Bàn giải pháp phát triển cộng đồng bền vững
Ngày 28/2, ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình dự án an sinh xã hội Việt Nam phối hợp Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bạc Liêu tổ chức Diễn đàn Quan hệ đối tác lần thứ 22 (APM 2023) với sự tham gia của đại diện 16 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các đại biểu tập trung thảo luận phương án đầu tư cho các giải pháp hỗ trợ thanh niên tiếp cận kinh tế số công bằng, các-bon xanh và phát triển cộng đồng bền vững.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết, tỉnh xác định 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội gồm: Nông nghiệp (trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao); công nghiệp (trọng tâm là năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời và điện khí); du lịch; thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, Bạc Liêu còn phát huy các giá trị truyền thống văn hóa. Đặc biệt, nơi đây được mệnh danh và cái nôi của Đờn ca tài tử Nam Bộ, gắn với tên tuổi cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, bản Dạ cổ Hoài lang bất hủ cũng như những giai thoại về công tử Bạc Liêu hào hoa, phóng khoáng.
Ông Phan Thanh Duy cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình dự án an sinh xã hội Việt Nam đối với Bạc Liêu thời gian qua, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức này thời gian tới; nhấn mạnh với vai trò đăng cai tổ chức, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để Diễn đàn thành công nhất.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Lê Hoàng Minh, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bạc Liêu cho biết, nằm ở duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng về sản xuất điện gió, điện mặt trời, nuôi tôm, làm muối và chế biến thủy sản. Nhiều năm qua, thiên tai và xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến sinh kế của nhiều hộ dân.
Đánh giá cao chất lượng các chương trình ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình dự án an sinh xã hội Việt Nam đã và đang tài trợ cho Bạc Liêu hơn 10 năm qua, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bạc Liêu hy vọng, Diễn đàn lần này sẽ giới thiệu tiềm năng của tỉnh trong hợp tác với các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế thực hiện dự án ngắn hạn, trung hạn trong phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong 10 năm hợp tác giữa ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình dự án an sinh xã hội Việt Nam với tỉnh Bạc Liêu, 2 tổ chức phi chính phủ này tài trợ hơn 40 tỷ đồng cho các chương trình dài hạn và ngắn hạn, hỗ trợ gần 250.000 lượt người hưởng lợi, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Diễn đàn Quan hệ đối tác lần thứ 22 (APM 2023) diễn ra từ 28/2 đến ngày 2/3/2023 với nhiều hoạt động, trong đó đáng chú ý là tọa đàm “Năng lượng tái tạo cho cộng đồng tại Việt Nam, một số cơ hội và thách thức cho các cộng đồng tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Các ý kiến nêu lên một thực tế là công tác phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam chủ yếu được nhìn từ góc độ đảm bảo nguồn cung năng lượng, đầu tư, kinh doanh, ít khi được nhìn từ khía cạnh xã hội.
Nhìn nhận năng lượng tái tạo tại Việt Nam có tiềm năng rất lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ, để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này, các đại biểu khuyến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần hoàn thiện khung chính sách; tăng cường cơ chế hỗ trợ tài chính cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo; quy hoạch năng lượng tái tạo khu vực nông thôn và miền núi, lồng ghép chương trình năng lượng tái tạo vào các chương trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; truyền thông, phổ biến kiến thức về năng lượng tái tạo đến với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Các giải pháp này góp phần tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận của cộng đồng nghèo, cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu với cơ chế hỗ trợ tài chính để nhân rộng mô hình năng lượng tái tạo, giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tham gia, hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Tô Minh Đương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu là tỉnh đi đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Tỉnh có các điều kiện tự nhiên thuận lợi như: Bờ biển dài 56 km, bãi bồi ven biển rộng và tương đối bằng phẳng; vùng ven biển có gió mạnh và khá ổn định (bình quân tốc độ gió là 7m/s). Bạc Liêu cũng có nắng hầu như quanh năm, đạt khoảng 2.200 - 2.700 giờ/năm (giá trị bức xạ đạt trên 4,8kWh/m2/ngày), điều kiện khí hậu tốt, địa hình bằng phẳng và rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần. Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số quy định khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời.
Trong khuôn khổ chương trình tọa đàm, các đại biểu đã đi thực địa tại huyện Đông Hải, tham quan mô hình hỗ trợ cây đước, mắm, phục vụ nuôi tôm tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn và thảo luận, trao đổi về chủ đề này với hộ dân, nhóm năng lượng sạch ấp Phước Thắng A, xã An Phúc; tham quan mô hình năng lượng mặt trời thí điểm trong nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, hệ thống đê kè chống xói tại đê Gành Hào...
Dịp này, ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình dự án an sinh xã hội Việt Nam đã tặng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bạc Liêu 100 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người khuyết tật.