Bàn kế sách phát triển năng lượng sạch

Theo thống kê, tại Hà Tĩnh hiện có 94 chủ đầu tư sử dụng điện mặt trời mái nhà vào việc sinh hoạt với tổng công suất gần 600 kWp.

Sáng 25/8, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh Gren ID tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đột phá để phục hồi và phát triển xanh vì cuộc sống an lành”. Đây là hoạt động hưởng ứng Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2020.

Đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Tọa đàm nhằm mục tiêu cập nhật tiến bộ về chuyển dịch năng lượng sạch trên thế giới và Việt Nam; thảo luận các thách thức và rào cản cho phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam và các địa phương; nhấn mạnh lợi thế, cơ hội, lợi ích của phát triển năng lượng bền vững đối với đảm bảo an ninh năng lượng, thu hút đầu tư, tạo việc làm, phục hồi và tăng trưởng kinh tế xanh; đề ra giải pháp, sáng kiến để thúc đẩy năng lượng sạch.

Trong buổi sáng 25/8, tọa đàm tập trung nghe và thảo luận chuyên đề: “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam” bao gồm các nội dung: Hiện trạng, định hướng và các chính sách ưu đãi cho điện mặt trời mái nhà; thảo luận chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà; giải pháp khơi thông dòng tài chính cho điện mặt trời mái nhà …

Lĩnh vực điện mặt trời đang có những bước phát triển mạnh ở Hà Tĩnh (Trong ảnh: mô hình điện mặt trời công suất 2MWp tại huyện Hương Sơn).

Trong các buổi tiếp theo, tọa đàm sẽ tiếp tục thảo luận về các nội dung: Chuyển dịch năng lượng công bằng qua thúc đẩy phát triển điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp và điện mặt trời nổi; năng lượng tái tạo - ngành nghề của hiện tại; chuyển dịch năng lượng sạch: Xu thế toàn cầu và hành động địa phương; phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam cần đột phá gì?...

Theo Sở Công thương, tại Hà Tĩnh, hiện tại cơ quan chức năng đang tiến hành đo gió tại huyện Kỳ Anh để thu hút các dự án đầu tư điện gió. Hiện Hà Tĩnh có dự án điện mặt trời 50MW tại xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên; một số dự án điện mặt trời khác ở Cẩm Xuyên và Hương Sơn hiện đang trình Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch.

Thống kê của Điện lực Hà Tĩnh, đến hết tháng 6/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 120 chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà với tổng công suất đấu nối 8,28 MWp, phát trên lưới điện của EVN từ đầu năm đến nay là 2,3 triệu kWh. Trong đó có 94 chủ đầu tư sử dụng điện mặt trời mái nhà vào việc sinh hoạt với tổng công suất gần 600 kWp.

Dương Chiến

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/khoa-hoc/ban-ke-sach-phat-trien-nang-luong-sach/197563.htm