Bàn giải pháp tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu
Ngày 10/4, tại TP Bảo Lộc, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị để bàn giải pháp tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu dự Hội nghị
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường và ông Hà Ngọc Chiến - Chi Cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chủ trì Hội nghị
Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệp thuốc bảo vệ thực vật phía Nam; Trung tâm Kiểm định thực vật sau nhập khẩu II; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng; Chi cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường; đại diện lãnh đạo các địa phương gồm Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng và TP Bảo Lộc.
Hội nghị còn có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở đóng gói sầu riêng phục vụ xuất khẩu và các hộ dân trồng sầu riêng có mã vùng trồng tại các địa phương.

Năm 2024, Lâm Đồng xuất khẩu trên 25 ngàn tấn sầu riêng, chủ yếu qua thị trường Trung Quốc
• NĂM 2024, KIM NGẠCH XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG HƠN 104 TRIỆU USD
Hội thảo được tổ chức khi các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch sầu riêng năm 2025. Trong đó, việc đảm bảo chất lượng sầu riêng, đặc biệt là việc kiểm soát chất Cadimi và Vàng Ô phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được quan tâm đặc biệt.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, sản lượng sầu riêng xuất khẩu là 25.518 tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng khoảng 104,15 triệu USD, tăng 2,72 triệu USD so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng tươi đạt 20.214 tấn và sầu riêng bóc múi đông lạnh đạt 1.326 tấn.
Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích trồng sầu riêng là 25.610 ha. Trong đó, diện tích trồng thuần là 11.397 ha (9.121 ha đang kinh doanh) và diện tích trồng xen là 14.213 ha (4.816 ha đang kinh doanh). Tổng sản lượng thu hoạch năm 2024 ước đạt 175.282 tấn.

Lâm Đồng hiện có 61 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thu mua sầu riêng đóng gói xuất khẩu
Toàn tỉnh hiện có 61 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thu mua sầu riêng. Phần lớn sản lượng sầu riêng sản xuất tại địa phương (khoảng 85%) được cung ứng cho thị trường tiêu thụ tươi.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang có xu hướng đẩy mạnh chế biến sầu riêng dạng bóc múi cấp đông (chiếm khoảng 15% tổng sản lượng). Một số đơn vị tiêu biểu như Công ty TNHH TMSX Long Thủy, Công ty TNHH B'laoFood, Công ty TNHH Đức Huệ Lâm Đồng…
Hiện nay, toàn tỉnh đã hình thành 35 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng với sự tham gia của 1.639 hộ dân với diện tích 4.339 ha; riêng huyện Đạ Huoai có 19 chuỗi với 731 hộ và diện tích 1.513 ha.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng trong những tháng đầu năm 2025 đang đối mặt với một số khó khăn, chủ yếu liên quan đến rào cản kỹ thuật về dư lượng kim loại nặng (đặc biệt là Cadimivà chất Vàng Ô) vượt ngưỡng quy định của nước nhập khẩu.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng báo cáo tình hình sản xuất và cấp mã vùng trồng, đóng gói sầu riêng xuất khẩu
Hiện nay, sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Do đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, nhằm tránh nguy cơ bị áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.
Các giống sầu riêng chủ lực được trồng ở tỉnh Lâm Đồng là Dona và Ri6. Thời gian thu hoạch sầu riêng trên địa bàn tỉnh trải đều trong năm và tập trung chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Cụ thể, tại huyện Đạ Huoai, vụ thu hoạch tập trung từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 9, trùng với thời điểm thu hoạch chính vụ của các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ và Thái Lan.
Trong khi đó, tại các huyện, thành phố như Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, thời gian thu hoạch kéo dài từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 11, trùng với thời điểm thu hoạch của các tỉnh Tây Nguyên.
Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 114 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích 5.489,13 ha (chiếm 60,2% tổng diện tích trồng thuần đang trong giai đoạn kinh doanh) và 10 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng với tổng diện tích nhà xưởng 13.419 m².
Trong năm 2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã kiểm tra và yêu cầu khắc phục đối với 17 vùng trồng sầu riêng (diện tích 735,18 ha) chưa đáp ứng yêu cầu.
Sau khi nhận được thông báo, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đã lập tức hướng dẫn các đơn vị liên quan và kiểm tra kết quả khắc phục tại 17 vùng trồng này.
Hiện tại, tỉnh có 92 hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng và 34 hồ sơ đề nghị cấp mã số cơ sở đóng gói đã được gửi Cục Bảo vệ thực vật và đang chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Các vùng trồng sầu riêng tập trung chủ yếu tại các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm với tổng diện tích 19.808 ha và sản lượng 140.696 tấn (chiếm 77,3% diện tích và 80,3% tổng sản lượng sầu riêng toàn tỉnh).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Hoàng Phúc phát biểu tại Hội nghị
• CẦN TUÂN THỦ NGHIÊM NGẶT QUY ĐỊNH CHẤT LƯỢNG
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Hoàng Phúc nhấn mạnh: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, kinh tế kết nối hiện nay, muốn xuất khẩu sầu riêng bền vững thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức, đồng lòng, hợp tác trong cả quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến, xuất khẩu.
Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc đang siết chặt quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và chất Vàng Ô trong sản phẩm sầu riêng, nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành hàng này, nguy cơ bị tạm dừng, thu hồi mã số là rất cao. Hệ lụy này không chỉ làm ảnh hưởng đến xuất khẩu sầu riêng mà còn làm giảm uy tín và thương hiệu nông sản.
Chính vì vậy, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nông dân xây dựng mã số vùng trồng tại địa phương; thực hiện tốt công tác quản lý và tuyên truyền áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất sầu riêng đảm bảo năng suất và chất lượng, nhất là đối với sản lượng sầu riêng xuất khẩu.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số vùng trồng tại địa phương.
Từ đó, lồng ghép các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chỉ sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; khuyến khích sử dụng than sinh học để cải tạo, xử lý đất. Hạn chế sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có chứa Cadimi và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch; không sử dụng chất Vàng Ô trong sơ chế, bảo quản sản phẩm sầu riêng.

