Bán hàng online xuyên biên giới: Làm gì để khai thác 'mỏ vàng'?
Thị trường thương mại điện tử toàn cầu được coi là một mỏ vàng cho những doanh nghiệp xuất khẩu, những nó sẽ mãi là vàng trong mỏ nếu doanh nghiệp không biết số hóa mình.
Thương mại điện tử toàn cầu mở lối nhưng không trải thảm
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang nổi lên như một xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, và với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nó phải được xem là một bước ngoặt chiến lược.
Việc tích hợp các nền tảng quản lý đơn hàng đa kênh, hệ thống CRM hiện đại, và ứng dụng các công nghệ tự động hóa đã và đang chứng minh vai trò thiết yếu trong việc tối ưu hiệu quả vận hành, giảm chi phí trung gian và nâng cao năng lực mở rộng quy mô (scalability) cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa – Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Việt Nam, thương mại điện tử xuyên biên giới không còn là “một kênh bán hàng bổ sung”, mà đang trở thành “trụ cột chiến lược trong hành trình quốc tế hóa của doanh nghiệp Việt”.
“Thương mại điện tử xuyên biên giới là cánh cửa lớn nhất hiện nay để hàng Việt có thể tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng toàn cầu – mà không cần thông qua trung gian phân phối như trước đây”, ông Hòa khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Hòa – Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Việt Nam. Ảnh: CH
Cánh cửa này không phải chỉ hé mở, mà đang mở rộng với tốc độ chóng mặt. Theo Báo cáo Xu hướng Amazon Global Selling năm 2024, tổng doanh thu từ xuất khẩu thương mại điện tử B2C qua Amazon dự kiến tăng từ 1,7 tỷ USD (năm 2022) lên 3,9 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 17,5%.
Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy người tiêu dùng toàn cầu – đặc biệt là tại Mỹ – đang ngày càng ưu tiên mua sắm trực tuyến, mở ra một “mỏ vàng” cho hàng Việt nếu biết cách khai thác.
Tuy nhiên, cơ hội này đi kèm với những yêu cầu khắt khe về năng lực vận hành và quản trị.
Ông Hòa đặc biệt nhấn mạnh rằng, để cạnh tranh trên Amazon – một thị trường được kiểm soát chất lượng chặt chẽ và có cơ chế phản hồi người tiêu dùng khắt khe – doanh nghiệp cần số hóa toàn bộ chuỗi giá trị, từ sản phẩm, dịch vụ đến thương hiệu.
Amazon không đơn thuần là một nền tảng thương mại – mà là một hệ sinh thái kinh doanh toàn diện. Từ Fulfillment by Amazon (FBA) – hệ thống hậu cần tự động hóa và phân phối toàn cầu, đến các công cụ quản trị quảng cáo theo hành vi khách hàng như Sponsored Products, Amazon cung cấp cho nhà bán hàng khả năng tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu theo cách chủ động, minh bạch và có khả năng kiểm soát dữ liệu.
“Sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong số hóa, vận hành và định vị thương hiệu là nền tảng để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công xuyên biên giới”, ông Hòa nhận định.
Ngoài ra, ông Hòa cũng lưu ý rằng, 90 ngày đầu tiên sau khi niêm yết sản phẩm trên Amazon là giai đoạn “vàng” quyết định thành – bại của chiến lược xuyên biên giới.
Các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn này có thể tăng trưởng gấp 6 lần so với các đơn vị thiếu chiến lược rõ ràng trong thời điểm ra mắt.
Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các nhà điều hành doanh nghiệp Việt: việc tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới không thể là hành động ngẫu nhiên hay tự phát.
Đó phải là một quyết định mang tính chiến lược, cần được hoạch định bài bản từ cấp cao nhất, với sự đầu tư về công nghệ, nhân lực, dữ liệu và khả năng vận hành toàn cầu.
Xây hệ sinh thái số để vượt biên giới
Nếu như thương mại điện tử xuyên biên giới là "cánh cửa" mà doanh nghiệp Việt cần bước qua để vươn ra toàn cầu, thì theo ông Felix Chan, Giám đốc đối tác cấp cao của Shopify, chính hệ sinh thái số – nơi tích hợp các nền tảng bán hàng, dữ liệu và trải nghiệm khách hàng – mới là "con đường" dẫn đến thành công bền vững.
