Băn khoăn đề xuất cấm bán bảo hiểm qua ngân hàng
Đề xuất cấm ngân hàng liên kết với các công ty bảo hiểm vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp ngành bảo hiểm cũng như giới luật sư.
Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng là xu thế tất yếu trên thị trường tài chính
Tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chiều 23/11/2023, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã đề nghị bổ sung quy định “không cho phép tổ chức tín dụng liên kết với các công ty bảo hiểm, để giao cho nhân viên ngân hàng vận động khách hàng mua bảo hiểm”, nhằm tránh những trường hợp gây bức xúc cho khách hàng như thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) thì đề nghị cần phải luật hóa, xử lý hành vi ép người dân mua bảo hiểm khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều người dân. Ghi nhận của người viết, trên một số diễn đàn mạng xã hội, một số ý kiến đòi “xóa bỏ bán hình thức bán bảo hiểm qua ngân hàng”.
Tuy vậy, đề xuất này nhanh chóng có thêm nhiều bình luận từ các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như giới chuyên gia pháp lý. Không ít ý kiến cho rằng, pháp luật không nên cấm ngân hàng phân phối sản phẩm bảo hiểm, bởi thực tế, khách hàng vẫn có nhu cầu mua bảo hiểm qua ngân hàng và đây là xu thế phát triển mạnh mẽ trên thế giới.
Lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhấn mạnh, “nếu đề xuất trên được tiếp thu, đưa vào luật thì Việt Nam sẽ là quốc gia duy nhất đưa ra lệnh cấm ngân hàng liên kết với bảo hiểm”.
Ông Đặng Đình Chính, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo hiểm ITmedia Việt Nam đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Nếu cấm ngân hàng phân phối bảo hiểm thì các hợp đồng khung hợp tác đã ký liên kết giữa ngân hàng với công ty bảo hiểm, nhất là các hợp đồng độc quyền khủng sẽ được giải quyết thế nào? Các công ty bảo hiểm do ngân hàng sinh ra như MB, BIDV... sẽ ra sao? Nếu cấm thì điều này có ngược với các quy định của nhà nước về quyền tự do trong đầu tư kinh doanh không?”.
Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn Luật sư Hà Nội, “đề xuất cấm ngân hàng bán bảo hiểm chả khác nào chữa cháy nhầm lẫn”.
Luật sư Phạm Thị Giang, Phòng Tư vấn - Tranh tụng, Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam nêu quan điểm, không phải cứ cái gì không quản được thì cấm. Thay vào đó, cần xây dựng hệ thống pháp luật, các tiêu chí, quy trình, quy định nội bộ để hoạt động liên kết giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm phát triển lành mạnh, mang lại lợi ích cho cả phía ngân hàng, công ty bảo hiểm và khách hàng.
“Người dân, khách hàng mua bảo hiểm cũng cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về sản phẩm tài chính, về pháp luật, để tránh rơi tình huống “nhầm lẫn” sản phẩm tiết kiệm với bảo hiểm nhân thọ”, luật sư Phạm Thị Giang thẳng thắn khuyến nghị.
Trong khi đó, chị Nguyễn Minh Loan, phụ trách kênh bán liên kết bán bảo hiểm của một ngân hàng lớn cho rằng: “Thay vì cấm, cần đưa ra các quy định nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán để người dân dần hiểu về lợi ích của sản phẩm bảo hiểm và tự tìm đến bảo hiểm để lựa chọn sản phẩm phù hợp, chứ không tập trung chào mời như lâu nay vẫn làm”.
Ghi nhận ý kiến từ nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm, hiện hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đã cơ bản hoàn thiện, vấn đề nằm ở quá trình triển khai và giám sát tại từng ngân hàng, công ty bảo hiểm.