Bản Hiệp định lịch sử và dấu ấn mang tên Hồ Chí Minh

Cho tới nay, tròn 70 năm sau ngày Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được kí kết, các chuyên gia đều đồng nhất nhận định, thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Geneva, không chỉ bởi khát vọng hòa bình cháy bỏng, chủ nghĩa yêu nước anh hùng cùng trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam, là kết tinh thành quả đấu tranh quật cường và bền bỉ của quân và dân ta mà còn nhờ vào đường lối cách mạng đúng đắn và đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, dấu ấn của vị cha già dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức đậm nét.

“Nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng nói chuyện”

Cuối năm 1953, trước những chuyển biến mạnh mẽ trên cục diện chiến trường ở Đông Dương, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 để đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và toàn Đông Dương.

Trên phạm vi quốc tế, từ giữa năm 1953, khi Hiệp định đình chiến tại bán đảo Triều Tiên được ký kết, lúc này xu thế hòa hoãn trên thế giới phát triển mạnh mẽ, các nước lớn muốn giải quyết các xung đột và chiến tranh bằng thương lượng. Ngày 18/2/1954, tại Berlin, Hội nghị ngoại trưởng 4 nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp đã thống nhất triệu tập một hội nghị quốc tế ở Geneve (Thụy Sĩ) để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Cuối tháng 10/1953, Quốc hội Pháp thảo luận về chiến tranh Đông Dương. Nhiều nghị sĩ Pháp đòi Chính phủ đàm phán ngay với Chính phủ của Hồ Chí Minh. Thủ tướng Pháp Lanien phải tuyên bố: “Nếu một giải pháp danh dự xuất hiện trong khung cảnh địa phương hoặc quốc tế, Pháp sẽ vui lòng chấp nhận một giải pháp ngoại giao”.

 Các nhà báo quốc tế tại sân bay Geneve, chờ đợi ghi hình các đoàn đại biểu tới dự Hội nghị. (Ảnh: Tư liệu)

Các nhà báo quốc tế tại sân bay Geneve, chờ đợi ghi hình các đoàn đại biểu tới dự Hội nghị. (Ảnh: Tư liệu)

Ngày 26/11/1953, trả lời phỏng vấn của báo Expreson của (Thụy Điển) về thái độ của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước thông tin “ở Quốc hội Pháp đã chứng tỏ rằng, một số lớn chính trị gia Pháp muốn dàn xếp một cách hòa bình vấn đề xung đột ở Việt Nam bằng cách thương lượng trực tiếp với Chính phủ Việt Nam. Ý nguyện ấy càng rộng khắp trong nhân dân Pháp. Thế thì Cụ và Quý Chính phủ hoan nghênh ý nguyện ấy hay không?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do Chính phủ Pháp gây ra, nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí anh dũng chiến đấu bảy, tám năm nay chống kẻ xâm lược chính để bảo vệ nền độc lập và quyền tự do được sống hòa bình...

Nếu Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó và “cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam”.

Ngay sau bài trả lời phỏng vấn ngày 26/11/1953 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra thông tư nêu rõ: Tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ nguyện vọng hòa bình tha thiết của nhân dân ta, của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới.

Ngày 19/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sẵn sàng nói chuyện”. Chính thiện chí hòa bình của Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một cơ hội đi đến chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

 Hội nghị Geneva năm 1954 về Đông Dương là một thắng lợi của Việt Nam, thể hiện sách lược biết giành thắng lợi từng bước trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. (Nguồn: TTXVN)

Hội nghị Geneva năm 1954 về Đông Dương là một thắng lợi của Việt Nam, thể hiện sách lược biết giành thắng lợi từng bước trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. (Nguồn: TTXVN)

“Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”

Ngày 24/12/1945, Việt Minh, Việt Nam Cách mạng đồng minh và Việt Nam Quốc dân Đảng đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường sự đoàn kết, củng cố mặt trận liên hợp quốc dân để tập trung lực lượng vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Theo thỏa thuận chung, văn bản này không công bố, nhưng Báo Việt Nam - cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc dân Đảng, đã công bố. Trước sự việc trên, phóng viên các báo đã phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong nội dung có câu hỏi: “Cụ cho biết về vấn đề ngoại giao?”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”, thể hiện quan điểm của Người về mối tương quan chặt chẽ giữa hiệu quả của công tác ngoại giao với thế và lực của đất nước.

Quan điểm này của Người đã được minh chứng rõ nét qua sự thay đổi cục diện tại bàn đàm phán tại Geneve cách đây 7 thập kỷ. Bởi trước khi tình hình chiến trường Điện Biên Phủ chưa ngã ngũ, quân Pháp vẫn nuôi hy vọng giành được một thắng lợi về quân sự, nên vẫn giữa thế chần chừ. Chỉ đến đầu tháng 5/1954, khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân viễn chinh Pháp dần dần bị Quân đội nhân dân Việt Nam bao vây, bóp nghẹt, không thể cứu vãn nổi thì thực dân Pháp và các nước đồng minh buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH).

 Ngày 20/7/1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam ký Hiệp định đình chiến tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Ngày 20/7/1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam ký Hiệp định đình chiến tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Và sau một ngày Bộ Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chính thức đầu hàng, Hội nghị Geveve mới thực sự bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng tại Điện Biên Phủ đã tạo thế để phía ta đấu tranh cho một giải pháp toàn diện về mặt chính trị và quân sự cho vấn đề Việt Nam trên bàn đàm phán.

75 ngày đấu trí mềm dẻo, sáng suốt và kiên định để “Ngoại giao ta đã thắng lợi to”

Trong “Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneva thành công” ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, các nước lớn đã phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam gồm độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chính phủ Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam.

Nhưng nhìn vào hành trình 75 ngày thương lượng, đám phán khéo léo, cương quyết nhưng hết sức kiên định, sáng suốt, qua 31 phiên họp (8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp) cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao dồn dập đằng sau các hoạt động công khai, việc ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết là thắng lợi của nền ngoại giao vì hòa bình, hòa hiếu Việt Nam, là trái ngọt của sự mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán.

Ngay từ khi mới tham dự Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: “Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương”.

 Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến Hội nghị Geneva. (Nguồn: Getty Images)

Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến Hội nghị Geneva. (Nguồn: Getty Images)

Và để kiên định được với lập trường này, đoàn ta đã tích cực làm việc, xử lý mềm dẻo với các đoàn Liên Xô, Trung Quốc và Pháp, đã họp báo, gặp gỡ với hàng trăm đoàn thể nhân dân và chính giới Pháp để bày tỏ thiện chí và quyết tâm của ta, tố cáo hành động hiếu chiến và âm mưu phá hoại của các lực lượng thù địch. Các hoạt động này đã góp phần làm cho dư luận Pháp và quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam, buộc Chính phủ Pháp phải chấp nhận phương án về một giải pháp toàn bộ đối với Việt Nam và Đông Dương.

Trên hết, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva là bài học về kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc; là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn kết đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế để tạo nên “một sức mạnh vô địch”; là bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; là bài học về coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, “biết mình”, “biết người”, “biết thời”, “biết thế” để từ đó “biết tiến”, “biết thoái”, “biết cương”, “biết nhu”…

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ban-hiep-dinh-lich-su-va-dau-an-mang-ten-ho-chi-minh-post303891.html