Bàn giải pháp nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức dạy học và ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã tập trung bàn thảo, đề ra những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi.
Nhìn thẳng vào tồn tại, hạn chế
Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội nghị đánh giá chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Kế hoạch nâng cao chất lượng kỳ thi sau đó được Sở ban hành với 4 mục tiêu và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, làm cơ sở để các cơ sở giáo dục có bậc THPT xây dựng kế hoạch, nội dung, tài liệu và tổ chức ôn tập cho học sinh; đồng thời, đăng ký chỉ tiêu chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi đơn vị.
Trên cơ sở chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập và nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; phân chia kế hoạch ôn tập thành nhiều giai đoạn để triển khai tổ chức thực hiện; xây dựng phương án xếp lớp theo tổ hợp môn học và có sự điều chỉnh số lượng tiết học cho từng môn học ở mỗi giai đoạn tương ứng, thích hợp với điều kiện của từng đơn vị; chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng tài liệu ôn tập theo từng giai đoạn và bám sát theo từng nhóm năng lực học sinh; chọn lọc nhóm học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp để có giải pháp tổ chức phụ đạo ôn tập phù hợp…
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả, chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục và toàn ngành. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
“Đến thời điểm này, Sở GD-ĐT đã tổ chức 4 đợt kiểm tra thực tế về công tác dạy học, ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại một số cơ sở giáo dục phổ thông trong tỉnh để nắm bắt, đánh giá tình hình và kịp thời có sự chỉ đạo phù hợp nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi. Tuy nhiên, qua kiểm tra, công tác dạy học, ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại các cơ sở giáo dục vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định”-ông Công thông tin.
Theo đó, một số trường xây dựng kế hoạch chưa thật sự bám sát, cụ thể theo nội dung Kế hoạch số 2745/KH-SGDĐT ngày 16-10-2023 của Sở GD-ĐT; chưa có giải pháp cụ thể, quyết liệt khi rà soát kết quả bài kiểm tra giữa và cuối học kỳ I. Nhiều tổ chuyên môn chưa xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp hoặc xây dựng chưa đảm bảo; nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch ôn tập còn chung chung; chưa đăng ký các chỉ tiêu chất lượng tốt nghiệp THPT năm 2024 hoặc chỉ tiêu chưa cụ thể.
Ngoài ra, việc tổ chức dạy học và ôn thi tốt nghiệp còn chủ yếu tập trung vào phân lớp theo tổ hợp môn thi tốt nghiệp, chưa thể hiện rõ tổ chức lớp học theo nhóm năng lực học tập cho học sinh; một số trường chưa xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém và chưa có danh sách học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp THPT…
Trước thực tế trên, lãnh đạo ngành Giáo dục đã yêu cầu các cơ sở giáo dục THPT kịp thời khắc phục những hạn chế và triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
“Hiến kế” nhiều giải pháp
Năm 2023, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) đạt gần 96,5%. Với quyết tâm nâng tỷ lệ tốt nghiệp lên 100% trong kỳ thi năm nay, nhà trường đã chú trọng đề ra nhiều giải pháp.
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tàu cho hay: Năm 2024 là năm cuối cùng thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Vì vậy, nhà trường đặt mục tiêu phấn đấu trên để tất cả học sinh đều được tốt nghiệp ra trường. Việc tổ chức ôn tập được chia làm 3 giai đoạn trong học kỳ I, học kỳ II và sau khi kết thúc năm học. Đặc biệt, với đặc thù đầu vào thấp, nhà trường rất quan tâm đến nhóm học sinh yếu, kém.
"Qua rà soát, trường có khoảng 30 em có nguy cơ rớt tốt nghiệp. Vì vậy, ngoài giờ học chính khóa, nhà trường giao cho giáo viên bộ môn phụ trách lớp chịu trách nhiệm trực tiếp phụ đạo giúp đỡ các em chứ không tổ chức thành 1 lớp riêng như những năm trước; đồng thời, bố trí lịch học tăng cường cho những em này sau khi kết thúc năm học"-thầy Tàu cho biết thêm.
Tương tự, thầy Trần Văn Lượng-Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Đức Thắng (huyện Đức Cơ) chia sẻ kinh nghiệm: Ngay đầu năm học 2023-2024, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên bộ môn dạy lớp 12 và các tổ trưởng chuyên môn tiến hành đăng ký chỉ tiêu chất lượng bộ môn, các chỉ tiêu về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT, độ lệch…; xây dựng và thực hiện kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT cho 3 môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh; đồng thời, phụ đạo học sinh yếu, kém có nguy cơ trượt tốt nghiệp đối với môn Tiếng Anh.
