Bàn giải pháp phát triển thư viện hoạt động hiệu quả, liên tục ở Vĩnh Phúc

Chiều 28/9, Phòng GD&ĐT thành phố Vĩnh Yên tổ chức hội thảo khoa học về giải pháp phát triển thư viện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo do bà Nguyễn Thị Kim Chung – Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vĩnh Yên chủ trì với đề tài “Giải pháp phát triển thư viện trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hoạt động hiệu quả thường xuyên liên tục”.

Tham dự hội thảo có đại diện Sở KH&CN Vĩnh Phúc; Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc cùng gần 100 đại biểu đến từ các trường tiểu học, THCS tại thành phố Vĩnh Yên và các huyện của tỉnh Vĩnh Phúc.

Tần suất đến thư viện của học sinh chưa cao

Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển thư viện trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hoạt động hiệu quả thường xuyên liên tục” là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên, giáo viên và các cán bộ quản lý chia sẻ, trao đổi tri thức mới, những giải pháp cần thiết để xây dựng, phát triển thư viện nhà trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Qua đó đề xuất những giải pháp tối ưu nhất để phát triển thư viện trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hoạt động hiệu quả thường xuyên liên tục.

 Bà Nguyễn Thị Kim Chung - Chủ nhiệm đề tài phát biểu chào mừng hội thảo

Bà Nguyễn Thị Kim Chung - Chủ nhiệm đề tài phát biểu chào mừng hội thảo

Phát biểu chào mừng hội thảo bà Nguyễn Thị Kim Chung - Chủ nhiệm đề tài, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vĩnh Yên nêu rõ: Vai trò của thư viện trường học rất quan trọng nhưng thực tế cho thấy đa phần thầy cô đến thư viện chỉ dừng lại ở việc mượn sách giáo khoa, sách giáo viên hoặc chỉ tìm tài liệu vào các dịp thao giảng. Số học sinh đến thư viện với niềm đam mê tìm tòi học hỏi không nhiều, tình trạng các em đến thư viện tìm đọc các loại sách, truyện mang tính giải trí là phổ biến. Đặc biệt, các em chưa có phương pháp đọc sách, chưa thấy hết giá trị tầm quan trọng của từng cuốn sách, nhất là những cuốn sách giúp ích cho các em trong học tập.

Vì vậy, rất cần nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện trường học tại các trường TH, THCS trên địa bàn thành phố để thư viện trở thành một không gian học tập mở, đọc sách trở thành nhu cầu của học sinh, giáo viên, thư viện là nơi phát triển mối quan hệ thân ái, tích cực giữa các học sinh với học sinh, học sinh với thầy cô, thầy cô với đồng nghiệp và việc đến thư viện trở thành niềm vui của các thành viên trong nhà trường.

 Đại biểu đọc tham luận tại hội thảo

Đại biểu đọc tham luận tại hội thảo

“Kết quả khảo sát cho thấy, tần suất đến thư viện của học sinh chưa cao (trung bình chiếm 47%, thấp chiếm 32,4%). Các em đánh giá sách tại thư viện trường học loại sách hay và phong phú chiếm 20,7%, chưa hay và thiếu phong phú chiếm 27,2%. 21% số học sinh tìm được tài liệu mình cần; Chất lượng phục vụ thư viện theo đánh giá của các em là 30,5% thấp, 50,8% trung bình; Nhân viên phục vụ được đánh giá 17,3% cao, trong khi 31,2% nhận được đánh giá thấp từ các em học sinh”, chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Kim Chung thông tin.

Cần giải pháp đồng bộ

Từ thực tiễn và qua khảo sát, bà Nguyễn Thị Kim Chung đã nêu ra nhiều giải pháp để phát triển thư viện trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như: Cần nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo các nhà trường về vai trò của thư viện trường học và văn hóa đọc trong bối cảnh hiện nay. Đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thư viện trường học.

Nhân viên thư viện trường học cần được đảm bảo các chế độ đãi ngộ và được tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Lồng ghép văn hóa đọc trong các phần bài giảng của giáo viên. Thường xuyên thay đổi hình thức của thư viện trường học, tránh cho học sinh bị nhàm chán: thư viện góc lớp, thư viện cây xanh, thư viện đa năng, thư viện tự quản, giờ kể chuyện tại thư viện, sân khấu hóa các hình thức đọc sách, tổ chức thi kể chuyện, thi đọc sách...

 Đại biểu tham dự hội thảo

Đại biểu tham dự hội thảo

Bên cạnh việc bổ sung các loại hình sách điện tử, máy tính kết nối mạng thì thư viện có thể trang trí theo các chủ đề khác nhau ở từng thời điểm trong năm học, điều này tạo cho học sinh niềm hứng khởi mỗi khi đến thư viện…

Tại hội thảo đại diện các nhà trường đã trình bày tham luận và cùng thảo luận để đưa ra các giải pháp cần thiết xây dựng, phát triển thư viện các nhà trường ở hai khối tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hoạt động hiệu quả và thiết thực hơn, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho học sinh.

 Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Kim Chung chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự hội thảo

Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Kim Chung chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự hội thảo

Tổng kết hội thảo bà Nguyễn Thị Kim Chung nhấn mạnh, bên cạnh các báo cáo khoa học có chất lượng, ngành Giáo dục thành phố đã giới thiệu về “Thư viện số” đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc; Mô hình Xã hội học tập trong kỷ nguyên số đến các đại biểu. Đây cũng tiêu chí phải có đối với các trường TH, THCS khi xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Sau hội thảo này, Phòng GD&ĐT sẽ hoàn thành để báo cáo và giới thiệu tới các nhà trường trong toàn tỉnh Giải pháp phát triển thư viện các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hoạt động hiệu quả, thường xuyên, liên tục.

Long Anh - Minh Sơn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ban-giai-phap-phat-trien-thu-vien-hoat-dong-hieu-qua-lien-tuc-o-vinh-phuc-post702678.html