Bài 2: Mai này phố biển
Nhiều năm liền, địa phương quy hoạch, thị trấn là trung tâm kinh tế biển. Đây cũng là đô thị có quy mô lớn thứ 2 ở tỉnh Cà Mau.
Trung tâm kinh tế biển
Theo những người lớn tuổi ở địa phương, thị trấn Sông Đốc có lịch sử hình thành hơn 40 năm. Vào thế kỷ thứ 18, Sông Ông Đốc có tên gọi là Khoa Giang. Năm Quý Mão (1783), khi bị quân Tây Sơn Nguyễn Huệ truy đuổi, Nguyễn Ánh cùng gia tộc chạy về vùng đất phương Nam. Khi đến cửa Khoa Giang, tướng Đốc Huỳnh liều mình cứu cho Nguyễn Ánh thoát chết. Sau đó, Khoa Giang lại mang tên sông Ông Đốc cho đến bây giờ, người dân đọc trại thành Sông Đốc. Ngày 10/2/1955, sông Ông Đốc trở thành nơi ghi dấu lịch sử cách mạng trọng đại, là chuyến tàu cuối cùng đưa cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày nay, thị trấn nằm ở hạ nguồn sông Ông Đốc, tiếp giáp với vịnh Thái Lan (còn gọi biển Tây), thị trấn biển mang tên Sông Đốc, thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau có đội tàu đánh bắt, khai thác hải sản xa bờ thuộc loại đông đảo nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thị trấn Sông Ðốc là địa bàn tuyến biển, nằm cách trung tâm huyện Trần Văn Thời khoảng 18 km, diện tích tự nhiên 2.914,18ha, có bờ biển dài 8,5 km, trong đó, phần diện tích tự nhiên khoảng 61 ha là đảo Hòn Chuối và 12ha các đảo nhỏ nằm trên biển. Đây cũng là thị trấn đảo nằm cuối cùng ở cực nam của dải đất hình chữ S, có một vị thế khá đặc biệt.
Ngoài đội tàu hùng hậu với hơn 1.000 chiếc khai thác xa bờ, Sông Đốc còn phát triển đội tàu thu mua hải sản, hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển với gần 100 chiếc. Nơi đây quy tụ hơn 1.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, tập trung nhiều là các mặt hàng xăng dầu, nước đá, ngư cụ…, nhờ đó mỗi năm hơn 100.000 tấn hải sản của Sông Đốc sản xuất ra đều được tiêu thụ hết.
Để xây dựng thị trấn Sông Đốc trở thành trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ tổng hợp của huyện Trần Văn Thời nói riêng, Cà Mau nói chung, thời gian qua, từ nguồn ngân sách nhà nước và vận động nhân dân đóng góp, hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư để nâng cấp cầu, lộ, hệ thống thoát nước, chợ, trung tâm hành chính.
Cây cầu hơn 500 tỷ đồng bắc qua sông Ông Đốc sẽ hoàn thành, đấu nối hai bờ. Khi đó, Sông Đốc không chỉ có trục giao thông nối liền đến tận bờ biển Đông của Cà Mau mà sẽ có hai tuyến giao thông huyết mạch kết nối với quốc lộ về tận địa phương, phục vụ tốt việc đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa.
Ngoài mũi nhọn là kinh tế biển, Sông Ðốc còn được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan khi nằm cạnh biển, gắn liền với đó là di tích văn hóa, lịch sử và các lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống…
Quy hoạch để phát triển
Thực hiện Quyết định số 1657/QĐ-UBND ngày 19/8/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đến năm 2035. UBND huyện Trần Văn Thời, UBND thị trấn Sông Đốc phối hợp Sở Xây dựng đã tổ chức Hội nghị công bố đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Sông Đốc.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch: Thị trấn Sông Đốc, xã Phong Điền, xã Khánh Hải thuộc Huyện Trần Văn Thời. Ranh giới: Phía Bắc giáp kênh Áp Huề; phía Nam giáp đất nông nghiệp xã Phong Điền; phía Đông giáp xã Khánh Hưng, kênh Thị Kẹo - Cái Đôi Vàm; phía tây giáp biển Tây. Quy mô lập điều chỉnh quy hoạch là 4.896ha.
Tính chất là đô thị ven biển, sinh thái và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; là đô thị kinh tế biển và là đô thị động lực của tiểu vùng ven biển phía Tây, chức năng chủ yếu là phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ kinh tế biển. Dân số hiện có năm 2023 là 67.513 người. Dân số dự báo đến năm 2025 là 72.068 người. Dân số dự báo đến năm 2035 là 92.250 người. Tỉ lệ đô thị hóa dự báo đến năm 2025 là 90,7%. Tỉ lệ đô thị hóa dự báo đến năm 2035 là 94,3%.
Về định hướng phát triển không gian, theo quy hoạch, phát triển không gian đô thị trong giai đoạn ngắn hạn về phía bắc và nam, giai đoạn dài hạn phát triển tập trung về hướng đông. Đồng thời, phát triển các vùng không gian đệm phía bắc và nam để mở rộng đô thị, lấy đô thị hiện hữu làm trọng tâm, các khu vực chức năng bao quanh cần được kiểm soát phát triển để tạo không gian cảnh quan. Từng bước, xây dựng hạ tầng kết nối với các khu vực xung quanh.
Định hướng khu vực phát triển đô thị, toàn bộ đô thị Sông Đốc, đề xuất chia thành 08 khu vực phát triển đô thị trên cơ sở tính chất, chức năng của từng khu vực và định hướng phát triển không gian quy hoạch bao gồm: Khu vực 1, diện tích 288,56ha; Khu vực 2, diện tích 267,67ha; Khu vực 3, diện tích 219,10ha; Khu vực 4, diện tích 460,01ha; Khu vực 5, diện tích 456,40ha; Khu vực 6, diện tích 55,61ha; Khu vực 7, diện tích 373,3ha; Khu vực 8, diện tích 268,76ha.
Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn đến năm 2025 với tổng diện tích tự nhiên 4.896,00ha; đất xây dựng đô thị 819,02ha, chiếm 16,7% diện tích tự nhiên.Trong đó, đất dân dụng 575,42ha, chiếm 70,3ha đất xây xựng đô thị, chỉ tiêu sử dụng đất 79,8 m2/người. Đất ngoài dân dụng: 243,60ha, chiếm 29,7% đất xây dựng đô thị. Đất nông nghiệp và chức năng khác: 4.076,98ha, chiếm 83,3% đất tự nhiên.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bai-2-mai-nay-pho-bien-387998.html