BAN HÀNH CHÍNH SÁCH CẦN ĐÚNG TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM, ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG

Cho ý kiến thẩm tra về báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022 của Chính phủ, các đại biểu đều cho rằng cần kiên định thực hiện 'mục tiêu kép' với khung chương trình thực hiện thống nhất trong cả nước; đồng thời cần cân nhắc trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ bảo đảm đúng, trúng đối tượng.

Toàn cảnh phiên thẩm tra

Toàn cảnh phiên thẩm tra

Cần có khung chương trình phục hồi kinh tế thống nhất cả nước

Theo Ủy viên Ủy ban Kinh tế Đinh Ngọc Minh, báo cáo tình hình năm 2021 cần có thêm đánh giá thêm về số doanh nghiệp dừng sản xuất trong những tháng đầu năm và số lao động tạm thời không có việc. Theo đại biểu, có nhiều chỉ số cần được quan tâm như tiêu thụ điện trong 8 tháng đầu năm giảm 25%, cho thấy sản xuất giảm; chỉ số bán lẻ 8 tháng đầu năm cũng giảm đến 33,7%; chỉ số công nghiệp quý 3/2021 giảm; đầu tư công giảm; chỉ có xuất khẩu tăng khoảng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ những kết quả trên cho thấy bức tranh kinh tế khá khó khăn cho cả giai đoạn, do đó để phục hồi kinh tế sau đại dịch, đại biểu cho rằng Chính phủ cần có chương trình kích cầu sớm, tập trung cơ sở hạ tầng.

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Vũ Tiến Lộc cho rằng quyết sách trong thời gian tới phải là mở cửa và khẳng định đây thông điệp quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay. Bởi nếu chậm mở cửa trong 3 tháng tới là lỡ nhịp khó có thể phục hồi kinh tế lại được. Những tháng cuối năm là thời gian vô cùng quan trọng để phục hồi kinh tế.

Hoan nghênh việc Tp.Hồ Chí Minh có kế hoạch mở cửa riêng phù hợp với tình hình và tương đối cởi mở, khi đó mới có thể bắt kịp với xu hướng thế giới và phù hợp với yêu cầu trong nước, đại biểu cho rằng quyết tâm này cần được thống nhất trong toàn hệ thống. Một khi xác định thích nghi an toàn, hiệu quả với dịch phải có kế hoạch, lộ trình, khung quy định với những phương án để tùy mức độ tình hình của dịch sẽ có những phương án ứng xử của chính quyền doanh nghiệp người dân, áp dụng thống nhất giữa các địa phương để người dân doanh nghiệp có thể chủ động trong sản xuất và sinh hoạt, có biện pháp dự phòng, tạo an tâm cho môi trường đầu tư.

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Tiến Lộc

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Tiến Lộc

Mặt khác, đại biểu cũng cho rằng cần có Sở chỉ huy tiền phương (ban chỉ đạo chung) thực hiện nhiệm vụ kép và nhiệm vụ sống chung với dịch bệnh. Theo đó, cơ quan này thực hiện được mục tiêu y tế và kinh tế để khi đưa ra các chính sách, biện pháp y tế phải tính đến tác động kinh tế và ngược lại. Cho biết hiện nay có Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo và Ban Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân do Phó Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng cần nhập hai ban này vào làm một để bảo đảm mọi quyết định chính sách, biện pháp đưa ra đều được cân nhắc toàn diện, chỉ đạo thực hiện thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Về các biện pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng mở cửa là giải pháp quan trọng nhất, là máy trợ thở cho doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy cải cách thể chế, đơn giản thủ tục hành chính, bối cảnh khó khăn này dễ tạo đồng thuận thúc đẩy cải cách; tăng tốc thực hiện các gói hỗ trợ đã ban hành và dư địa chính sách tài khóa còn nên có điều kiện để bổ sung gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp như về tiếp tục giãn hoãn thuế giảm phí, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp thì biện pháp giảm thuế giá trị giá tăng cho một số mặt hàng để kích cầu, trợ giúp lãi suất. Bên cạnh cứu các doanh nghiệp, cũng cần quan tâm hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp có tiềm năng bứt phá, tạo năng lực cạnh tranh mới, chuẩn bị có chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư nhất là trên không gian mạng.

