Bạn đọc Bạn đọc viết Tính toán kỹ để phố đêm 'sáng đèn'
TTH - Huế được xem là đô thị có rất nhiều thuận lợi để phát triển loại hình kinh tế về đêm bởi có nền văn hóa ẩm thực đa dạng, nghệ thuật đặc sắc, có dân số trẻ và không gian, đô thị khác nhau.
Phố đêm là một phần của kinh tế đêm. Không chỉ hướng đến du khách nước ngoài, du khách ngoại tỉnh có khả năng chi tiêu cao, phố đêm hướng tới giới trẻ để kích thích tiêu dùng và kích cầu du lịch.
Sau phố đi bộ ở khu đô thị sôi động bờ Nam: Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An – Võ Thị Sáu, TP. Huế đang lấy ý kiến cho đề án trước khi tạo dựng nên một phố đêm ở bên trong không gian đô thị di sản, quanh Đại Nội ở 4 tuyến đường: 23/8, Đặng Thái Thân, Lê Huân và Đoàn Thị Điểm.
UBND TP. Huế cho rằng, đề án không chỉ giúp cho chính quyền địa phương quản lý và tổ chức thực hiện một cách đồng bộ về kiến trúc, cảnh quan khu vực, mà còn hình thành nên một khu vực mang tính đặc sắc cho du khách và người dân địa phương, thông qua các hoạt động thương mại, dịch vụ và tổ chức các hoạt động văn hóa du lịch đặc sắc của TP. Huế trong tương lai, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân địa phương, làm nổi bật hơn hình ảnh của Huế... Đề án này cũng được xem là bước khởi đầu cho “đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” đã được Thủ tướng phê duyệt, từ đó làm cơ sở đề xuất thí điểm triển khai Đề án kinh tế đêm của tỉnh Thừa Thiên Huế về sau.
Nhìn lại phố đêm – phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An – Võ Thị Sáu, đi vào hoạt động từ năm 2017 đến nay, một điều không ai có thể phủ nhận đó là đã tạo được những thay đổi tích cực, đóng góp sự thành công trong kích cầu du lịch, phát triển kinh tế đêm. Những đêm cuối tuần, không gian này đón một lượng khách đông đảo, đặc biệt thời điểm chưa có dịch COVID-19, có rất đông khách quốc tế và ngoại tỉnh. Tuy nhiên, chừng ấy năm hoạt động, nhà quản lý cần phải đặt câu hỏi được gì và chưa được gì, trước khi bắt tay tính toán cho khu phố đi bộ 4 tuyến đường bên trong Thành nội.
Thực tế cho thấy, để trở thành một khu phố đêm “không ngủ”, đâu chỉ các dịch vụ ăn uống, giải trí đơn thuần mà còn phải tạo ra sự phong phú trong các hình thức giải trí, các loại hình nghệ thuật mang bản sắc riêng, để du khách không thể bỏ qua khi đến địa điểm đó.
Một thành viên trong Ban Quản lý phố đi bộ Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu nói rằng, sản phẩm phố đêm, phố đi bộ ra đời đã phần nào làm thay đổi bộ mặt của đô thị Huế về đêm. Người này cho rằng, quá trình vận hành cho thấy “được” nhiều hơn “mất” và được du khách đánh giá cao so với nhiều phố đêm, phố đi bộ khác trên cả nước về sự hài hòa, bình yên.
Phố đêm – phố đi bộ này được hình thành từ khu vực dân sinh nên phần nào chính người dân kinh doanh hưởng lợi trực tiếp. Tuy nhiên, đến thời điểm này phố đêm vẫn còn nội dung chưa hoàn thiện theo đề án đề ra do ảnh hưởng của dịch. Vì thế, còn khá nhiều vấn đề cần được đầu tư, cải thiện để phố đêm trở nên đúng nghĩa hơn trong tương lai gần.
Chúng ta đã lấy ý kiến góp ý của rất nhiều cơ quan chuyên môn, chuyên gia, nhưng trên thực tế vẫn rất cần những câu trả lời từ du khách khi đặt câu hỏi họ “muốn gì?”. Hoặc ngay những người thực hiện đề án, quản lý và phát triển phố đêm phải thật lòng đặt mình vào vị trí của du khách, để hiểu và tự vấn mình muốn gì ở phố đêm. Có biết mình thiếu gì, muốn gì thì ít nhiều mới hiểu, đồng cảm và từ đó mới có thể khai thác được nhu cầu của khách.
“Chẳng có gì để chơi tới sáng. Lui tới cũng vậy”, nhiều du khách đã nói như thế để hy vọng có sự thay đổi, làm mới, điều này cho thấy các dịch vụ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Chưa kể thời điểm chưa có dịch, khách nước ngoài đến Huế lệch múi giờ, cần rất nhiều dịch vụ giải trí. Việc tạo ra các khu phố đêm để kích cầu du lịch, phát triển kinh tế về đêm là điều rất tốt, thế nhưng cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng.
TP. Huế cũng đưa ra quan điểm phố đêm ở quanh Đại Nội đó là khai thác phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và điều kiện kinh tế - xã hội của khu vực Thành nội và giải quyết hài hòa bài toán giữa phát triển và bảo tồn; khai thác hiệu quả của các nguồn lực bên ngoài và nỗ lực nội tại của người dân. Bên cạnh đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tôn vinh và quảng bá những giá trị văn hóa đặc trưng truyền thống của Huế đến người dân và du khách.
Thế nhưng, cũng lưu ý cần phát triển đồng bộ nhiều lĩnh vực, từ thiết kế, xây dựng đô thị, giao thông sao cho thông thoáng. Đặc biệt là xây dựng chính quyền đô thị vì du lịch, liên quan đến nhiều ngành nghề. Bên cạnh, phải có phương án dung hòa nhu cầu của người ở quanh khu vực phố đêm và nhu cầu của du khách. Ngoài ra, cần có chiến lược, nới chính sách để phố đêm có thể tự tin sáng đèn, để từ đó có kinh tế về đêm bền vững, phù hợp với nhiều đối tượng, lứa tuổi, tín ngưỡng, văn hóa khác nhau.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tinh-toan-ky-de-pho-dem-sang-den-a106765.html