Bàn giải pháp ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và phát triển chăn nuôi bền vững
Chiều nay 17/10, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm (GSGC) và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững.
Theo báo cáo của Cục Thú y, tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu GSGC vào nước ta thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng rất mạnh. Trọng điểm ở một số tỉnh như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Long An, An Giang...
Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 – 250.000 tấn/năm. Ngoài ra, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.
Đối với gia súc, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền Trung và miền Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia.
Tình trạng này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh động vật, các biến chủng vi rút ngoại nhập nguy hiểm đến đàn GSGC mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi bền vững.
Động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, môi trường. Ảnh hưởng đến truy xuất nguồn gốc, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Gian lận thương mại, trốn thuế.
Đối với phát triển chăn nuôi, hiện tại năng lực sản xuất giống trong nước có thể cung ứng đủ nhu cầu. Về thức ăn chăn nuôi, hiện nay, cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh với tổng công suất thiết kế đạt 43,2 triệu tấn. Sản lượng thức ăn chăn nuôi hàng năm đạt khoảng 20 – 21 triệu tấn, tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Về chất thải chăn nuôi, ngoại trừ các doanh nghiệp, trang trại quy mô lớn đã đầu tư vào vấn đề này thì các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn nhiều bất cập.
Theo khẳng định của Cục Chăn nuôi, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nếu không có vấn đề gì đặc biệt, ngành chăn nuôi sẽ đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong những tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên, theo đánh giá, trong 9 tháng năm 2023, giá các sản phẩm chăn nuôi biến động rất lớn, nhưng giá thực phẩm trên thị trường lại không có nhiều biến động.
Do đó có thể thấy sự phân chia lợi nhuận là chưa được đảm bảo. Do vậy, định hướng phát triển chăn nuôi bền vững của nước ta trong thời gian tới phải đảm bảo 3 trụ cột chính, gồm lợi nhuận kinh tế, môi trường và xã hội.
Để giải quyết tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các bộ, ngành trung ương cần quan tâm hơn nữa, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.
Về phía các địa phương, đề nghị chỉ đạo thống kê đàn GSGC để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết hợp thức hóa nguồn gốc động vật nhập lậu qua biên giới; phối hợp với cơ quan thú y địa phương truy xuất nguồn gốc động vật để thực hiện kiểm dịch vận chuyển.
Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực đường mòn khu vực biên giới, tập trung kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn các hành vi vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới. Tăng cường kiểm tra tại các chợ đầu mối, trực tại các chốt kiểm dịch, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch khống, giả; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định.
Đối với phát triển chăn nuôi, có thể thấy mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành chăn nuôi vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan. Đã có sự chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung có sự chuyên môn hóa cao. Nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến trong ngành chăn nuôi đã có mặt tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi bền vững cần hướng đến xây dựng ngành công nghiệp giống GSGC; chủ động nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và đảm bảo môi trường trong chăn nuôi.