Xây dựng một hệ sinh thái bán hàng đa kênh, đa nền tảng và đa ngôn ngữ là điều tối quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam trên con đường chinh phục xuất khẩu xuyên biên giới.
Điều này cho phép doanh nghiệp tiếp cận khách hàng trên nhiều thị trường khác nhau, tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm và tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu.
“Tương lai của xuất khẩu là tích hợp – tích hợp kênh bán hàng, tích hợp hệ thống dữ liệu, tích hợp trải nghiệm khách hàng”, ông Felix Chan nhận xét.
Sự hiện diện của doanh nghiệp không còn giới hạn ở một kênh cố định như website hay gian hàng thương mại điện tử.
Khách hàng ngày nay có thể bắt đầu hành trình mua sắm từ một bài đăng trên Instagram, tiếp tục tìm hiểu sản phẩm qua TikTok, đặt hàng trên website chính thức và phản hồi thông qua email hoặc ứng dụng di động.

Thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ trở thành "mỏ vàng" cho các doanh nghiệp Việt nếu biết cách khai thác. Ảnh minh họa: CH
Bằng cách hiện diện trên nhiều kênh bán hàng như cửa hàng trực tuyến, ứng dụng di động, mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử quốc tế, doanh nghiệp có thể tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng trên toàn cầu.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ có mặt trên các kênh này, mà phải tạo ra một trải nghiệm đồng nhất và liền mạch xuyên suốt các điểm chạm (touchpoints).
Việc cung cấp trải nghiệm mua sắm liền mạch và nhất quán trên các kênh khác nhau giúp nâng cao sự hài lòng và giữ chân khách hàng. Việc xây dựng một hệ sinh thái số không chỉ nằm ở bề nổi là số lượng kênh bán hàng, mà sâu hơn là khả năng quản trị dữ liệu đồng bộ.
Việc này giúp doanh nghiệp, tránh phân mảnh dữ liệu, vốn là “điểm chết” của rất nhiều doanh nghiệp khi mở rộng ra thị trường quốc tế cũng như ra quyết định dựa trên dữ liệu thời gian thực và cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng.
Một ví dụ điển hình là Decathlon, thương hiệu thể thao toàn cầu, đã sử dụng Shopify để phân tích dữ liệu theo khu vực địa lý – từ đó điều chỉnh các chiến dịch marketing theo văn hóa tiêu dùng từng nước, đồng thời cá nhân hóa nội dung bằng ngôn ngữ địa phương.
Một hệ sinh thái số thực thụ phải có khả năng thích ứng với thị trường đa quốc gia: từ giao diện ngôn ngữ, cổng thanh toán nội địa, đơn vị tiền tệ cho đến hành vi tiêu dùng bản địa.
Theo ông Felix, đây chính là lợi thế "tăng tốc ngay khi bắt đầu", sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian thiết lập, giảm rào cản kỹ thuật và tập trung vào điều quan trọng nhất: sản phẩm và trải nghiệm khách hàng.
Sau cùng, doanh nghiệp Việt Nam không thể ‘ra biển lớn’ bằng cảm tính. Dữ liệu về tỷ lệ thoát trang, hành vi cuộn chuột, khu vực địa lý, mức độ phản hồi khuyến mãi... tất cả đều là những chỉ số “ẩn” nhưng cực kỳ quan trọng trong việc tối ưu hóa chiến lược bán hàng quốc tế.
“Không phải cứ đưa sản phẩm lên mạng là sẽ bán được – doanh nghiệp phải dựa vào dữ liệu để tối ưu mọi quyết định,” ông Felix khẳng định.
Bài toán chuyển đổi số theo chiều sâu
Ngày nay, chuyển đổi số không chỉ là bài toán hạ tầng công nghệ, mà là tối ưu từng hành vi tương tác của khách hàng.
Trong bức tranh xuất khẩu xuyên biên giới, mô hình Print-on-Demand (POD) nổi lên như một phương án đầy linh hoạt, tối ưu chi phí và phù hợp với khả năng vận hành của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Bản chất của POD không nằm ở việc sản xuất linh hoạt, mà nằm ở khả năng chuyển đổi sâu sắc trong từng điểm chạm giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Khác với mô hình truyền thống có kho hàng, POD chỉ sản xuất khi có đơn đặt hàng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư toàn diện vào hệ thống quản trị số – từ lúc khách hàng truy cập vào website cho đến khi sản phẩm được in, đóng gói và giao tận tay người mua ở bất kỳ quốc gia nào.
