Bàn giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập trên cao tốc
Trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, trên các tuyến đường bộ cao tốc xảy ra 267 vụ TNGT, làm chết 91 người, bị thương 172 người.
Sáng 19/3, tại Hà Nội, Cục CSGT và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên các tuyến đường cao tốc – Thực trạng và giải pháp”.
Tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, Phó Cục trưởng Cục CSGT nhấn mạnh, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, của lãnh đạo Bộ Công an, thời gian qua, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác bảo đảm TTATGT, góp phần kiềm chế, làm giảm sâu số người chết và số người bị thương, nhất là các vụ tai nạn giao thông (TNGT) có nguyên nhân từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc độ, vi phạm quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng xe…, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an biểu dương, khen thưởng, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Hội thảo nhằm xây dựng bổ sung và phát triển lý luận, thực tiễn trong công tác bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường bộ cao tốc trong giai đoạn hiện nay, chỉ ra được hạn chế, thiếu sót. Từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường bộ cao tốc trong thời gian tới.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết TNGT, Cục CSGT cho biết, trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, trên các tuyến đường bộ cao tốc xảy ra 267 vụ TNGT, làm chết 91 người, bị thương 172 người, đồng thời nêu nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ TNGT trên.…
Dưới sự điều hành của đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, các đại biểu đã nêu các bất cập, nguyên nhân xảy ra nhiều vụ TNGT trên các tuyến cao tốc thời gian vừa qua, kiến nghị các biện pháp giải quyết. Cụ thể, Thượng tá Lê Quang Hòa, Trưởng phòng 7, Cục CSGT cho rằng, cần xây dựng lộ trình cụ thể để khắc phục các tồn tại trên các tuyến cao tốc. Nếu không thể khắc phục được ngay (như tuyến Cam Lộ - La Sơn), thì cần kiên quyết thực hiện việc hạ cấp khai thác, phân luồng hạn chế phương tiện; cần lắp đặt hệ thống giám sát, tăng cường công tác phối hợp trong khảo sát, khắc phục các điểm tồn tại; xử lý nghiêm đối với những trường hợp chậm khắc phục các tồn tại trong việc tổ chức giao thông, là nguyên nhân trực tiếp gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng trở lên.
Trong bản tham luận gửi hội thảo, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4, Phòng 7, Cục CSGT cho rằng, tại tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, từ khi phương án tổ chức giao thông tạm thời hết hạn, đơn vị này đã nhiều lần có công văn báo cáo lãnh đạo phòng, lãnh đạo Cục CSGT và công văn chuyển Bộ GTVT, nhưng đến nay đã hơn 8 tháng mới nhận được phương án tổ chức giao thông bổ sung
Trước nhiều ý kiến về việc xây dựng các tuyến cao tốc phân kỳ, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, Phó Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng nguyên nhân phần lớn do nguồn lực còn hạn chế, nguồn vốn phân bổ chỉ đáp ứng khoảng 66% nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Sau thời gian khai thác, đơn vị cũng nhìn nhận việc đầu tư các cao tốc 2 làn xe không có dải phân cách cứng gây nguy cơ cao dẫn tới tai nạn, đồng thời các cao tốc không có làn dừng khẩn cấp liên tục sẽ gây ùn tắc kéo dài khi xảy ra sự cố. “Trong quý 1-2024, Bộ GTVT sẽ ban hành quy chuẩn về đường cao tốc. Khi có quy chuẩn này, chắc chắn sẽ không còn cao tốc 2 làn xe nữa mà đầu tư tối thiểu phải 4 làn xe" – Phó Phó Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam nói và cho biết cơ quan chức năng sẽ bố trí nguồn lực sao cho việc xây dựng các tuyến đường cao tốc phải đảm bảo hoàn thiện.