Bản hùng ca Ngã Năm
Những ngày cuối năm 2022, những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia trận đánh Chi khu Ngã Năm (Sóc Trăng) gặp nhau tay bắt mặt mừng, rưng rưng xúc động. Người cán bộ hay anh thanh niên, cô du kích trẻ trung thuở xưa nay lên chức ông bà nhưng khí chất cách mạng vẫn 'nóng hổi' trong tim và ký ức một thời khói lửa tươi nguyên. Vậy là câu chuyện về trận đánh ác liệt năm nào trên mảnh đất hiền hòa có dòng sông chảy về năm ngã được khơi gợi, nhắc nhớ ngày tháng kiên trung vùng lên trong bom đạn quân thù để tìm sự bình yên cho quê hương, đất nước.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Thạnh Trị (nay là thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự lẫn kinh tế. Vì vậy, Mỹ - ngụy thiết lập Chi khu Ngã Năm khá mạnh thuộc hệ thống phòng thủ của Tiểu khu Ba Xuyên để kiểm soát và đàn áp các phong trào cách mạng; đồng thời, là nơi án ngữ tuyến hành lang ra căn cứ U Minh. Chi khu nằm trên vùng đất có 5 nhánh sông tỏa về các hướng: Cà Mau, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Phú Lộc và Rạch Giá. "Mặc dù nhiều lần bị ta tiêu diệt nhưng địch luôn tìm cách tái chiếm lại, tăng cường xây dựng hệ thống đồn bót, lô cốt, tháp canh và hàng rào thép gai dày đặc; đồng thời, tập hợp các phần tử ác ôn trong vùng ra sức lùng sục, đàn áp, thảm sát, bắn giết người vô tội những nơi chúng nghi ngờ có căn cứ của ta" - đồng chí Nguyễn Minh Ở - nguyên Bí thư Huyện ủy Thạnh Trị nhớ lại.
Trước những tội ác của Mỹ - ngụy, nhân dân huyện Thạnh Trị tổ chức hàng trăm cuộc biểu tình chống đàn áp, bắn giết, thảm sát người vô tội. Trong đấu tranh, địch thẳng tay bắt bớ, đánh đập tàn nhẫn khiến nhiều người hy sinh hoặc tàn phế suốt đời. Không khuất phục trước sự đàn áp của chúng, những người con của quê hương Ngã Năm nối tiếp nhau, người này ngã xuống người khác đứng lên, trong đó, không ít cô gái tuổi mười tám, đôi mươi xung phong vào lực lượng du kích địa phương đánh đuổi quân thù. Tiêu biểu như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Nguyệt Hồng, một thời là Đội trưởng Đội du kích Ngã Năm.
Trong ký ức nữ anh hùng Lưu Nguyệt Hồng vẫn vẹn nguyên năm tháng ác liệt hơn nửa thế kỷ trước: "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968 của quân - dân Sóc Trăng giáng cho Mỹ - ngụy một đòn choáng váng. Địch bị thiệt hại nặng và hoang mang. Sau đó, chúng bắt đầu mở các cuộc phản kích và đẩy mạnh đánh phá vùng ven. Chủ trương của ta lúc này là tiếp tục tiến công, đồng thời, đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm giữ vững và mở rộng vùng giải phóng ở nông thôn. Đầu mùa mưa năm 1968, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Sóc Trăng lệnh cho huyện Thạnh Trị tổ chức bao vây, tiêu diệt Chi khu Ngã Năm. Lúc bấy giờ, quân địch đông, lại trang bị nhiều vũ khí hiện đại; trong khi vũ khí, phương tiện của ta ít nên sử dụng chiến thuật bao vây đánh lấn, kiên trì tiêu hao, phá hoại và lấn chiếm từng bước làm địch suy yếu, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn".
Ngày 5/5/1968, ta nổ súng tấn công đồn Cống Đá và Phật Mẫu án ngữ bên ngoài, làm thiệt hại nặng 1 đại đội bảo an từ Chi khu Ngã Năm cứu viện; tiếp đó siết chặt vòng vây tạo thế gọng kìm vững chắc, khiến địch lo sợ không dám ra khỏi đồn. Những ngày đầu, ta pháo kích, bắn tỉa nhằm áp đảo tinh thần binh lính địch, tạo điều kiện cho dân công tập trung xây dựng công sự cho bước tiếp theo. Đồng chí Nguyễn Minh Ở kể: "Trong thời gian ta xây dựng các pháo đài, địch phát hiện liều chết xông ra đánh phá; mặt khác, dùng phi cơ, pháo binh liên tục bắn phá những nơi chúng nghi ngờ ta ẩn náu. Tuy vậy, lực lượng vũ trang huyện Thạnh Trị kiên cường bám trụ, liên tiếp mở các đợt tiến công giành và giữ thế chủ động. Sau khi pháo đài hoàn thành, các chiến sĩ bắn tỉa của ta ngày đêm túc trực, hễ thấy địch xuất hiện là nổ súng tiêu diệt".
Cuối tháng 5/1968, khi thời cơ đến, ta tiến công đồng loạt đánh thẳng vào Chi khu Ngã Năm, tạo thế trận giằng co vô cùng ác liệt. Không được chi viện, địch điên cuồng chống trả trong tuyệt vọng. Gần 30 ngày đêm tổ chức bao vây, quân - dân huyện Thạnh Trị tiêu diệt chi khu quân sự phòng thủ kiên cố bậc nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược và phương tiện quân sự, bộ máy kìm kẹp của địch tan rã.
Đồng chí Trần Văn Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Ngã Năm cho biết, nối tiếp truyền thống, những năm qua, Đảng bộ thị xã Ngã Năm tập trung triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 bùng phát, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở trong sạch, vững mạnh. Chỉ tính riêng năm 2022, Đảng bộ thị xã đã thực hiện đạt và vượt 40/42 chỉ tiêu (trong đó có 25 chỉ tiêu vượt; tăng 7 chỉ tiêu so cùng kỳ) và 2 chỉ tiêu đạt trên 80%. Công tác huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển các trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn được quan tâm, các công trình xây dựng cơ bản diễn ra theo đúng tiến độ, công tác giải ngân vốn đạt yêu cầu chỉ đạo của tỉnh, thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Đặc biệt quan tâm triển khai các giải pháp thu hút, kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án lớn trên địa bàn như: Cụm công nghiệp Ngã Năm, Khu nhà ở thương mại và dịch vụ khóm 3 (phường 1), Dự án Trung tâm thương mại và chợ phường 2, Dự án Trung tâm thương mại phường 1. Các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho gia đình chính sách, người nghèo, các đối tượng khó khăn được triển khai thực hiện kịp thời, đúng quy định, nhất là trong năm thực hiện công tác giảm nghèo vượt chỉ tiêu đề ra; thực hiện hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng 102 căn nhà ở cho hộ nghèo; đẩy mạnh công tác tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, góp phần ổn định, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mảnh đất một thời chìm trong bom đạn giờ thay da đổi thịt. Trên năm nhánh sông hiền hòa, cuộc sống của người dân đang từng ngày khởi sắc. Với những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này thì chiến thắng Chi khu Ngã Năm 1968 mãi được nhắc đến như một khúc ca hùng tráng được viết nên bằng sự anh dũng, mưu trí và lòng quả cảm.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thi-xa-nga-nam/ban-hung-ca-nga-nam-64771.html