Vụ thu hoạch sầu riêng năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ bắt đầu vào cuối tháng 4 tới đây
Đề nghị các vùng trồng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, theo dõi, giám sát và xử lý các loại sâu bệnh hại theo đúng quy trình; thường xuyên chủ động phân tích để kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật, kim loại nặng Cadmi và chì; chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc, đầu tư trang bị để thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu.

Đại diện các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tổ chức liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sầu riêng theo đúng quy trình như: Thông tin công khai tình trạng phê duyệt mã số, kế hoạch thu mua và xuất khẩu cho nông hộ liên kết. Ngược lại, người dân phải đồng hành cùng doanh nghiệp, tuân thủ quy trình canh tác sầu riêng an toàn, thu hoạch đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và không vì vụ lợi phá vỡ liên kết với các doanh nghiệp nhằm tạo tính ổn định, bền vững, lâu dài theo chuỗi giá trị.
Sở Nông nghiệp và Môi trường giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác giám sát chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số để đảm bảo duy trì theo yêu cầu của nước nhập khẩu; triển khai lấy mẫu, phân tích kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và chất Vàng Ô để quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Ông Trần Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam phổ biến các biện pháp kiểm soát về dư lượng thuốc, kim loại nặng và chất Vàng Ô đối với sản phẩm sầu riêng
Tại Hội nghị, ông Ngô Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định thực vật sau nhập khẩu II và ông Trần Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam, đã phổ biến các quy định về đối tượng kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm đối với sầu riêng xuất khẩu; các biện pháp kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và chất Vàng Ô đối với sản phẩm sầu riêng.

Ký kết hợp đồng nguyên tắc phân tích mẫu sầu riêng, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và chất Vàng Ô
Các đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở đóng gói và hộ sản xuất sầu riêng đã có những đóng góp ý kiến quan trọng để các sở, ngành của tỉnh và các địa phương cùng nghiên cứu áp dụng đưa vào quản lý chất lượng sầu riêng phục vụ xuất khẩu.
Dịp này, Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam cũng đã ký kết hợp đồng nguyên tắc về phân tích mẫu sầu riêng, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và chất Vàng Ô với 4 doanh nghiệp, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.