Vai trò của phong trào văn hóa trong trường học

Bên cạnh các hoạt động giáo dục, phong trào văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một môi trường học đường giàu bản sắc và ý nghĩa. Đây còn là cầu nối giúp học sinh, sinh viên phát triển toàn diện về mọi mặt.

Cuộc thi “Thiết kế áo dài từ vật liệu tái chế” của Trường trung học phổ thông Trấn Biên (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Fanpage Trấn Biên High School

Cuộc thi “Thiết kế áo dài từ vật liệu tái chế” của Trường trung học phổ thông Trấn Biên (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Fanpage Trấn Biên High School

Định hướng học sinh thông qua các phong trào văn hóa

Phong trào văn hóa trong trường học đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển toàn diện cho học sinh, sinh viên. Thông qua các hoạt động văn hóa như biểu diễn và sáng tác nghệ thuật, học sinh không chỉ có những phút giây giải trí sau giờ học căng thẳng mà còn học hỏi được nhiều kỹ năng sống cần thiết.

Thông qua các phong trào văn hóa được kiểm duyệt kỹ lưỡng, đặc biệt là những phong trào gắn liền với lịch sử, truyền thống dân tộc và văn hóa địa phương, học sinh - sinh viên có thể phát triển sâu sắc về nhận thức xã hội và đạo đức. Một ví dụ tiêu biểu là Trường trung học phổ thông Trấn Biên (thành phố Biên Hòa) - nơi hàng năm tổ chức Hội trại xuân với nhiều hoạt động ý nghĩa như thiết kế trang phục dân tộc từ vật liệu tái chế, trang trí gian hàng đậm sắc màu Tết cổ truyền Việt Nam. Nhà trường cũng thành lập câu lạc bộ biểu diễn nghệ thuật, không chỉ để thúc đẩy phong trào văn hóa mà còn để tạo nên một môi trường học đường sôi động, giàu bản sắc. Vào các dịp quan trọng như Lễ trưởng thành hay ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trường thường xuyên mời các nghệ sĩ nổi tiếng đến biểu diễn, mang đến sân chơi đầy cảm hứng cho học sinh, đồng thời khuyến khích các em tích cực tham gia và đóng góp cho các hoạt động văn hóa của trường.

Trong thời đại công nghệ 4.0, khi thông tin và các xu hướng nghệ thuật trên khắp thế giới được thay đổi và cập nhật hàng ngày, hàng giờ thì những người trẻ là đối tượng tiếp cận nhanh nhạy nhất. Chính vì vậy, nhà trường cần có sự chủ động trong việc định hướng cho học sinh - sinh viên chọn lọc thông tin và tiếp cận những xu hướng văn hóa hiện đại phù hợp với lứa tuổi và môi trường học đường.

“Hiện tại, chủ trương của nhà trường là hội nhập văn hóa, vì vậy chúng tôi cho phép và khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia các điệu nhảy quốc tế của Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước khác. Qua các buổi chào cờ và duyệt văn nghệ, tôi sẽ điều chỉnh các động tác và trang phục để đảm bảo tính thẩm mỹ và sự phù hợp với văn hóa học đường” - tiến sĩ Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai chia sẻ.

Khuyến khích hội nhập và sáng tạo

Không chỉ loại bỏ những tác động tiêu cực, việc kiểm duyệt còn định hướng học sinh, sinh viên tìm tòi, sáng tạo và đổi mới trong việc thực hiện các phong trào tại trường học. Cho phép du nhập văn hóa từ nước ngoài mang lại nhiều lợi ích cho việc học tập và phát triển của học sinh. Phong trào văn hóa quốc tế mang những giá trị, tư tưởng và quan điểm đa dạng. Việc tiếp cận các phong trào này giúp học sinh, sinh viên mở rộng sự hiểu biết và chấp nhận sự đa dạng văn hóa trên toàn cầu, các em sẽ có thái độ cởi mở, sẵn sàng chấp nhận những khác biệt và tiếp thu kiến thức mới từ các nền văn hóa khác nhau. Hiện nay, các phong trào văn hóa nước ngoài thường đi kèm với những hình thức nghệ thuật như âm nhạc, vũ đạo, thời trang và công nghệ…

Việc du nhập các phong trào văn hóa nước ngoài vào trường học còn tăng cường khả năng hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Ngay khi được tiếp cận với những phong trào văn hóa đa dạng, học sinh có thể học được nhiều kỹ năng để học tập và làm việc trong môi trường quốc tế. Cho phép du nhập các phong trào văn hóa nước ngoài không chỉ là tiếp thu một cách mù quáng mà còn là cơ hội để so sánh, đối chiếu và phân tích để hiểu rõ sự khác biệt giữa các giá trị văn hóa.

Tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, khiêu vũ quốc tế là môn tự chọn của môn Giáo dục thể chất, được giảng dạy bởi chính tiến sĩ Trương Đức Cường, Hiệu trưởng nhà trường. Qua đó giúp học sinh, sinh viên ngành nghệ thuật nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật thông qua việc lắng nghe nhạc, phân tích các điệu nhảy, cũng như khám phá văn hóa của các quốc gia khác. Theo tiến sĩ Trương Đức Cường, nhà trường không chỉ tổ chức các hoạt động văn hóa trong những dịp lễ lớn như khai giảng hay Ngày Nhà giáo Việt Nam, mà còn coi đây là một kế hoạch dài hạn, cần được thực hiện liên tục suốt năm học. Việc du nhập văn hóa nên đi đôi với giáo dục nhận thức và trách nhiệm, giúp học sinh trưởng thành trong môi trường văn hóa phong phú và toàn diện...

Hằng Xuân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202411/vai-tro-cua-phong-trao-van-hoa-trong-truong-hoc-19c3fac/