Bàn giao, viết tiếp huyền thoại bộ đàn đá Khánh Sơn A và B
Ngày 27-3, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại TPHCM (thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đã tổ chức bàn giao bộ đàn đá Khánh Sơn A và B cho Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa và Bảo tàng tỉnh sẽ là đơn vị trực tiếp quản lý, phát huy giá trị.
Bộ đàn đá Khánh Sơn được phát hiện ngày 16-3-1979 tại núi Dốc Gạo, thôn Tô Hạp, xã Trung Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Thanh đá dài nhất 103cm và ngắn nhất 45,6cm; thanh đá nặng nhất là 28,1kg và thanh nhẹ nhất 5kg.
Ngày 12-9-1979, tại Thành phố Nha Trang, dưới sự chủ tọa của ông Nguyễn Văn Hiếu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin, đã công bố phát hiện đàn đá Khánh Sơn trước công chúng.
Ngày 27-10-1979, Bộ Văn hóa và Thông tin tổ chức lễ báo cáo với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại diện các cơ quan đoàn thể, đoàn ngoại giao và khách nước ngoài ở thủ đô Hà Nội.
Ngày 19-12-1979, Bộ Văn hóa và Thông tin, Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam, Sở Văn hóa và Thông tin TPHCM tổ chức báo cáo về đàn đá Khánh Sơn.
Sau khi giới thiệu, biểu diễn ở Hà Nội và TPHCM, bộ đàn đá Khánh Sơn A và B đã được đưa về nghiên cứu, sáng tác, bảo quản tại Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TPHCM (số 2 Trần Quý Khoách, phường Tân Định, quận 1).
Cho đến năm 1980 đã có hơn 50 tác phẩm sáng tác thể nghiệm và dàn dựng thành tiết mục cho bộ đàn đá Khánh Sơn và các đàn đá khác. Trong số tiết mục đó, đa số là tiết mục viết cho độc tấu, song tấu, tam tấu đàn đá có dàn nhạc dân tộc đệm; hoặc một số tiết mục đàn đá đệm cho đơn ca, tốp ca, một số tiết mục kết hợp giữa đàn đá với múa và vũ kịch múa…
Bộ đàn đá Khánh Sơn rất có giá trị về mặt âm nhạc học và có niên đại hàng ngàn năm (khoảng 3.000 - 4.000 năm). Âm thanh sắc, gọn, có cao độ rõ rệt, ngân dài; âm thanh trầm bổng, độ mạnh nhẹ, độ dài ngắn và màu sắc đặc biệt của âm. Bộ đàn đá Khánh Sơn là hiện vật đặc trưng gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Khánh Hòa.
Tại lễ bàn giao, theo TS. Đinh Văn Hạnh, Phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TPHCM, bộ đàn đá phát hiện năm 1979 là phát hiện về mặt giá trị chứ thực tế từ năm 1947 đã được tìm thấy.
“Nhìn suốt một quá trình từ lúc phát hiện cây đàn đá năm 1947 đến 1979, từ 1979 đến 2023 và từ 2023 trở đi để thấy rằng bộ đàn đá có 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn làm nhiệm vụ khác nhau. Từ nay trở đi, tỉnh Khánh Hòa sẽ viết tiếp câu chuyện giai đoạn 3 của bộ đàn đá. Trở về với Khánh Hòa là trở về nơi bộ đàn đá được sinh ra, được phát hiện. Tôi cho rằng di sản ở đâu nên trở về nơi ấy, đó là nguyên tắc của bảo tồn di sản. Cũng mong rằng, sau này, tỉnh Khánh Hòa sẽ quản lý và phát huy thật hiệu quả giá trị của bộ đàn đá này”, TS. Đinh Văn Hạnh bày tỏ.
Ông Đặng Quốc Văn, Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa nhận định, bộ đàn đá Khánh Sơn A và B có nhiều giá trị về mặt âm nhạc học, phản ánh đời sống văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số tại Khánh Hòa.
Sau buổi tiếp nhận, Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa sẽ bàn giao cho Bảo tàng tỉnh là đơn vị trực tiếp quản lý, bảo quản, trưng bày và phát huy những giá trị trong việc trưng bày cho nhân dân, du khách trong và ngoài nước tham quan. Phía bảo tàng tỉnh sẽ nghiên cứu làm hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia cho bộ đàn đá này.
Trong lễ công bố phát hiện bộ đàn đá Khánh Sơn (năm 1979), Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hiếu đã khẳng định: “Việc phát hiện ra bộ đàn đá Khánh Sơn đã tạo ra một tiếng vang lớn cả ở trong nước và quốc tế. Đúng tròn 30 năm sau khi công bố bộ đàn đá Ndut Liêng Krah[1] (năm 1949), sự kiện đã gây không ít tiếng vang trong giới học giả nghiên cứu về các nền văn hóa - văn minh cổ xưa. Bộ nhạc khí này không giống bất cứ một nhạc khí bằng đá nào mà khoa học phân tích, giải phẫu học đã biết. Do đó, ngành nghiên cứu lịch sử nhạc khí có một tài liệu quý báu, cho phép vươn tới một thời đại mà cho đến nay các nhà âm nhạc học chưa hề nghiên cứu đến”.