Ban hành tiêu chí cụ thể về 'Giỏi việc nước', 'đảm việc nhà' đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ mới

Góp ý vào Hướng dẫn triển khai phong trào thi đua 'Giỏi việc nước, đảm việc nhà' trong nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) đáp ứng tình hình mới, nhiều ý kiến cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam nên sớm ban hành Hướng dẫn để triển khai sát với đòi hỏi của thực tiễn.

Chiều 18/10, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Hướng dẫn triển khai phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ giai đoạn mới.

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến dưới sự chủ trì của các đồng chí: Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam; Đỗ Hồng Vân - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương phát biểu tại Hội thảo.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương phát biểu tại Hội thảo.

Tham gia Hội thảo có hơn 220 đại biểu đại diện lãnh đạo các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, các Công đoàn khu công nghiệp, các Công đoàn cơ sở…

Thông tin tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương cho biết: Năm 1989, Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ. Phong trào đã đi được chặng đường 35 năm, đã trở thành nét đẹp, phong trào truyền thống của các thế hệ nữ CNVCLĐ. Phong trào vừa là động lực để chị em phấn đấu, vừa là cơ hội để chị em phát huy tiềm năng, trí tuệ, lao động giỏi, lao động sáng tạo, vươn lên khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện phong trào ở một số Công đoàn còn hình thức, chưa sâu rộng, chưa sát với thực tế. Phong trào tập trung chủ yếu trong nữ CNVCLĐ khối hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, chưa phát triển đồng đều tại doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước; công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào có lúc, có nơi chưa thường xuyên, thiếu chủ động. Hoạt động của Ban Nữ công Công đoàn quần chúng cơ sở một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của phong trào, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng dự thảo Hướng dẫn với mong muốn giải quyết được tồn tại, hạn chế, thúc đẩy phong trào hơn nữa và cụ thể hóa nội dung phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII; cũng như tập hợp đông đảo nữ CNVCLĐ trong mọi khu vực, đặc biệt khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia, thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới LĐLĐ các tỉnh, thành phố và Công đoàn ngành.

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới LĐLĐ các tỉnh, thành phố và Công đoàn ngành.

Góp ý vào Hướng dẫn, bà Phạm Thu Thưởng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ thành phố Hải Phòng đề xuất cần có tiêu chí chung để xét danh hiệu thi đua cho các tập thể và cá nhân. Cụ thể: Danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" được Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở tổ chức bình xét và công nhận. Hằng năm, các tập thể và cá nhân nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bình xét, công nhận danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" phải đăng ký danh hiệu thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” từ đầu năm (hoặc đầu năm học đối với khối Giáo dục) và đạt các tiêu chí thi đua.

Theo bà Thưởng đối với tiêu chí “Giỏi việc nước” nên gồm các tiêu chí như: Chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội quy của doanh nghiệp; quy định của địa phương nơi cư trú; tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào thi đua do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Công đoàn tổ chức, phát động.

Chủ động, tích cực học tập nâng cao kiến thức và kỹ năng cho bản thân và lan tỏa tinh thần học tập đến những người xung quanh. Phát huy tính năng động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với năng suất, chất lượng, hiệu quả; gương mẫu, trách nhiệm, tham gia xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất phát triển toàn diện góp phần vào sự phát triển của địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống văn hóa, thanh lịch, trung thực, cần kiệm tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phù hợp với các quy tắc đạo đức, quy ước, quy định của cộng đồng, địa phương, đơn vị.

Đối với tiêu chí “Đảm việc nhà”, nên gồm các tiêu chí như: Biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống gia đình khoa học; tạo môi trường gia đình bình đẳng, hòa thuận, các thành viên trong gia đình tôn trọng, trách nhiệm, yêu thương, gắn bó, quan tâm giúp đỡ nhau trong cuộc sống; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; có ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và phụ nữ Việt Nam; tích cực rèn luyện để có sức khỏe tốt cả về thể chất và tinh thần; suy nghĩ tích cực, có lối sống lành mạnh; tham gia và vận động những người xung quanh tham gia hoạt động thể dục thể thao, văn hóa - văn nghệ; có kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình…

Thống nhất với việc cần xây dựng và sớm ban hành Hướng dẫn, góp ý kiến tại Hội thảo, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, cần thiết có những nội dung Hướng dẫn như Dự thảo đề cập, vì quá trình triển khai tại cơ sở cho thấy những tiêu chí “Giỏi việc nước”, “đảm việc nhà” ban hành từ những năm 1990, nay cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với đòi hỏi của tình hình mới.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Góp ý cụ thể vào đối tượng và phạm vi của phong trào, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy đề xuất: Hiện nay phong trào mới chủ yếu được triển khai ở những nơi có tổ chức Công đoàn, vậy, có nên xem xét mở rộng đến người lao động ở những doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn.

Về tiêu chí thi đua, theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, cần cụ thể hơn cho từng đối tượng, ví như tiêu chí với nữ là cán bộ cần khác với tiêu chí nữ là công nhân, lao động. Bên cạnh đó, cần tính tới việc đề ra và xét tiêu chí tiên phong, gương mẫu đối với nữ cán bộ Công đoàn…

Tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu nêu tại Hội thảo, lãnh đạo Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết sẽ tập hợp, hoàn thiện để tham mưu cho Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam sớm ban hành Hướng dẫn triển khai phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ sát với những đòi hỏi trong tình hình mới.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ban-hanh-tieu-chi-cu-the-ve-gioi-viec-nuoc-dam-viec-nha-dap-ung-doi-hoi-cua-thoi-ky-moi-179336.html