Băn khoăn lệ phí giữ chỗ
Tại Hà Nội, việc phải nộp lệ phí giữ chỗ vào lớp 10 trường tư thục đã diễn ra nhiều năm nay, gây bức xúc trong dư luận.
Lệ phí không ngừng tăng
Cuộc đua vào lớp 10 công lập ở Hà Nội nhiều năm nay luôn có tỷ lệ cạnh tranh cao. Để giúp con có thêm phương án dự phòng, không ít phụ huynh chấp nhận bỏ ra khoản tiền để giữ một suất học ở trường THPT ngoài công lập. Tuy nhiên, phí “giữ chỗ”, ghi danh ngày càng đẩy lên cao.
Theo thông báo của Trường THCS - THPT Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm), mức phí nhập học là 5,9 triệu đồng. Trường không trả lại phí này nếu học sinh rút hồ sơ chuyển đi trường khác. Tuy nhiên, nhà trường cũng lưu ý phụ huynh cân nhắc kỹ, chỉ khi chắc chắn mới làm thủ tục nhập học.
Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy) thông báo phí nhập học với học sinh vào lớp 10 là 15 triệu đồng. Phụ huynh nộp phí nhập học một lần/cấp học và khoản này không được chuyển nhượng, hoàn trả trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, phí nhập học sẽ được nhà trường đối trừ với các khoản thu trong năm học.
Lập kỷ lục về phí giữ chỗ trong mùa tuyển sinh năm nay là Trường THPT Archimedes Academy (huyện Đông Anh) khi có phí nhập học lên tới 23 triệu đồng, gần bằng 3 tháng học phí của trường. Khoản phí này không được hoàn trả, chuyển nhượng dưới mọi hình thức.
Theo lãnh đạo các trường, đặt ra yêu cầu này nhằm hạn chế tỷ lệ hồ sơ ảo, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh, đồng thời để các gia đình cân nhắc, có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình. Nếu học sinh nhập học, trường sẽ khấu trừ vào các chi phí. Nếu bỏ, tùy trường, phụ huynh có thể nhận lại hoặc không.
Chị Nguyễn Thanh Hằng - phụ huynh học sinh Trường THCS Cát Linh (quận Đống Đa) cho biết, cách đây 7 năm, con lớn thi vào lớp 10, không mấy người biết đến khái niệm giữ chỗ. Thời điểm đó, học sinh hoàn thành kỳ thi, thậm chí đến khi biết điểm thi không đủ vào lớp 10 trường công lập, các gia đình mới tính phương án tìm chỗ học ở các loại hình trường khác.
“Tuy nhiên, năm nay, con thứ hai chuẩn bị thi vào lớp 10, ngay sau Tết Nguyên đán, trên các hội nhóm đã rục rịch truyền nhau kinh nghiệm “canh” thời gian các trường tư thục mở cổng đăng ký tuyển sinh và khẩn trương đặt cọc để có một suất, nếu chậm chân sẽ không còn”, chị Hằng chia sẻ.
Tiền giữ chỗ đi đâu?
Thực tế cho thấy, phí đặt cọc, giữ chỗ là khoản thu mang tính thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường trên nguyên tắc tự nguyện, công khai và đã tồn tại nhiều năm. Đây thực chất là phí cơ hội nếu phụ huynh muốn con có chỗ học như ý hoặc thêm phương án dự phòng trong trường hợp không đỗ vào lớp 10 THPT công lập.
Tuy nhiên, trước tình trạng phí giữ chỗ được một số trường đẩy lên cao trong năm học 2024 - 2025, nhiều ý kiến cho rằng, các trường tư thục hoạt động theo cơ chế tự chủ, được quyền đưa ra mức phí giữ chỗ nhưng phải phù hợp. Nếu loại phí này chưa có trong quy định thì cơ quan quản lý cần nghiên cứu để đưa vào.
Để chấn chỉnh, đầu tháng 3/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản yêu cầu các trường nghiêm túc thực hiện công tác tuyển sinh, không được yêu cầu cha mẹ học sinh nộp tiền “giữ chỗ” hay bất cứ khoản thu nào khác không đúng quy định, gây khó khăn, bức xúc.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, môi trường giáo dục có đặc thù riêng, trong đó cần có tính nhân văn. Dù các trường hoạt động tự chủ, nhưng cần trên tinh thần nhân văn, chia sẻ để xây dựng mức phí phù hợp, đặc biệt trong điều kiện nhiều gia đình còn khó khăn về tài chính.
“Phí giữ chỗ hiện nay là sự nhức nhối, dư luận xã hội phản ánh nhiều. Khoản tiền này được chi phối bởi các hợp đồng dân sự, thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh nhà trường. Nhưng điều này không phù hợp với môi trường giáo dục. Nếu học sinh nhập học thì khấu trừ vào học phí, còn không sẽ không được hoàn lại. Vậy tiền đấy ai hưởng?”, ông Cương nói.
Theo chia sẻ của đại diện ban giám hiệu một số trường tư thục, các trường không có khoản tiền “giữ chỗ”, đây là khoản phí dự tuyển hoặc xét tuyển, được nhà trường công bố công khai. Khoản phí này sẽ được khấu trừ nếu học sinh theo học tại trường và không được hoàn trả nếu học sinh không theo học. Thông tin này được các trường nêu rõ trong thông báo, phụ huynh thực hiện theo tinh thần tự nguyện.
Ông Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, trường tư muốn ổn định tuyển sinh, hạn chế thí sinh ảo nên đưa ra phí đặt cọc. Phụ huynh cần chia sẻ với nhà trường nhưng ngược lại, nhà trường cần thông cảm với phụ huynh, cần đưa ra mức thu phù hợp tình hình kinh tế nói chung.
Hiện khoản phí này chưa có trong quy định, mà do thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Do đó, cần sự vào cuộc có trách nhiệm của Sở GD&ĐT Hà Nội trong công tác quản lý Nhà nước đối với các nhà trường và vì quyền lợi người học.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, ngành Giáo dục nên đưa ra mức phí tối đa mà các trường được phép thu, tránh trường hợp thu quá cao, gây thiệt thòi về phía phụ huynh, học sinh. Bên cạnh đó, phụ huynh cần tránh tâm lý lo lắng thái quá, dẫn đến việc đặt cọc tràn lan vào trường, gây lãng phí.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ban-khoan-le-phi-giu-cho-post677720.html