Bản đồ rủi ro và kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu đem lại hiệu quả cao
Sáng ngày 19-10, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp Chương trình Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực khu vực Đông Nam Á (CCAFS) tổ chức Hội thảo trực tuyến Tham vấn chính sách và Ra mắt bộ ấn phẩm Bản đồ rủi ro và kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu (CS-MAP) với sở NN-PTNT trên toàn quốc.
Bản đồ rủi ro và kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu (CS-MAP) cho sản xuất lúa đã được xây dựng và áp dụng ở 41 tỉnh đem lại hiệu quả cao và đã thí điểm thành công ở cấp huyện và cấp xã. Theo đó, thành tựu ghi nhận được là vụ lúa Đông - Xuân (2019 - 2020) diện tích bị thiệt hại do hạn, mặn so với Đông - Xuân (2015 - 2016) giảm khoảng 176.000ha lúa (tương đương hơn 73% diện tích có nguy cơ bị nhiễm mặn), mức độ thiệt hại cũng giảm trên 70% và giải pháp xuống giống sớm tại đồng bằng sông Cửu Long được chứng minh hiệu quả trong vụ Đông - Xuân (2019 - 2020). Cụ thể năng suất của nhóm xuống giống sớm cao hơn 78% so với nhóm không xuống giống sớm, do đó thu nhập năm cũng tăng cao hơn 34%.
Riêng Sóc Trăng là tỉnh ven biển chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và hạn hán, xâm nhập mặn. Từ năm 2017 đến nay, CS-MAP triển khai thí điểm tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, đã hỗ trợ cho tỉnh xác định được khu vực nào có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn để kịp thời xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, nhằm hạn chế thiệt hại cho sản xuất.
Thông qua hội thảo giúp cho ban ngành các cấp, sở NN-PTNT các tỉnh trên toàn quốc biết thêm về các yếu tố then chốt cho sự thành công của CS-MAP, các ứng dụng tiềm năng của CS-MAP, các cơ hội và rào cản trong việc lồng ghép CS-MAP vào chính sách và kế hoạch của các cấp, các ưu tiên về mặt kỹ thuật, tài chính và nguồn nhân lực cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cán bộ được giao nhiệm vụ trong việc theo dõi CS-MAP, góp phần giúp nông dân sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.