Ban hành chặt chẽ, đúng trọng tâm, đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ

Nêu rõ thành tích trong việc phòng, chống dịch bệnh, trong việc ban hành cơ chế, chính sách thời gian vừa qua về cơ bản là nổi bật, rất đáng ghi nhận, song Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm cũng đề nghị cần thận trọng hơn trong việc ban hành các chính sách.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, vừa qua, các chính sách được ban hành nhiều nhưng cũng có những chính sách chưa hướng đến đúng trọng tâm hỗ trợ, chính sách còn dàn trải, trong khi những người thực sự khó khăn tiếp cận chính sách không được nhiều. Những người thực sự mất việc do dịch bệnh hay lao động tự do chưa có đủ căn cứ xác định nên các địa phương không dám chi. Hay chính sách hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp lại hướng đến các doanh nghiệp có lãi, trong khi các doanh nghiệp thua lỗ do ảnh hưởng của dịch lại không được hưởng chính sách. Trong khi ngân sách đã rất khó khăn lại càng khó khăn. Nếu như các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp có lãi được hòa vào ngân sách và chi cho các khoản hỗ trợ cấp bách sẽ phù hợp hơn.

Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm

Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm

Phân tích thêm về chính sách hỗ trợ lãi suất, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng vấn đề là các doanh nghiệp có vượt qua được những tiêu chuẩn để tiếp nhận các khoản vay hay không? Bởi các doanh nghiệp khi có các khoản nợ đến hạn nhưng trong hoàn cảnh khó khăn sản xuất kinh doanh, chuyển thành nợ xấu khi đó sẽ không thể tiếp cận được các khoản vay thì có hỗ trợ lãi suất cũng không vay được. Nếu chính sách đi sâu hơn giải quyết được những mấu chốt, nút thắt cần được tập trung để giải quyết thì chính sách sẽ thiết thực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.

Mặc dù chính sách là rất nhân văn nhưng chưa thực sự trúng trọng tâm, do đó, đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh mong muốn các chính sách được ban hành chặt chẽ, đúng trọng tâm, đúng đối tượng hơn nữa để phát huy tối đa nguồn lực.

Có cùng nhận định, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận ghi nhận đã có nhiều chính sách được ban hành để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị trong quá trình ban hành các gói hỗ trợ thì cần có sự khảo sát, nghiên cứu kỹ, trong đó nên lựa chọn nhóm ưu tiên nhận hỗ trợ như nhóm doanh nghiệp trực tiếp thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản cho người dân cần được xem xét ưu tiên.

Dẫn chứng thực tế tại địa phương, đại biểu cho biết, Yên Bái là vùng chè lớn của cả nước. Một doanh nghiệp chế biến chè có ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân vừa tạo công ăn việc làm trực tiếp cho người lao động tại doanh nghiệp vừa gián tiếp tạo việc làm cho các hộ dân, người trồng chè. Nếu doanh nghiệp không sản xuất được, không thu mua được chè cho người dân thì người dân buộc phải phá bỏ cây chè. Hiện nay doanh nghiệp chè rất khó khăn, không tiếp cận được vốn ngân hàng, không tiếp cận được chính sách hỗ trợ, trong khi chè người dân mang đến bán vẫn phải thu mua và tồn kho không thể xuất đi được.

Đại biểu cho rằng, điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là tiền mặt bằng cách có hỗ trợ doanh nghiệp thu mua nông sản cho người dân. Đây là những gói hỗ trợ thiết thực, thực tế, hướng đến đối tượng cần nhất, chịu sự tác động nhiều nhất.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động. Dịch bệnh dần kiểm soát, các doanh nghiệp bắt đầu được mở cửa trở lại, người lao động mong muốn được quay lại làm việc. Nhưng sau thời gian dài áp dụng các biện pháp giãn cách, doanh nghiệp không tiếp cận được người lao động và người lao động cũng không đến được với doanh nghiệp.

Nguyên nhân được đại biểu chỉ rõ là do các chính sách phòng, chống dịch bệnh ở các tỉnh là khác nhau. Tỉnh này cho di chuyển nhưng chưa chắc tỉnh khác đã cho vào. Người lao động di chuyển ở khoảng cách dài tốn kém chi phí sau thời gian dài không có thu nhập cũng khó có thể trang trải chi phí này. Một bộ phận người dân về quê không muốn trở lại làm việc do gần cuối năm.

Đại biểu cho rằng nếu không có biện pháp căn cơ, bài bản, hỗ trợ kịp thời thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị thiếu lao động. Vì vậy cần phải có hỗ trợ để doanh nghiệp và người lao động kết nối lại với nhau./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=59282