“Với POD, mỗi bước trong hành trình mua sắm – từ thiết kế, lựa chọn biến thể, thanh toán, đến hậu cần – đều có thể quyết định liệu đơn hàng có thành công hay không,” ông Ngô Thành – CEO & Co-founder ECM Global nhấn mạnh.

Print On Demand chính là mô hình in sản phẩm theo yêu cầu, cho phép người bán thiết kế, cá nhân hóa và bán các mặt hàng như áo thun, cốc, poster, phụ kiện... mà không cần lưu kho hay đầu tư sản xuất ban đầu. Ảnh: Merchize Việt Nam
Đây chính là sự khác biệt cốt lõi: POD buộc doanh nghiệp phải cá nhân hóa và tự động hóa gần như toàn bộ trải nghiệm mua hàng.
Theo ông Thành, một trong những yếu tố then chốt để thành công với POD là tăng tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate). Doanh nghiệp chỉ có vài giây để giữ chân người mua, và các yếu tố như tốc độ tải trang, bố cục sản phẩm, độ sắc nét của ảnh mô phỏng (mockup), thậm chí cả thông điệp ở nút "Mua ngay" có thể quyết định thành – bại.
Một điểm khá thú vị của mô hình POD đó chính là khi khách hàng ở Mỹ đặt một sản phẩm áo thun được cá nhân hóa, đơn hàng ngay lập tức được chuyển đến xưởng in tại Việt Nam, xử lý trong vòng 24-48 giờ và xuất khẩu trực tiếp thông qua các hãng logistics như DHL, USPS.
“Vận hành POD là một bài toán tốc độ và độ chính xác. Khách hàng quốc tế sẵn sàng chi trả cao hơn nhưng đổi lại là yêu cầu cực kỳ nghiêm ngặt về thời gian giao hàng và chất lượng,” ông Ngô Thành phân tích.
Đây cũng là lý do tại sao các doanh nghiệp Việt không nên coi POD là "mô hình khởi nghiệp thấp vốn" như nhiều người hiểu nhầm, mà là mô hình công nghệ vận hành cao cấp, đòi hỏi tự động hóa gần như toàn diện từ khâu tiếp thị đến giao vận.
Thêm vào đó, ông Thành cũng nhấn mạnh lại câu chuyện không thể đưa ra quyết định khi kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới dựa vào cảm nhận cá nhân, mà cần phải dựa vào dữ liệu.
Từ đó mới có thể xác định được sản phẩm nào nên phát triển, thị trường nào nên thử nghiệm và đâu là vấn đề trong vận hành. Dữ liệu cũng được dùng để xây dựng các mô hình dự báo nhu cầu, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong kế hoạch marketing và điều phối năng lực sản xuất.
POD không phải là lối tắt đơn giản để xuất khẩu, mà là một mô hình kinh doanh kỹ thuật số chuyên sâu, nơi hiệu quả đến từ từng dòng mã, từng giao diện người dùng và từng giây phản hồi hệ thống.
Như ông Ngô Thành khẳng định, nếu doanh nghiệp Việt thực sự nghiêm túc với thương mại điện tử xuyên biên giới, thì POD chính là một trong những môi trường lý tưởng để thử nghiệm, mở rộng và tạo đột phá – miễn là có chiến lược số hóa bài bản.
Trong hành trình vươn ra thị trường toàn cầu, đặc biệt là thị trường khó tính như Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam không thể chỉ dựa vào ưu thế về giá thành hay nguồn cung dồi dào.
Bối cảnh cạnh tranh hiện đại đòi hỏi một sự chuyển dịch toàn diện từ mô hình kinh doanh truyền thống sang quản trị số hóa – nơi dữ liệu, trải nghiệm khách hàng và sự linh hoạt vận hành là những yếu tố sống còn.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, điều quan trọng không chỉ là “đi ra thế giới”, mà là làm sao để doanh nghiệp đứng vững, tăng trưởng và phát triển bền vững trên sân chơi toàn cầu.
Sự đầu tư nghiêm túc vào số hóa – từ quản trị dữ liệu, chuỗi cung ứng đến trải nghiệm người dùng – chính là chìa khóa để biến xuất khẩu xuyên biên giới từ một giấc mơ thành hiện thực.