Băn khoăn hoạt động trải nghiệm học sinh

Trải nghiệm học tập đang ngày được nhiều trường thực hiện với mong muốn giúp học sinh được tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử và rèn luyện các kỹ năng tập thể, tích lũy các kinh nghiệm. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này lại đang có những ý kiến trái chiều.

Những ngày này trên các khu phố gần Văn miếu Quốc Tử giám và Hoàng Diệu, Hùng Vương, Ngọc Hà thường xuyên đông đúc bởi các xe khách chở học sinh từ các trường tiểu học đi tham quan các di tích, thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội.

Hiện xung quanh hoạt động trải nghiệm đang có những ý kiến trái chiều.

Hiện xung quanh hoạt động trải nghiệm đang có những ý kiến trái chiều.

Theo lời của nhiều phụ huynh học sinh, khi nhà trường phát động phong trào trải nghiệm, đa số phụ huynh đều đồng ý đóng góp để con em mình tham gia bởi không muốn trẻ cảm giác lạc lõng so với bạn bè.

Một trường tiểu học trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội cũng vừa tổ chức chuyến đi tham quan và xem biểu diễn xiếc trên địa bàn với chi phí hơn 200.000 đồng/học sinh.

Tỷ lệ học sinh tham gia cũng đạt gần con số tuyệt đối, đủ để thấy sự nhiệt tình hưởng ứng của phụ huynh học sinh với các hoạt động trải nghiệm.

Tuy nhiên, vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường tiểu học Kim Giang, Hà Nội khiến hơn 70 học sinh nhập viện cùng với thông tin giáo viên được hưởng lợi 10.000 đồng/học sinh khi tham gia hoạt động trải nghiệm khiến dư luận băn khoăn.

Thực tế cũng cho thấy, những chuyến đi trải nghiệm thực tế đem lại nhiều ý nghĩa cho lứa tuổi học trò, ít nhiều cho các em những bài học bổ ích lý thú.

Vấn đề hiện tại, đó là việc thực hiện ở các nhà trường vẫn đang mang tính chất tự phát, chưa có một hướng dẫn, một quy định chung nên việc phụ huynh băn khoăn, lo lắng là hoàn toàn có cơ sở.

Chưa kể, việc thực hiện, chủ yếu là do nhà trường phối hợp với một công ty du lịch hoặc một đơn vị tổ chức sự kiện nên khó thẩm định về chất lượng tour - tuyến.

Trong khi đó, số lượng học sinh tham gia một chương trình lại rất đông, lên đến hàng trăm học sinh và khó quản lý.

Việc tổ chức cũng cần phải triển khai theo tinh thần tự nguyện để tránh áp lực cho phụ huynh, học sinh, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Qua tìm hiểu phóng viên được biết, hoạt động trải nghiệm theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 không bắt buộc tổ chức ngoài khuôn viên trường học.

Thay vào đó, các trường có thể tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ.

Đối với hoạt động trải nghiệm tổ chức ngoài nhà trường, có tiến hành thu phí, ban giám hiệu cần bàn bạc cụ thể với phụ huynh, tổ chức đăng ký trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc tất cả học sinh tham gia.

Học sinh nào không tham gia thì cơ sở giáo dục xây dựng phương án học tập tương đương cho học sinh, có kiểm tra, đánh giá bằng hình thức thay thế.

Khi được hỏi về hoạt động trải nghiệm của học sinh tại địa phương, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, Sở sẽ sớm có văn bản về việc tổ chức trải nghiệm cho học sinh ở các nhà trường.

Tuy nhiên, quan điểm của Sở đó là không tổ chức cho học sinh đi dài ngày với chi phí lớn. Việc tham quan trải nghiệm phải gắn với địa chỉ đỏ, trong tỉnh và các địa điểm gần nhà trường

Tại Hà Nội, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục cho rằng, cần tách bạch giữa hoạt động trải nghiệm liên quan tới môn học và trải nghiệm tự nguyện.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho rằng điểm khác biệt giữa hoạt động ngoại khóa, tham quan dã ngoại với học chuyên đề hoặc trải nghiệm theo chủ đề cụ thể là giáo viên phụ trách phải xác định nội dung kiến thức, năng lực, kỹ năng cần đạt và giao nhiệm vụ cho học sinh một cách cụ thể trước, trong và sau khi đi trải nghiệm.

Bên cạnh đó, học sinh phải báo cáo kết quả, sản phẩm học tập sau khi trải nghiệm. “Nếu chỉ là tham quan, dã ngoại có thu phí thì nên theo nguyên tắc tự nguyện. Hai việc này cần phải tách bạch rõ ràng”, cô Nhiếp nói.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, hoạt động trải nghiệm không phải là một môn học riêng biệt mà là hoạt động giáo dục được gắn liền và đan xen với các môn học trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ở đó học sinh sẽ được thực hành, trải nghiệm các kiến thức đã học vào thực tế và qua thực tế sẽ rèn luyện, bổ sung, củng cố thêm kiến thức. Hoạt động trải nghiệm có vai trò quyết định trong việc hình thành năng lực, phẩm chất học sinh.

Hoạt động trải nghiệm phải có chủ đề nhất định và hướng tới một sản phẩn cụ thể mà ở đó học sinh phải hành động.

Khi tham gia trải nghiệm, học sinh phải tìm hiểu, phải nghe, nói, viết, hợp tác với thầy cô, bạn bè, người xung quanh, từ đó sẽ hình thành nhiều kỹ năng cần thiết mà nếu chỉ dạy trên lớp không thể có được.

Muốn thiết kế hoạt động trải nghiệm thực sự có giá trị, theo ông Nguyễn Xuân Thành, yêu cầu cao nhất nhà trường phải xây dựng kế hoạch bài bản với các chủ đề phù hợp nội dung học tập và phải yêu cầu học sinh xác định rõ nhiệm vụ cần thực hiện trước khi tham gia trải nghiệm.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, tham quan, dã ngoại chỉ là một trong nhiều hình thức hoạt động trải nghiệm.

Để hoạt động trải nghiệm thực sự mang lại hiệu quả, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên cần nhận thức đúng về bản chất của hoạt động này.

Giáo viên bộ môn có trách nhiệm xây dựng chủ đề và nhà trường có trách nhiệm xây dựng, tổng hợp thành chuỗi chủ đề hoạt động tích hợp liên môn, phù hợp với chương trình và có thể huy động đội ngũ chuyên gia cùng nguồn lực xã hội hóa để hoạt động trải nghiệm đạt hiệu quả cao.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ban-khoan-hoat-dong-trai-nghiem-hoc-sinh-d188303.html