Bàn giải pháp kích cầu thị trường, bảo đảm cung cầu hàng hóa

Nhằm đưa ra những giải pháp ổn định thị trường, duy trì nội lực cho doanh nghiệp cũng như bảo đảm cung cầu hàng hóa tại nội địa, Tổ Điều hành thị trường trong nước mới đây đã tổ chức cuộc họp thường kỳ quý I/2025 dưới sự chủ trì của ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Tổ phó Tổ Điều hành thị trường trong nước.

 Tổ Điều hành đã họp bàn nhiều giải pháp ổn định thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tổ Điều hành đã họp bàn nhiều giải pháp ổn định thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thị trường hàng hóa trong nước ổn định

Theo báo cáo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, trong quý I năm 2025, thị trường hàng hóa trong nước tương đối ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu vẫn được bảo đảm, giá các mặt hàng không có biến động lớn. Trong giai đoạn Tết Nguyên đán, công tác chuẩn bị hàng hóa được các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị tốt, cùng với thời tiết thuận lợi, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung các mặt hàng nhóm thực phẩm, nhất là rau, củ, quả dồi dào, đa dạng, giá nhóm hàng này những ngày cận Tết tương đối bình ổn so với năm trước.

Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, quý I/2025, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã chủ trì, phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, công tác niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; tăng cường giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của đối tượng trong hoạt động kinh doanh; bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo số liệu thống kê, từ ngày 16/12/2024 đến ngày 15/3/2025, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 6.198 vụ, xử lý 5.619 hành vi vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 79 tỉ đồng.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Tổ phó Tổ Điều hành thị trường trong nước nhấn mạnh, với những khó khăn trên thị trường thời gian qua, đặc biệt, việc Hoa Kỳ quyết định áp thuế đối ứng đối với các quốc gia, trong có có Việt Nam thì việc phát triển thị trường, duy trì nội lực cho doanh nghiệp, bảo đảm cung cầu hàng hóa tại thị trường trong nước trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều văn bản yêu cầu đẩy mạnh tăng trưởng thị trường nội địa để đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo ông Trần Hữu Linh, 2025 là năm đầu tiên, Chính phủ giao chỉ tiêu cụ thể cho từng bộ ngành và địa phương. Theo đó, Bộ Công Thương được giao các chỉ tiêu: tốc độ tăng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khoảng 12% và tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C từ 20-22%; tỉ lệ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử là 60-62%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 12%; thặng dư thương mại hàng hóa đạt 30 tỉ USD; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 9,5%; tốc độ tăng tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 12,5-13%. Ông cho rằng, đây là một nhiệm vụ rất khó khăn đối với ngành Công Thương, buộc phải có những giải pháp và tính toán cụ thể mới có thể đạt được chỉ tiêu được giao...

 Theo Tổ Điều hành, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt triển khai các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường. Ảnh minh họa

Theo Tổ Điều hành, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt triển khai các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường. Ảnh minh họa

Những giải pháp điều hành thị trường

Với những diễn biến trên thị trường, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đề ra về các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt triển khai các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, thúc đẩy tiêu dùng hàng sản xuất trong nước nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát và an sinh xã hội.

Sở Công Thương các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nghiêm túc triển khai các nội dung được giao tại Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 04 tháng 4 năm 2025 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025.

Về phía Bộ Công Thương, chủ trì,phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan triển khai Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 4 tháng 4 năm 2025 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước; kết hợp đẩy mạnh triển khai các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, hỗ trợ sản xuất hàng hóa trong nước thay thế nhập khẩu; triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, chủ động thực hiện/đề xuất các biện pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong công tác điều hành giá xăng dầu theo quy định.

Tổ điều hành cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá chính thức tình hình dịch bệnh, nguồn cung sản phẩm thịt lợn trong những tháng tới nhằm tăng nguồn cung cho thị trường nội địa, bình ổn thị trường. Đồng thời, phối hợp với các địa phương thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi ổn định sản xuất trên đất chăn nuôi phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, các địa phương, bộ, ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán qua biên giới (do tình trạng chênh lệch giá trong nước và các nước láng giềng) tránh tình trạng lây lan dịch bệnh trong nước...

Minh Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/ban-giai-phap-kich-cau-thi-truong-bao-dam-cung-cau-hang-hoa-176155.html