Hoàn thiện quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp

Nghị định 120/NĐ-CP đưa ra nhiều quy định mới về khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, mua bán, chế biến, xuất khẩu gỗ, đáp ứng tuân thủ các quy định quốc tế, đặc biệt quy định của Liên minh châu Âu…

Ngành sản xuất đồ gỗ phải sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp.

Ngành sản xuất đồ gỗ phải sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 120/NĐ-CP ngày 30/9/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp.

Nghị định 120 định nghĩa gỗ hợp pháp là gỗ, sản phẩm gỗ được khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, mua bán, chế biến, xuất khẩu phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; các quy định liên quan của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật có liên quan của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi khai thác gỗ, trung chuyển và xuất khẩu gỗ vào Việt Nam.

NHIỀU QUY ĐỊNH MỚI VỀ GỖ HỢP PHÁP

So với Nghị định 102, trong Nghị định 120, gỗ xử lý tịch thu đã được bỏ khỏi định nghĩa gỗ hợp pháp. Ngoài ra, Nghị định 120 cũng kiểm soát chặt chẽ gỗ tạm nhập, tái xuất. Theo đó, loại gỗ này không còn nằm trong diện được cấp giấy phép FLEGT (Giấy xác nhận Gỗ hợp pháp).

Một điểm đáng chú ý, là Nghị định 120 đã sửa Điều 5 Nghị định 102 khi chỉ rõ các tiêu chí xếp loại quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc vùng địa lý tích cực.

Cụ thể, để đạt xếp loại này, quốc gia, vùng lãnh thổ phải đảm bảo một trong các tiêu chí.

Một là, có hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp và cấp giấy phép FLEGT đang vận hành.

Hai là, có quy định pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ về trách nhiệm giải trình tính hợp pháp của gỗ cho toàn bộ chuỗi cung ứng từ quốc gia, vùng lãnh thổ nơi khai thác phù hợp với Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Ba là, có chỉ số hiệu quả Chính phủ từ 0 trở lên theo xếp hạng gần nhất trước đó của Ngân hàng thế giới (WB) về chỉ số quản trị toàn cầu (WGI); có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thực thi CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp), được xếp loại I do Ban thư ký CITES công bố.

Đồng thời, đáp ứng thêm 1 trong 2 tiêu chí: Quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia được Việt Nam công nhận đáp ứng tiêu chí gỗ hợp pháp theo Nghị định; hoặc đã ký Điều ước quốc tế hoặc Thỏa thuận quốc tế với Việt Nam về gỗ hợp pháp.

"Giấy phép FLEGT (Giấy xác nhận Gỗ hợp pháp) sẽ được cấp cho mỗi lô hàng gỗ hợp pháp có mã HS thuộc Bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của một chủ gỗ xuất khẩu đến cửa khẩu nhập khẩu đầu tiên vào thị trường EU".

Theo Nghị định 120/2024/NĐ-CP.

Danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc vùng địa lý tích cực do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và tổ chức được quy định trong Điều ước quốc tế hoặc Thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên xác định.

Định kỳ trước 31/12 hằng năm hoặc khi có thay đổi, danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc vùng địa lý tích cực sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trang thông tin điện tử của Cục Kiểm lâm.

Nghị định 120 cũng phân loại chi tiết danh mục loài gỗ rủi ro, nếu thuộc 1 trong số các tiêu chí: (i) Gỗ thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (thuộc Phụ lục CITES); (ii) Gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA, Nhóm IIA; Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam; (iii) Loài gỗ lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam; (iv) Gỗ có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng tại quốc gia, vùng lãnh thổ khai thác hoặc gỗ khai thác, buôn bán trái phép hoặc gỗ do sử dụng tài liệu giả mạo để chứng nhận hợp pháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ, ngành liên quan và các tổ chức được quy định trong Điều ước quốc tế hoặc Thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên xác định và công khai.

Danh mục loài gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam bao gồm tên khoa học, tên thương mại tiếng Việt, tiếng Anh (nếu có) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, công khai định kỳ trước ngày 31/12 hằng năm. So với Nghị định 102, quy định mới giảm số lần công bố từ 2 xuống 1 lần/năm.

