Bạn đọc Bạn đọc Lo biển tiếp tục xâm thực

TTH - Hiện tượng xâm thực bờ biển ở Phong Điền diễn ra vài năm trở lại đây, và ngày càng nghiêm trọng.

Xâm thực bờ biển Phong Điền ngày càng nghiêm trọng

Xâm thực bờ biển Phong Điền ngày càng nghiêm trọng

Đe dọa hàng trăm hộ dân

Cũng giống như ở các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc thời gian qua, hiện tượng xâm thực bờ biển ở Phong Điền ngày càng khó lường. Qua mỗi năm, quá trình xâm thực bờ biển càng diễn biến phức tạp hơn, tốc độ biển ăn sâu vào đất liền càng nhanh.

Điểm xâm thực bờ biển nặng nhất ở Phong Điền tập trung ở xã Phong Hải. Khoảng vài năm trở lại, cứ mỗi mùa mưa bão kết thúc, bờ biển bị xâm thực từ 10 – 20m, chiều dài gần 3km. Những bãi biển đẹp, được định hướng phát triển du lịch biển ở Phong Hải cũng dần bị “biến dạng” bởi xâm thực.

Ông Hà Thúc Ánh, Trưởng thôn Hải Thành, xã Phong Hải cho biết, qua mỗi năm, bờ biển sạt lở nặng hơn, lấn sâu vào tận nhà dân. Hiện xâm thực đang uy hiếp trực tiếp gần 30 hộ dân trong thôn sống sát bờ biển. Năm nào lực lượng chức năng và người dân trong thôn cũng gia cố bằng bao cát, nhưng sức người không chống được thiên nhiên.

Cách đó không xa, anh Trần Thanh Thạo, thôn Hải Đông, xã Phong Hải lo lắng: “Là một người dân sống gần biển mới thấy thấp thỏm mỗi mùa mưa bão tới, nhất là khi có một cơn bão nào đó tiến vào đất liền. Mong sao các cơ quan chức năng có giải pháp kiên cố, hay có phương án di dời người dân đến vùng an toàn để yên tâm sinh sống.

Mùa mưa bão năm nay chỉ mới qua một thời gian ngắn, bờ biển ở Phong Điền tiếp tục bị xâm thực. Theo thống kê UBND huyện Phong Điền, trên tuyến bờ biển của huyện hiện có 2 xã Phong Hải và Điền Hòa là bị xâm thực nặng, ăn sâu vào bờ mỗi năm từ 10 - 20m, chiều dài khoảng 3km (Phong Hải 2,5km, Điền Hòa 0,5 km), đe dọa cuộc sống của hàng trăm hộ dân thuộc 5 thôn sát bờ biển xã Phong Hải (Hải Thế, Hải Phú, Hải Nhuận, Hải Thành, Hải Đông) và 2 thôn (thôn 10 và 11) của xã Điền Hòa. Ở các xã Điền Lộc, Điền Môn, Điền Hương cũng chịu tác động, với mức độ nhẹ hơn.

Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải nhớ lại, sau liên tiếp những cơn bão số 5, số 9 và số 13 trong năm 2020, kết hợp với triều cường, sóng to, biển đã xâm thực sâu vào đất liền lên đến 40m. Trước khi bão đổ bộ và sau khi bão tan, hàng trăm cán bộ xã Phong Hải và lực lượng công an, quân sự, Đồn Biên phòng Phong Hải và Nhân dân tiến hành khắc phục bằng hàng chục bao cát, rọ đá, nhưng cũng mang tính tạm thời, sau một thời gian lại bị sóng biển đánh tan.

Đề xuất bố trí kinh phí xây dựng kè kiên cố

Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân dọc bờ biển, xâm thực cũng đang đặt ra thách thức với những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì du lịch biển được định hướng là một trong những ngành kinh tế trong tương lai của Phong Điền. Việc xâm thực chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan cho các bãi tắm nơi đây.

Ông Hoàng Văn Sửu cho biết, bên cạnh giải pháp huy động lực lượng, phương tiện để gia cố những điểm xung yếu, xâm thực mạnh, xã đang tiến hành trồng hai loại cây chống xâm thực tốt và có tốc độ sinh trưởng khá nhanh là cây dương và cây dứa gai. Phương án mang tính cấp bách hơn là mỗi lần có bão trên Biển Đông dự báo vào Thừa Thiên Huế, xã sẽ di dời người dân đến nơi an toàn. Như bão số 5, năm 2021 vừa rồi, xã đã di dời 74 hộ với 355 khẩu thuộc 5 thôn sát biển đến các cơ sở kiên cố.

UBND huyện Phong Điền nhấn mạnh, an toàn của người dân là yêu cầu cao nhất. Vì thế, huyện sẽ chủ động các phương án để gia cố những điểm xung yếu. Yêu cầu các địa phương cử cán bộ trực, chủ động theo dõi tình hình thời tiết, sóng biển, triều cường để thông báo kịp thời cho người dân trong khu vực, chủ động ứng phó, xử lý tình huống. Có kế hoạch di dời, tái định cư người dân vùng xâm thực đến nơi an toàn. Về lâu dài, UBND huyện sẽ đề nghị tỉnh kiến nghị với Trung ương cấp kinh phí làm kè chống sạt lở bờ biển.

Theo ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, trước diễn biến phức tạp của xâm thực bờ biển, trong khi điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, ngày 21/10, UBND huyện có văn bản gửi UBND tỉnh xin chủ trương lập dự án, bố trí kinh phí để xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển nhằm ổn định đời sống của Nhân dân Phong Điền.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, với xâm thực bờ biển, giải pháp “căn cơ” nhất luôn là xây dựng kè kiên cố. Xâm thực bờ biển trên địa bàn toàn tỉnh đang diễn ra phức tạp, nguồn vốn để đầu tư hệ thống đê kè còn hạn chế, phải chờ vốn từ Trung ương, nên sẽ có những tính toán, phân bổ nguồn vốn hợp lý nhất có thể. Trong lúc chờ đợi kinh phí, các địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp như trồng rừng, chủ động phương án di dời, tái định cư...

Bên cạnh xin chủ trương lập dự án chống xâm thực bờ biển, UBND huyện Phong Điền đề xuất UBND tỉnh lập phương án chống sạt lở trên tuyến sông Ô Lâu, qua địa bàn các xã Phong Mỹ, Phong Thu, thị trấn Phong Điền, Phong Hòa, Phong Bình với tổng chiều dài khoảng 3,9km; trên tuyến sông Bồ qua xã Phong An, Phong Sơn với tổng chiều dài khoảng 2,4km.

Bài, ảnh: Đức Quang

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/lo-bien-tiep-tuc-xam-thuc-a106385.html