Bàn giải pháp căn cơ để phát triển kinh tế - xã hội
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội trường. Ảnh: ANH NGỌC
Trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa VIII, sáng 8/12, các đại biểu HĐND tỉnh tham gia phiên thảo luận ở từng tổ. Cùng với mạnh dạn nhìn nhận, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, các đại biểu cũng đã sôi nổi thảo luận, đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và góp ý các đề án, dự thảo của các cơ quan hữu quan trình tại kỳ họp.
Báo Phú Yên ghi nhận một số ý kiến trong phiên thảo luận này.
* TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ HĐND TỈNH TRẦN CÔNG HOAN: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự
Từ đầu năm đến nay, quốc phòng - an ninh (QP-AN) tiếp tục được tăng cường, giữ vững ổn định; lực lượng vũ trang duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm và các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng; kịp thời điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch tác chiến sẵn sàng chiến đấu, kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, thực hiện đúng theo nội dung, tinh thần chỉ đạo của trung ương, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự có lúc, có nơi còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, nhất là tội phạm xâm phạm trật tự xã hội…
Ban Pháp chế kiến nghị cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng, quân sự địa phương; kịp thời quán triệt, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của trung ương, Tỉnh ủy về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới; thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự; phát huy hiệu quả công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng, tỉ lệ điều tra, xử lý tội phạm và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm…
* GIÁM ĐỐC SỞ TÀI CHÍNH HỒ QUANG ĐỆ: Quản lý tốt nguồn thu ngân sách Nhà nước
Năm 2022, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn; tổng thu ước đạt khoảng 5.365 tỉ đồng, đạt 107,41% dự toán trung ương và đạt 80,77% dự toán tỉnh.
Năm 2023, dự toán thu ngân sách trên địa bàn tỉnh khoảng 8.000 tỉ đồng. Để thực hiện hiệu quả dự toán thu này, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp nuôi dưỡng, quản lý, khai thác tốt các nguồn thu ngân sách, chống thất thu, trốn thuế; xử lý các khoản nợ đọng thuế kéo dài, hạn chế phát sinh nợ thuế mới; chủ động hoàn chỉnh các thủ tục để đưa vào đấu giá quyền sử dụng đất các khu vực theo kế hoạch…
Bên cạnh đó, năm 2023, ngành Thuế cần theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá và phân tích cụ thể từng địa bàn, khu vực thu, từng sắc thuế, hằng tháng báo cáo kịp thời kết quả thu. Đồng thời xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, kịp thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị các cấp, ngành, địa phương phối hợp để quản lý thu.
Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở TN-MT và các sở, ngành liên quan trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục về đất đai, để kịp thời đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất.
Sở TN-MT cần tăng cường nhiệm vụ, công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thuê đất khối tỉnh; đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các bước thủ tục để đủ điều kiện đưa ra bán đấu giá quyền sử dụng đất; hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đưa ra bán đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch đối với các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án đấu giá. Đồng thời triển khai xây dựng các phương án phát triển quỹ đất để thực hiện kế hoạch năm 2023 và các năm tiếp theo nhằm chủ động nguồn thu cho tỉnh. Các địa phương cũng cần triển khai các giải pháp, thực hiện tốt công tác quản lý thu, lập kế hoạch, tiến độ cụ thể…
* BÍ THƯ HUYỆN ỦY, CHỦ TỊCH HĐND HUYỆN PHÚ HÒA LÊ NGỌC TÍNH: Tạo điều kiện cho các dự án của địa phương được chuyển mục đích sử dụng đất
Bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Huyện ủy Phú Hòa, các đơn vị, địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN ngay từ những ngày đầu năm. UBND huyện đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả những nhiệm vụ trên các lĩnh vực; ban hành khoảng 10.300 văn bản chỉ đạo các phòng ban, đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN. Đến nay, huyện có 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về đất đai có mặt còn hạn chế; thu ngân sách từ nguồn thu tiền sử dụng đất và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; công tác giải phóng mặt bằng; tiến độ thi công một số công trình, dự án còn chậm.
Thời gian đến, huyện tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách; hoàn thiện một số kết cấu hạ tầng quan trọng, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư vào địa bàn nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời tiếp tục triển khai chiến lược phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường; tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án đầu tư theo quy định. Huyện đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cho các dự án của địa phương được chuyển mục đích sử dụng đất.
* PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC HUYỆN ỦY, CHỦ TỊCH HĐND HUYỆN ĐỒNG XUÂN NGUYỄN VĂN THỜI: Quan tâm đầu tư cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, nhưng tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ, an sinh xã hội đảm bảo, QP-AN được củng cố, tăng cường. Năm 2022, huyện Đồng Xuân đã chú trọng triển khai 10 chương trình, dự án đầu tư và các chính sách, nhờ vậy mà vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi phát triển, đời sống của bà con tiếp tục được cải thiện và ổn định.
Kinh tế vùng đồng bào DTTS, miền núi ở huyện Đồng Xuân tuy có phát triển nhưng chưa thật sự bền vững, còn có khoảng cách lớn giữa miền núi và đồng bằng. Đời sống bà con tuy được cải thiện nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Kết cấu hạ tầng tuy được đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu, tiềm năng phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhu cầu về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sắp xếp ổn định các khu dân cư vẫn còn lớn…
Địa phương mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho huyện miền núi Đồng Xuân, nhất là các công trình giao thông nông thôn, hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung. Tỉnh cũng cần quan tâm hỗ trợ huyện để sớm giao đất lâm nghiệp cho người dân vùng đồng bào DTTS quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Việc thu hút đầu tư ở các địa phương miền núi hiện nay còn nhiều hạn chế, tỉnh cần quan tâm và kết nối để các địa phương thu hút được nhiều dự án đầu tư…
* BÍ THƯ HUYỆN ỦY TUY AN PHẠM VĂN BẢY: Chọn nhà đầu tư có năng lực triển khai các dự án về du lịch
Một trong những giải pháp khai thác có hiệu quả di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh gắn với phát triển du lịch, đó là ngoài công tác quản lý, đầu tư tôn tạo, bảo vệ di tích từ nguồn ngân sách của Nhà nước, phải kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư. Qua theo dõi, các nhà đầu tư có các dự án du lịch trên địa bàn huyện Tuy An chậm triển khai, nhất là các dự án có vị trí gần với các di tích, danh thắng quốc gia như: gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, Hòn Yến... hoặc những khu vực có tiềm năng đầu tư phát triển du lịch như: Hòn Chùa, Bãi Xép... Một số nhà đầu tư cam kết tài trợ quy hoạch nhưng triển khai chậm cũng đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.
Trong báo cáo trả lời ý kiến cử tri tại kỳ họp và báo cáo tình hình KT-XH, QP-AN năm 2022 và nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, UBND tỉnh cũng đã trả lời nguyên nhân các dự án chậm đầu tư và đã chỉ đạo các ngành, địa phương sớm rà soát, làm việc với nhà đầu tư để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Trong thời gian đến, chúng tôi mong muốn UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành rà soát, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án về du lịch hoặc là xem xét thu hồi để chọn nhà đầu tư khác có năng lực.
* BÍ THƯ HUYỆN ĐOÀN TÂY HÒA NGUYỄN THỊ KIM CHI: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ giải quyết việc làm sau đào tạo
Báo cáo tình hình KT-XH, QP-AN năm 2022 và nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 của UBND tỉnh trình bày tại kỳ họp cho biết: Trong năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 9.831 người, vượt 22,88% kế hoạch, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh lên 74%; đã giải quyết việc làm cho 25.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 500 người. Tôi cho rằng đây là những con số ấn tượng trong một năm nhiều khó khăn và là tín hiệu khả quan cho phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Song, điều làm tôi trăn trở là mặc dù tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi bình quân trên địa bàn tỉnh có giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn ở mức cao, chiếm khoảng 2,66% lao động trong độ tuổi. Tỉ lệ lao động tham gia đào tạo đạt khá cao, nhưng chủ yếu là đào tạo nghề ngắn hạn, trình độ đào tạo chuyên môn kỹ thuật hệ cao đẳng thấp, chỉ chiếm 7,5%, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao. Tôi rất đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong năm 2023 của UBND tỉnh, trong đó có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực lao động, nhất là đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và hỗ trợ giải quyết việc làm sau đào tạo.
Thời gian tới, Huyện đoàn Tây Hòa sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phối hợp đào tạo giới thiệu việc làm cho thanh niên, giúp thanh niên vay vốn phát triển kinh tế… Qua đó phát huy vai trò là cầu nối, tạo việc làm, giúp thanh niên lập thân lập nghiệp.
PHẠM THÙY - ANH NGỌC - HÀ MY (ghi)
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/291139/ban-giai-phap-can-co-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.html