Nghị định 120 cũng tạo điều kiện về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trồng, khai thác và cung cấp gỗ rừng trồng, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu gỗ.

Theo Nghị 102, sau khi phân loại lần đầu được thực hiện khi đăng ký vào Hệ thống thông tin phân loại, doanh nghiệp phải phân loại lần hai được thực hiện sau 1 năm kể từ khi phân loại lần đầu. Nhưng theo Nghị định 120, bước này được loại bỏ. Phân loại các lần tiếp theo đối với doanh nghiệp Nhóm I sẽ là 2 năm 1 lần, doanh nghiệp Nhóm II là 1 năm 1 lần.

CHUẨN BỊ THÍCH ỨNG VỚI EUDR

Chiều ngày 1/10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam và Tổ chức Forest Trends tổ chức Phiên họp kỹ thuật Ngành hàng gỗ và cao su chuẩn bị thích ứng Quy định về chống phá rừng của EU (EUDR): Thực trạng và kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp.

EUDR nhằm ngăn chặn nạn phá rừng và suy thoái rừng, giảm lượng khí thải carbon trên quy mô toàn cầu và giải quyết các tác động tiêu cực của việc mở rộng nông nghiệp, sẽ có hiệu lực thực thi từ ngày 1/1/2025. Phiên họp được tổ chức nhằm cập nhật tình hình chuẩn bị thích ứng với EUDR của ngành hàng gỗ và cao su, đồng thời rà soát các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Dưới sự chủ trì của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phiên họp đã thu hút sự tham gia trực tiếp của gần 40 đại biểu đến từ Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Trồng trọt, Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản; Hiệp hội Cao su; GIZ và Forest Trends. Bên cạnh đó, gần 140 đại diện đến từ các hiệp hội và doanh nghiệp cũng đã tham dự cuộc họp theo hình thức trực tuyến.

Quang cảnh cuộc họp về EUDR vào chiều 1/10/2024.

Quang cảnh cuộc họp về EUDR vào chiều 1/10/2024.

Tại phiên họp, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản và Hiệp hội Cao su Việt Nam đã chia sẻ thông tin về những hoạt động của hiệp hội nhằm hỗ trợ các thành viên đáp ứng EUDR cũng như vượt qua các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải.

Đối với ngành cao su, nhóm cao su tiểu điền đang gặp nhiều khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc và xác định tọa độ địa lý của các lô trồng. Trong khi đó, ngành gỗ phải đối diện với trở ngại khi truy xuất nguồn gốc và tọa độ địa lý của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu và thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các sản phẩm sử dụng nhiều nguồn phụ phẩm như viên nén.

"Kết quả khảo sát mức độ sẵn sàng của ngành cao su và ngành gỗ do Forest Trends phối hợp với thành viên của hai hiệp hội, cho thấy các doanh nghiệp đã có hiểu biết nhất định về EUDR, một số doanh nghiệp đã thật sự sẵn sàng nhưng còn một phần lớn doanh nghiệp cao su và gỗ chưa có sự chuẩn bị gì để đáp ứng EUDR.

Nguyên nhân được cho là do chưa có hướng dẫn thực thi Quy định này. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp có từ 2-3 nguồn cung nguyên liệu, trong đó có nguồn cung từ tiểu điền và nông hộ. Doanh nghiệp cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi thu thập thông tin từ các hộ tiểu điền và nông hộ này".

TS. Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Forest Trends.

Chia sẻ tại phiên họp, Cục Trồng trọt và Cục Lâm nghiệp đã cập nhật các hoạt động từ phía cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực thi EUDR. Cục Trồng trọt đang trong tiến trình xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng cho cao su nhằm cung cấp hệ thống thông tin, để có thể kết nối tới cổng thông tin khai báo của Liên minh Châu Âu. Trong khi đó, Cục Lâm nghiệp đang phối hợp với Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản khảo sát và xây dựng hướng dẫn tạm thời để thực hiện EUDR cho các doanh nghiệp gỗ.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hoan-thien-quy-dinh-he-thong-dam-bao-go-hop-phap.htm