Bạn đọc cho rằng cắt điện, nước công trình vi phạm là làm khó dân!
Bạn đọc đề nghị nên xem xét lại quy định cắt điện nước công trình vi phạm, không thể vì lỗi của chủ công trình mà gây khó khăn cho người dân.
Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Quốc hội tranh luận việc cho Hà Nội áp dụng 'cắt điện, nước' đối với công trình vi phạm” nói về việc các đại biểu cho rằng biện pháp cắt điện nước công trình vi phạm sẽ ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân và không mang tính nhân văn.
Cụ thể, tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 27-11, nội dung cho Hà Nội thẩm quyền “cắt điện, nước” công trình, cơ sở vi phạm pháp luật về xây dựng, ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 34 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Nhiều bạn đọc cho rằng đây là quy định chưa hợp lý vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân. Ngoài ra tiềm ẩn nhiều rủi ro vì khó xử lý cháy nổ kịp thời.
Không hợp lý
Nói về vấn đề này, bạn đọc Nguyễn Hằng viết: “Việc chủ đầu tư vi phạm đã có pháp luật xử lý còn quyền của người dân phải được đảm bảo, người dân không biết nên không có lỗi, tại sao phải chịu hậu quả của việc Ban Quản lý làm sai? Chuyện cắt điện nước công trình vi phạm là chuyện ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Quế Phong cho rằng: “Luật có đủ, vi phạm thì xử phạt, rút giấy phép,… tại sao lại cắt điện, nước? Theo tôi thấy hai vấn đề này không ăn nhập với nhau. Người dân mua điện, nước có hợp đồng và trả tiền như bao loại hàng hóa khác. Chuyện công trình vi phạm là chuyện hành chính, liên quan gì đến công ty điện nước mà cắt, như vậy khác gì vi phạm hợp đồng mua bán”.
Tương tự, bạn đọc Tuấn Anh nêu ý kiến: “Công trình vi phạm có thể là công trình tư nhân hoặc tổ chức. Khi vi phạm cần làm rõ vi phạm cái gì và ai vi phạm. Nếu vi phạm về luật xây dựng, cơ quan quản lý xây dựng sẽ dùng luật để xử lý. Nếu vi phạm về điện thì ngành điện xử lý theo hợp đồng mua bán điện. Nếu vi phạm về nước thì xử lý theo hợp đồng mua bán nước. Cắt nước cắt điện công trình vi phạm để xử lý hành vi vi phạm luật xây dựng là không phù hợp”.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Từ phương diện của một chủ cơ cở kinh doanh, bạn đọc Đức Tiến viết: “Nếu cắt điện, nước của các cơ sở sản xuất vi phạm thì phải chú ý đến khả năng xảy ra sự cố cháy nổ vì các hệ thống báo động, báo cháy, chữa cháy đã vô hiệu hóa do không có nguồn điện, nước. Vậy trong quá trình áp dụng chế tài này mà xảy ra hư hỏng, thiệt mạng về vật chất và con người thì ai sẽ chịu trách nhiệm đây?”.
Tương tự, bạn đọc Lê Thắng bày tỏ: “Tôi đề nghị vi phạm gì thì áp dụng chế tài xử lý vi phạm đó. Ví dụ như một gia đình có người già, trẻ nhỏ thì sinh hoạt rất khó khăn, bệnh tật đau ốm không biết cầu cứu ai, như họa trên trời giáng xuống”.
Ngoài ra, bạn đọc Trần Hoàng chia sẻ thêm: “Tôi đang sinh sống tại một khu đô thị lớn tại TP.HCM, tại đây có quy định nếu căn hộ nào vi phạm nhiều lần trong quá trình cư trú thì sẽ áp dụng hình phạt cắt điện, nước trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên đây là quy định mang tính chất răn đe, chưa từng áp dụng. Nhưng hình phạt này chỉ phù hợp với hộ gia đình, còn nếu đưa vào luật áp dụng cho công trình vi phạm thì sẽ ảnh hưởng đến những người không có trách nhiệm trong vụ việc. Tôi đề nghị xem xét lại”.