Ban hành 2 Nghị định quan trọng liên quan đến công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế

Chính phủ vừa ban hành 2 Nghị định quan trọng liên quan ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; quy định về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế.

Ảnh minh họa: Nguồn: VGP

Nội dung của thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 64/2021/NĐ-CP về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức.

Nghị định này quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 20 và khoản 2 Điều 23 của Luật Thỏa thuận quốc tế về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức (đơn vị trực thuộc).

Trong đó, về nội dung của thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc, Nghị định nêu rõ: Thỏa thuận quốc tế được thể hiện bằng văn bản, nêu ý định hợp tác thông qua các hoạt động cụ thể trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị trực thuộc đó.

Thỏa thuận quốc tế phải có những nội dung chủ yếu sau: Tên gọi của văn bản; tên các bên ký kết; lĩnh vực, nội dung, phương thức hợp tác; thời điểm bắt đầu có hiệu lực, thời hạn hiệu lực; ngày ký, địa điểm ký, ngôn ngữ ký; họ tên, chức danh của người đại diện ký.

Thỏa thuận quốc tế có thể có các nội dung khác, như cơ chế trao đổi thông tin, bảo mật, chi phí, giải quyết tranh chấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực của thỏa thuận quốc tế. Nội dung của thỏa thuận quốc tế phải thể hiện thỏa thuận quốc tế đó không có giá trị ràng buộc về pháp lý.

Nội dung thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND cấp xã biên giới phải phù hợp quy định tại khoản 6 Điều 3 của Luật Thỏa thuận quốc tế. Nội dung thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực và phạm vi hoạt động của tổ chức đó.

Chi cho công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế

Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định số 65/2021/NĐ-CP quy định về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước (NSNN) bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, thay thế Nghị định số 74/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016.

Nghị định quy định nội dung chi cho công tác điều ước quốc tế gồm: 1- Chi cho việc nghiên cứu, đề xuất việc đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế, bảo lưu điều ước quốc tế; 2- Chi cho việc góp ý đề xuất đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế, bảo lưu điều ước quốc tế; 3- Chi cho việc tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế; 4- Chi cho việc kiểm tra của Bộ Ngoại giao, thẩm định của Bộ Tư pháp đối với đề xuất ký, gia nhập điều ước quốc tế; 5- Chi cho việc thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ đối với đề xuất đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế, bảo lưu điều ước quốc tế; 6- Chi cho việc lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, đăng tải điều ước quốc tế; 7- Chi cho công tác tổ chức thực hiện điều ước quốc tế; 8- Chi cho công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế; 9- Chi cho công tác cấp ý kiến pháp lý cho các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay, thỏa thuận bảo lãnh Chính phủ; 10- Chi cho công tác thống kê, rà soát điều ước quốc tế; 11- Các chi phí cần thiết khác phục vụ trực tiếp công tác điều ước quốc tế.

Nội dung chi cho công tác thỏa thuận quốc tế gồm: 1- Chi cho việc xây dựng đề án, kế hoạch về đàm phán, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế; 2- Chi cho việc góp ý đề xuất đàm phán, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế; 3- Chi cho việc tổ chức đàm phán, ký kết thỏa thuận quốc tế; 4- Chi cho việc tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế; 5- Chi cho công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết tình hình ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; 6- Chi cho công tác thống kê, rà soát thỏa thuận quốc tế; 7- Các chi phí cần thiết khác phục vụ trực tiếp công tác thỏa thuận quốc tế.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ban-hanh-2-nghi-dinh-quan-trong-lien-quan-den-cong-tac-dieu-uoc-quoc-te-thoa-thuan-quoc-te-post142926.html