối nguy cho châu Âu, nhưng cũng là cơ hội lớn cho nhiều nhà cung cấp ít tên tuổi trỗi dậy. Với kịch bản khủng hoảng năng lượng được dự báo còn kéo dài, bản đồ năng lượng thế giới sẽ dần được vẽ lại.

Trạm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ngoài khơi bờ biển Porto Levante, tỉnh Rovigo, Italia. Ảnh: Today

Trạm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ngoài khơi bờ biển Porto Levante, tỉnh Rovigo, Italia. Ảnh: Today

Tại Algeria, hàng chục giếng dầu đang được các doanh nghiệp của Italia và Algeria dồn lực triển khai khai thác. Trong khi nhiều năm qua, những nhà cung cấp nhỏ hầu như không có “đất dụng võ”, thậm chí là ngay trên sân nhà. Biến động địa chính trị phức tạp trong khoảng 1 năm qua đã khiến một lượng lớn thị phần không còn trong tay các “ông lớn”, tạo ra những khoảng trống cho những nhà cung cấp nhỏ khỏa lấp.

Theo giới quan sát kinh tế quốc tế, đang có một “làn sóng” đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất khí đốt ở Algeria, Azerbaijan... với sự nỗ lực trực tiếp của các chính phủ, nhằm cung ứng cho thị trường châu Âu. Dòng khí đốt tự nhiên trên khắp thế giới đang ghi nhận những dấu hiệu chuyển hướng, thể hiện rõ nét ở việc châu Âu chuẩn bị tăng cường nhập khẩu từ châu Phi thông qua đường dẫn qua Italia, đến Áo và các quốc gia khác.

Nhiều phân tích từ giới chuyên gia cho rằng, dòng chảy khí đốt chủ lực nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) trong khoảng 1,5 năm qua đã thiếu hụt mất 2/3. Trong bối cảnh đó, dòng chảy mới mà châu Âu định hình hứa hẹn sẽ cung cấp một vùng đệm năng lượng trong 3 năm tới. Đây cũng là giai đoạn dự báo tình trạng khủng hoảng nguồn cung sẽ nghiêm trọng nhất. Dễ thấy, nguồn cung năng lượng mới sẽ đem tới những lợi ích rõ rệt cho châu Âu, như: Thay thế một số loại nhiên liệu vừa đắt đỏ, vừa phải phụ thuộc; giảm giá năng lượng và mang tới những lợi ích trực tiếp cho đời sống kinh tế, xã hội.

Theo giới chuyên gia, châu Âu đã và đang tiếp tục trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn và việc giải quyết khủng hoảng năng lượng là gánh nặng thường trực trên vai của các nhà lãnh đạo châu Âu. Bài toán phải giải gấp gáp là làm sao để bù lấp càng nhanh càng tốt nguồn cung thiếu hụt, nhất là chỉ vài tháng nữa sẽ tới mùa đông - mùa châu Âu sử dụng năng lượng nhiều.

Trong nỗ lực đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp châu Âu, chia sẻ gần đây của một số quan chức Algeria tiết lộ rằng, nước này phấn đấu xuất khẩu khoảng 100 tỷ mét khối khí đốt, chiếm một lượng lớn tỷ lệ thiếu hụt ở các nước EU. Nhìn lại lịch sử, giới quan sát cho rằng, Algeria đã từng là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho Italia nhưng đã bị đánh bật khỏi thị trường “màu mỡ” này khi những “ông lớn” quốc tế nhập cuộc với giá rất rẻ, khiến doanh nghiệp của Algeria không thể cạnh tranh. Trong bối cảnh sân chơi vắng bóng quần hùng, Algeria đang nắm trong tay thời cơ “tái xuất” quý báu để chiếm lĩnh thị trường Italia nói riêng và rộng hơn là các nước EU.

Về phía Italia, quốc gia này cũng mong muốn có được nguồn cung từ Algeria vốn là quốc gia thân thiện và dễ dàng điều phối. Từ đó, Italia sẽ xuất khẩu khí đốt qua biên giới phía Bắc sang các nước đồng minh EU lân cận khác và trở thành trung tâm khí đốt mới ở châu Âu. Điều này đang được Italia thể hiện rõ ở việc tăng tốc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới về phía Bắc.

Ở góc nhìn khác, nhiều chuyên gia chính trị quốc tế vẫn bày tỏ những hoài nghi trong sách lược này. Theo đó, vấn đề cốt lõi dẫn tới cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu nằm ở việc “lục địa già” sống quá phụ thuộc vào một số nguồn cung lớn, dồi dào. Việc chuyển dịch nguồn cung lớn sang Algeria, Azerbaijan, hay các quốc gia khác sẽ không giải quyết tận gốc “căn bệnh trầm kha” này, mà thực chất chỉ giải quyết sự bức thiết trước mắt.

Trong kịch bản xuất hiện những “đòn bẩy” chính trị, các nhà cung cấp độc quyền mới có thể đưa ra quyết định bất ngờ cắt đứt nguồn cung, khủng hoảng năng lượng châu Âu chắc chắn sẽ lặp lại. Trong khi đó, cách tiếp cận căn cơ nhất là đa dạng hóa nguồn cung vẫn chưa được châu Âu cho thấy những tiến bộ trong việc hiện thực hóa mục tiêu bền vững này.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ban-do-nang-luong-the-gioi-dang-duoc-ve-lai-post466697.html