Ban hành quyết định kết quả rà soát nhà xuất khẩu mới đối với một số sản phẩm đường mía
Kết luận điều tra cho thấy, Công ty Kampong Speu Sugar Co., Ltd. không có hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía từ Thái Lan...
Thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), ngày 01 tháng 8 năm 2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1514⁄QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Vương quốc Campuchia, Indonesia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Malaysia và Cộng hòa liên bang Myanma (mã vụ việc AC02-AD13.AS01).
Ngày 10 tháng 6 năm 2024, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1407/QĐ-BCT về kết quả rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía (mã vụ việc NR02.AC02-AD13.AS01).
Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành điều tra vụ việc rà soát từ tháng 12 năm 2023 trên cơ sở đề nghị của nhà xuất khẩu mới - Công ty Kampong Speu Sugar Co., Ltd. (Vương quốc Campuchia) nộp vào tháng 11 năm 2023.
Trong quá trình điều tra vụ việc, Bộ Công Thương đã thực hiện theo đúng quy định liên quan của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, đánh giá kỹ lưỡng và xác định Công ty Kampong Speu Sugar Co., Ltd. là nhà xuất khẩu mới và sản xuất đường từ mía thu hoạch tại Vương quốc Campuchia.
Kết luận điều tra cũng cho thấy Công ty Kampong Speu Sugar Co., Ltd. không có hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía từ Thái Lan.
Do đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng cục Hải quan và các cơ quan liên quan theo dõi tình hình nhập khẩu các sản phẩm đường mía, tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, tình hình sản xuất, cung-cầu, giá cả... để triển khai các công cụ quản lý phù hợp theo quy định.
Theo Cục Phòng vệ Thương mại, việc triển khai các công cụ quản lý nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng và hài hòa lợi ích giữa người nông dân trồng mía, các doanh nghiệp sản xuất đường, các doanh nghiệp tiêu thụ đường và người tiêu dùng.