Đặc biệt, nhà trường còn “treo thưởng” đối với từng lớp, từng giáo viên và coi đây là một trong những giải pháp nhằm khích lệ tinh thần, động viên đội ngũ trong việc nâng cao chất lượng dạy học. Chẳng hạn như khen thưởng giáo viên chủ nhiệm đối với lớp có 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT; giáo viên bộ môn có tỷ lệ điểm trung bình bài thi tốt nghiệp năm 2024 nằm trong top 15 các trường THPT của cả tỉnh…
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Krông Pa) năm 2023 là 92,8% (thấp hơn mức trung bình toàn tỉnh); điểm chênh lệch giữa kết quả thi so với học bạ cũng tương đối cao. Đây là thách thức đặt ra cho nhà trường trong năm học này.
Hiệu trưởng Trịnh Văn Bình lý giải: “Học sinh của trường gần 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số; trình độ, năng lực còn nhiều hạn chế và đa số tương đương nhau. Để đạt mục tiêu 95% học sinh lớp 12 đậu tốt nghiệp THPT năm 2024, ngoài chú trọng dạy học, ôn tập đảm bảo chất lượng, nhà trường sẽ tổ chức cho các em thi thử tốt nghiệp tại trường vào cuối tháng 4 và phối hợp với Trường THPT Chu Văn An để thi thử cụm trường trong tháng 5 tới”.
Ngoài duy trì kết quả đạt được, các trường có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100% ở năm học trước còn quyết tâm nâng cao điểm trung bình các bài thi. Cô Lê Thị Thu-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương nêu giải pháp: Nhìn chung mỗi năm trước kỳ thi tốt nghiệp, hơn 70% học sinh của trường đã trúng tuyển vào các trường đại học thông qua thành tích học tập, thi đấu đạt được. Vì vậy, không tránh khỏi việc các em có tâm lý thỏa mãn.
Trước thực trạng này, Trường THPT chuyên Hùng Vương đã đẩy mạnh tuyên truyền để học sinh nhận thức được rằng, việc nâng cao điểm bài thi tốt nghiệp THPT không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của đối với ngành Giáo dục tỉnh; từ đó, giúp các em thay đổi thái độ, mục tiêu học tập. Cùng với đó, nhà trường chỉ đạo đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy, ôn thi tốt nghiệp cho học sinh phải đảm bảo 4 mức độ kiến thức để các em có thể đạt được điểm số 9, 10; đồng thời, duy trì tuyên dương, khen thưởng đối với học sinh có điểm 10 hoặc thủ khoa các khối thi và các giáo viên được thành tích tốt…
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đạt chất lượng công tác ôn tập trong thời gian tới và nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công đã đề ra 3 nhóm giải pháp đối với cán bộ quản lý các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên; các tổ/nhóm chuyên môn và Phòng Giáo dục Trung học, Giáo dục chính trị và Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT) gắn với nhiệm vụ cụ thể của của từng đơn vị.
Trong đó, cần nhận thức rõ vai trò lãnh đạo trách nhiệm giải trình của cán bộ quản lý; tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch ôn thi tốt nghiệp phù hợp với điều kiện của nhà trường; triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch số 2745/KH-SGDĐT; phân công phụ trách và gắn trách nhiệm cụ thể của thành viên lãnh đạo nhà trường với chất lượng của các tổ, nhóm chuyên môn trong công tác ôn thi tốt nghiệp.
Ngoài ra, tăng cường tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT tại trường hoặc theo cụm trường, toàn tỉnh để tạo cơ hội cho học sinh làm quen với kỳ thi tốt nghiệp THPT và đánh giá kết quả ôn tập ở từng giai đoạn để có giải pháp củng cố, ôn tập phù hợp cho học sinh theo từng nhóm năng lực. Lập danh sách học sinh toàn khối lớp 12 có đầy đủ thông số về điểm số khởi đầu, điểm số dự đạt ở các kỳ kiểm tra định kỳ, điểm số thi thử và điểm số dự đạt ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cho tất cả các môn học theo từng học sinh, làm thang đo cho quá trình quản lý và đánh giá kết quả thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tại đơn vị…
“Sở GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục tổ chức các đợt kiểm tra chuyên môn, trong đó trọng tâm là kiểm tra chất lượng công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Qua đó, đánh giá công tác triển khai tại các đơn vị, phát huy nhân tố tích cực cũng như phát hiện, điều chỉnh kịp thời các giải pháp còn chưa phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác dạy học nói chung và ôn thi tốt nghiệp nói riêng”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.
Năm nay, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức trở lại kỳ thi thử tốt nghiệp THPT theo đề chung toàn tỉnh. Hiện lãnh đạo Sở đang giao cho phòng chuyên môn sớm tham mưu cách thức tổ chức, đề thi thử và chỉ đạo các trường triển khai thực hiện nhằm đánh giá chất lượng; từ đó tiếp tục tham mưu, đề xuất các giải pháp phù hợp trong việc nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.