Bàn giải pháp quản trị rủi ro và phòng chống thiên tai đô thị ven biển khu vực Nam Trung Bộ
'Cần đặt quản trị rủi ro đô thị trong một tầm nhìn xa hơn so với công tác ứng phó với những gì đã xảy ra và cần gắn bó một cách chặt chẽ với tiến trình đô thị hóa'.
Đó là ý kiến được đưa ra tại Hội nghị giao ban thường niên cụm đô thị Nam Trung bộ năm 2023 với chủ đề “Quản trị rủi ro và phòng chống thiên tai các đô thị ven biển” được Hiệp hội các đô thị Việt Nam và UBND TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) phối hợp tổ chức tại Quảng Ngãi ngày 21/10.
Trao đổi, học hỏi cùng nhau phát triển
Ông Trà Thanh Danh, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi cho biết, hội nghị thường niên Nam Trung bộ năm 2023 là sự kiện rất quan trọng của TP Quảng Ngãi, là cơ hội lớn để TP giới thiệu hình ảnh của mình đến với các đô thị trong khu vực, góp phần truyền thông mạnh mẽ trong dân, thúc đẩy phong trào toàn dân tích cực hưởng ứng tham gia làm xanh, sạch, đẹp, sáng, tạo diện mạo mới cho đô thị.
Đặc biệt, Hội nghị tập trung thảo luận chủ đề “Quản trị rủi ro và phòng chống thiên tai tại các đô thị ven biển” để cùng trao đổi, nâng cao nhận thức về quản trị rủi ro đô thị. Từ đó, gợi ý xây dựng những giải pháp theo hướng thích ứng, có sự tham gia của chính quyền lẫn người dân trong quản trị đô thị, hướng đến sự bền vững và phục vụ tốt hơn cho cư dân đô thị.
Trong chương trình, các chuyên gia khách mời đã giới thiệu kinh nghiệm của quốc tế trong công tác quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu; thực tiễn công tác quy hoạch đô thị gắn với thích ứng biến đổi khí hậu; đặc biệt đối với các đô thị vùng duyên hải Nam Trung bộ.
Đồng thời, các chuyên gia cũng giới thiệu nội dung quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 – 2030 định hướng đến 2050, nhận diện rủi ro thiên tai cho đô thị ven biển, cách tiếp cận đa ngành trong phòng ngừa và chống thiên tai theo định hướng thích ứng của khí hậu ven biển. Từ đó, gợi ý xây dựng những giải pháp theo hướng thích ứng, có sự tham gia của chính quyền lẫn người dân trong quản trị đô thị, hướng đến sự bền vững và phục vụ tốt hơn cho cư dân đô thị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, cụm đô thị duyên hải Nam Trung bộ hình thành qua nhiều năm và hàng năm tổ chức trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi để cùng nhau phát triển. Một đô thị phát triển tốt góp phần cho tỉnh phát triển tốt. Một tỉnh phát triển tốt góp phần cho khu vực phát triển tốt. Một khu vực phát triển tốt góp phần cho cả nước phát triển tốt.
Theo ông Minh, nói như vậy là bởi các đô thị trong cụm Nam Trung bộ đang triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của các địa phương là tập trung quy hoạch, phát triển đô thị vì thời gian qua Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết để thúc đẩy phát triển đô thị.
Quản trị rủi ro cần gắn chặt với tiến trình đô thị hóa
Trong khi đó, TS. Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu nhận định, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng từ 3-4 độ C cho đến cuối thế kỷ này, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dẫn đến gia tăng cường độ thiên tai, biến đổi khí hậu tạo ra thời tiết cực đoan, trong đó gia tăng ngập úng tại các đô thị.
Bên cạnh đó, nguyên nhân trực tiếp gây ngập úng các đô thị do san nền, phát triển đô thị ở vùng thoát lũ, vùng trữ nước, hạ tầng thoát nước đầu tư không theo kịp tốc độ đô thị hóa, điều kiện kỹ thuật không đảm bảo, hệ thống giao thông ngăn cản hướng thoát lũ, vận hành hồ chứa thượng nguồn, tác động biến đổi khí hậu, lượng mưa tăng, thủy triều gia tăng, sụt lún đất.
Nói về vấn đề này, TS. Kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Tổng thư ký Hiệp hội đô thị Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu cần được thực hiện trong tất cả các nội dung quy hoạch, từ định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải...
Để lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, các địa phương phân tích, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến từng nội dung quy hoạch để đề xuất giải pháp ứng phó ưu tiên. Chẳng hạn như, trong quy hoạch không gian đô thị, cần xem xét, ưu tiên không gian dành cho tái định cư, để ứng phó với tình trạng các đợt mưa lớn xảy ra nhiều hơn và lượng mưa ngày càng tăng cao gây ra các trận lũ quét, xói mòn, ảnh hưởng đến nhà ở, công trình công cộng.
Với cách tiếp cận hệ thống, quản trị rủi ro đô thị cần được đặt trong một tầm nhìn xa hơn so với công tác ứng phó với những gì đã xảy ra, và cần gắn bó một cách chặt chẽ với tiến trình đô thị hóa. Để đạt được mục tiêu đó, công tác quản lý rủi ro phải được đặt trong tất cả các kế hoạch phát triển của đô thị, từ hạ tầng kỹ thuật đến xã hội, từ không gian đô thị đến kinh tế....