Trung Quốc tung loạt biện pháp nhằm giải cứu thị trường bất động sản

Dự kiến đến cuối năm 2024, tổng vốn vay phê duyệt cho các dự án 'danh sách trắng' tại Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi, lên hơn 4.000 tỷ nhân dân tệ (561,4 tỷ USD).

Các tòa nhà chung cư ở Hong Kong (Trung Quốc). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các tòa nhà chung cư ở Hong Kong (Trung Quốc). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng tin Tân Hoa Xã ngày 17/10 đã đưa tin về cuộc họp báo của Bộ Nhà ở và Xây dựng Đô thị Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - Ngân hàng Trung ương) và Cục Quản lý và Giám sát Tài chính Nhà nước, trong đó công bố hàng loạt biện pháp nhằm vực dậy và ổn định thị trường bất động sản đang suy thoái.

Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Xây dựng Đô thị Nông thôn, ông Nghê Hồng, cho biết Trung Quốc sẽ sử dụng biện pháp như tiền tái định cư hóa để cải tạo 1 triệu làng đô thị và nhà ở xuống cấp.

Theo thống kê, chỉ riêng 35 thành phố lớn đã có 1,7 triệu làng đô thị cần cải tạo, cùng 500.000 căn nhà xuống cấp trên toàn quốc.

Chính sách này không chỉ giúp người dân có nhà ở phù hợp nhu cầu, rút ngắn hoặc loại bỏ giai đoạn di chuyển giữa các nơi ở, mà còn giảm thiểu rủi ro an toàn, cải thiện môi trường sống.

Bên cạnh đó, các hạn chế mua bán, giới hạn giá, phân loại nhà ở “thông thường” và “không thông thường” cũng sẽ được dỡ bỏ hoặc nới lỏng.

Lãi suất vay quỹ dự phòng nhà ở, tỷ lệ trả trước, lãi suất vay mua nhà hiện tại và thuế “bán cũ mua mới” cũng sẽ được giảm.

Về vấn đề vốn vay dự án, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát Tài chính Nhà nước, ông Tiêu Viễn Doanh nhấn mạnh cần tiếp tục tối ưu hóa và hoàn thiện cơ chế tài chính cho các dự án bất động sản thuộc “danh sách trắng.”

Mọi dự án nhà ở thương mại sẽ được quản lý theo danh sách này, đảm bảo các dự án đủ điều kiện được vay vốn nhanh chóng và hiệu quả.

Dự kiến đến cuối năm 2024, tổng vốn vay phê duyệt cho các dự án “danh sách trắng” sẽ tăng gấp đôi, lên hơn 4.000 tỷ nhân dân tệ (561,4 tỷ USD).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên, ông Lưu Quốc Hồng cho biết Bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính thúc đẩy việc sử dụng trái phiếu chuyên dụng để hỗ trợ chính quyền địa phương thông qua thu mua, tích trữ đất đai nhằm tái sử dụng quỹ đất tồn kho.

Các chính sách hỗ trợ khác như vay vốn chuyên dụng, vay thương mại mua đất tồn kho cũng đang được nghiên cứu.

Việc này vừa giúp giảm quy mô đất tồn kho, điều tiết thị trường, vừa tăng cường tính thanh khoản, hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản đảm bảo tiến độ bàn giao nhà.

“Đất sạch” sau khi thu mua có thể được dùng để bổ sung cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng, cải thiện môi trường sống và hỗ trợ phát triển kinh tế.

Về việc bỏ phân loại nhà ở “thông thường” và “không thông thường,” Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Tống Kỳ Siêu, cho biết Bộ đang khẩn trương nghiên cứu, làm rõ các chính sách thuế liên quan, chủ yếu là thuế VAT và thuế tăng giá đất.

Chính sách này nắm bắt nhịp độ điều tiết bất động sản của các thành phố liên quan và tình hình thu nhập tài chính địa phương, đưa ra những sắp xếp khoa học và hợp lý, trao quyền tự chủ nhất định cho địa phương, duy trì sự ổn định và công bằng của chính sách.

Đồng thời, chính sách sẽ giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và người mua nhà. Bộ Tài chính cho biết đang khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan đến các chính sách cụ thể.

 PBoC thông báo phần lớn lãi suất vay mua nhà sẽ được điều chỉnh vào ngày 25/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)

PBoC thông báo phần lớn lãi suất vay mua nhà sẽ được điều chỉnh vào ngày 25/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phó Thống đốc PBoC, bà Đào Linh, thông báo phần lớn lãi suất vay mua nhà sẽ được điều chỉnh vào ngày 25/10. Tỷ lệ trả trước tối thiểu cho căn nhà thứ hai vẫn cao hơn căn nhà đầu tiên 15%.

Chính sách tái cấp vốn cho nhà ở giá rẻ sẽ được tối ưu hóa. Cùng với các chính sách tài chính khác như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và cắt giảm lãi suất của PBoC, những biện pháp này sẽ củng cố niềm tin và ổn định thị trường.

Nhiều địa phương đã nhanh chóng gỡ bỏ hạn chế mua nhà sau khi các chính sách trên được ban hành. Hiện chỉ còn một số thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và một số khu vực tại Hải Nam duy trì hạn chế này.

Các chuyên gia nhận định các chính sách này không chỉ kích cầu thị trường bất động sản ngắn hạn mà còn tạo động lực cho sự phát triển bền vững, chất lượng cao.

Ông Ngô Cảnh, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu bất động sản Hằng Long thuộc Đại học Thanh Hoa cho rằng, cho rằng việc sử dụng các biện pháp như tiền tái định cư sẽ giúp tiêu thụ nhà ở thương mại, điều tiết cung cầu.

Với diện tích trung bình 100m2/hộ, diện tích cải tạo 1 triệu căn hộ tại các làng đô thị và nhà xuống cấp sẽ vào khoảng 100 triệu m2.

Chuyên gia Lý Vũ Gia Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Nhà ở thuộc Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn tỉnh Quảng Đông nhấn mạnh việc đảm bảo nguồn vốn, tháo gỡ điểm nghẽn tài chính cho các dự án trong “danh sách trắng.”

Biện pháp này sẽ giúp giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp bất động sản, đảm bảo bàn giao nhà và củng cố niềm tin thị trường.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia phân tích kinh tế Vương Thanh nhận định tác dụng của các chính sách ban đầu dần lộ rõ.

Thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực như số lượng xem nhà và tham quan nhà ở nhiều nơi tăng lên đáng kể, doanh số bán hàng tăng ở các mức độ khác nhau, lãi suất thế chấp nhà ở giảm đáng kể, hiện tượng trả nợ trước hạn đã giảm.

Bà Ngu Hiểu Phần, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nhà ở và Bất động sản Trung Quốc, Đại học Công nghiệp Chiết Giang nhận định những biện pháp này có lợi trong việc giảm chi phí mua nhà, thúc đẩy nhu cầu mua nhà.

Từ phản hồi của thị trường hiện tại, các biện pháp trên đã có những ảnh hưởng tích cực và chắc chắn sẽ giúp tạo lộ trình rõ ràng cho các chính sách tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-tung-loat-bien-phap-nham-giai-cuu-thi-truong-bat-dong-san-post986091.vnp