Ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện chất thải

Bộ Công thương vừa phê duyệt khung giá phát điện nhà máy điện chất thải năm 2025.. Theo đó, mức giá trần được áp dụng cho các nhà máy điện rác là 2.575,18 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chủ đầu tư nhà máy điện rác sẽ đàm phán mức giá thực tế không vượt quá giá tối đa trên. Quy định mới này thay thế cho mức giá cố định ưu đãi trước đây theo Quyết định 31/2014 với ngưỡng 10,05 UScents/kWh (khoảng hơn 2.300 đồng/kWh). Về bản chất, các dự án đốt rác phát điện không phải là dự án phát điện thương mại thông thường (điện gió, điện mặt trời, thủy điện, nhiệt điện, điện khí…), mà có mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường là chính. Việc điều chỉnh giá lần này được kỳ vọng sẽ phản ánh sát hơn chi phí đầu tư, vận hành thực tế của các nhà máy điện rác, đồng thời thu hút thêm nguồn lực xã hội vào lĩnh vực xử lý chất thải gắn với phát điện.

Ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy xử lý chất thải rắn năm 2025 (ảnh nguồn internet)

Ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy xử lý chất thải rắn năm 2025 (ảnh nguồn internet)

Dù được hưởng mức giá bán điện hấp dẫn, ngành điện rác tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn. Theo các chuyên gia và tổ chức như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức giá điện chỉ là một phần của bài toán. Trên thực tế, nhiều dự án điện rác lớn trên cả nước đang bị đình trệ, thậm chí không thể khởi động, do vướng mắc pháp lý trong quy trình đầu tư.

Cụ thể, lĩnh vực này tại Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn khi thiếu khung pháp lý riêng cho mô hình "đặt hàng" dịch vụ xử lý chất thải. Theo các chuyên gia, quy định hiện hành trong Luật Đấu thầu chưa tạo hành lang minh bạch để triển khai hình thức đặt hàng, buộc nhiều dự án phải đấu thầu truyền thống, dẫn đến chậm tiến độ hoặc bế tắc.Đồng thời, việc triển khai mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực điện rác vẫn gặp trở ngại do thiếu văn bản hướng dẫn chi tiết và hợp đồng mẫu. Dù Luật PPP có hiệu lực từ năm 2021, nhiều địa phương vẫn lúng túng trong các khâu then chốt như xây dựng đề án, chuẩn bị hồ sơ mời thầu hay lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt với các dự án áp dụng hình thức BOT, BOO trong xử lý chất thải.

Ngoài ra, chính sách ưu đãi cho các dự án điện rác còn chưa được thống nhất và hướng dẫn đầy đủ. Không ít nơi vẫn gặp khó trong việc áp dụng biểu giá điện phù hợp, trong khi các cơ chế ưu đãi quan trọng như miễn giảm thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp hay gói vay vốn ưu đãi dành riêng cho lĩnh vực này vẫn chưa được quy định rõ ràng. Sự thiếu minh bạch trong chính sách không chỉ gây khó khăn cho nhà đầu tư, mà còn làm giảm tính hấp dẫn của các dự án điện rác, dù tiềm năng của lĩnh vực này là rất lớn.

Cùng với đó, các dự án điện rác còn đối mặt với rủi ro thiếu nguyên liệu đầu vào ổn định do chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm cung cấp rác thải (cả về số lượng lẫn chất lượng) trong hợp đồng. Tình trạng này khiến nhiều nhà đầu tư dù đã trang bị công nghệ hiện đại vẫn lo ngại về khả năng vận hành hiệu quả.

Một trở ngại nữa là thiếu sự đồng bộ giữa quy hoạch địa phương và quy hoạch vùng/quốc gia. Thực tế cho thấy, nhiều tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư điện rác khi chưa chuẩn bị đủ hạ tầng cần thiết như bãi rác tập trung hay hệ thống thu gom rác quy mô đủ lớn, dẫn đến tình trạng "nhà máy có nhưng không đủ nguyên liệu vận hành". Sự thiếu ăn khớp này không chỉ gây khó khăn trong triển khai, mà còn làm giảm lòng tin của nhà đầu tư.

Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, tiềm năng điện rác của Việt Nam có thể đạt 1.441- 2.137 MW trong tương lai gần. Tuy nhiên, để biến mục tiêu này thành hiện thực, các chuyên gia cho rằng cần các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía. Bên cạnh chính sách giá điện hợp lý, việc hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và tạo cơ chế minh bạch được xem là những yếu tố then chốt để thu hút nhà đầu tư tiếp tục rót vốn vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.

T.Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ban-hanh-khung-gia-phat-dien-cho-nha-may-dien-chat-thai-163806.html