Ban hành Thông tư về thăm dò và phân cấp trữ lượng, tài nguyên các mỏ cát biển

Bộ TN&MT vừa ban hành Thông tư quy định kỹ thuật về thăm dò và phân cấp trữ lượng, tài nguyên các mỏ cát biển.

 Cát biển đang được lựa chọn để sử dụng trong một số công trình giao thông. (Ảnh minh họa)

Cát biển đang được lựa chọn để sử dụng trong một số công trình giao thông. (Ảnh minh họa)

Thông tư nêu rõ, tiêu chí, phân loại, mức độ đánh giá cấp trữ lượng, cấp tài nguyên cát biển thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Thông tư số 60/2017/TT- BTNMT năm 2017 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn.

Việc phân chia nhóm mỏ thăm dò được thực hiện trên cơ sở hình dạng, kích thước thân cát, mức độ phức tạp về cấu trúc địa chất mỏ, địa hình đáy biển, mức độ biến đổi chiều dày và thành phần hạt, điều kiện địa chất, khai thác và các chỉ số định lượng đánh giá mức độ biến đổi của các thông số khác. Mỏ cát biển được phân chia thành 3 nhóm mỏ: nhóm mỏ đơn giản (nhóm mỏ I); Nhóm mỏ tương đối phức tạp (nhóm mỏ II); Nhóm mỏ phức tạp (nhóm III).

Công tác thăm dò đảm bảo yêu cầu: Tuân thủ nguyên tắc tuần tự, từ khái quát đến chi tiết, từ trên mặt đến dưới sâu, từ đo vẽ bản đồ tỷ lệ nhỏ đến đo vẽ bản đồ tỷ lệ lớn.

Thu thập đầy đủ các số liệu, tài liệu địa chất phục vụ công tác đánh giá chất lượng, trữ lượng và điều kiện khai thác mỏ làm cơ sở nghiên cứu dự án đầu tư khai thác mỏ.

Việc thu thập, thành lập tài liệu nguyên thủy trong thăm dò cát biển thực hiện theo quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-BTNMT năm 2016 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định kỹ thuật về thu thập, thành lập tài liệu nguyên thủy trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và thăm dò khoáng sản.

Nhiệm vụ của thăm dò các mỏ cát biển gồm: Xác định chi tiết về cấu trúc địa chất mỏ, đặc điểm phân bố, hình dạng của thân cát biển; xác định thành phần thạch học, khoáng vật và đánh giá đặc điểm phân bố khoáng vật trong cát; lấy mẫu xác định thành phần hạt, xác định tính chất cơ lý và thành phần các vật chất có ích, có hại đi kèm trong thân cát biển; đánh giá đầy đủ chất lượng và xác định hệ số thu hồi cát biển theo lĩnh vực sử dụng và khả năng thu hồi các thành phần có ích trong cát biển (nếu có); đánh giá điều kiện thủy - thạch động lực, các yếu tố tác động đến môi trường biển, hệ sinh thái, tai biến địa chất.

Công tác thăm dò được thực hiện trên toàn bộ diện tích thăm dò và chiều sâu phân bố cát biển bằng tổ hợp các phương pháp chủ yếu: trắc địa; địa chất; địa vật lý; quan trắc thủy - thạch động lực; địa chất môi trường, tai biến địa chất; xây dựng mô hình số trị; công trình thăm dò; lấy và gia công mẫu; phân tích mẫu bằng các phương pháp: hóa học, cơ lý; xác định khả năng, lĩnh vực sử dụng cát biển; công nghệ khai thác, tuyển, rửa cát biển.

Yêu cầu về công trình thăm dò như sau: Việc lựa chọn loại công trình thăm dò (khoan máy, ống phóng rung) căn cứ vào độ sâu mực nước, điều kiện địa chất, điều kiện thi công, tính năng kỹ thuật của thiết bị; mật độ định hướng các công trình thăm dò các mỏ cát biển và yêu cầu kỹ thuật thi công tham khảo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này. Tỷ lệ lấy mẫu trong công trình thăm dò phải đạt ≥ 75%.

Đối với yêu cầu về công tác tính trữ lượng và tài nguyên, theo Thông tư, phương pháp tính trữ lượng, tài nguyên các mỏ cát biển phải được lựa chọn phù hợp với đặc điểm địa chất mỏ và trên cơ sở phân tích các yếu tố ảnh hưởng quy định tại khoản 2 Điều này.

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp tính trữ lượng, tài nguyên các mỏ cát biển: hình thái thân cát; chiều dày và mức độ biến đổi của chúng; thành phần hạt và mức độ biến đổi của chúng; yếu tố kiến tạo và thế nằm thân cát; mạng lưới công trình thăm dò; phương pháp khai thác dự kiến.

Các phương pháp tính trữ lượng và tài nguyên các mỏ cát biển: phương pháp khối địa chất; phương pháp mặt cắt song song thẳng đứng hoặc sử dụng các phần mềm chuyên dụng tính trữ lượng khoáng sản đang được sử dụng trên thế giới và ở Việt Nam.

Thông tư cũng đưa ra các quy định về yêu cầu về công tác trắc địa; yêu cầu về nghiên cứu địa chất; yêu cầu về nghiên cứu thủy - thạch động lực; yêu cầu về nghiên cứu hiện trạng địa chất môi trường, tai biến địa chất; quan trắc thủy - thạch động lực; xây dựng mô hình số trị; yêu cầu về công tác nghiên cứu chất lượng; yêu cầu về nghiên cứu công nghệ khai thác cát biển; yêu cầu về cấp trữ lượng cao nhất và tỷ lệ các cấp trữ lượng…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2024.

Minh Thành

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ban-hanh-thong-tu-ve-tham-do-va-phan-cap-tru-luong-tai-nguyen-cac-mo-cat-bien-92777.html