Băn khoăn Luật Giáo dục đại học đi vào thực tiễn

Ngày 1-7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (gọi tắt là Luật số 34) chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, đến nay nghị định hướng dẫn thi hành vẫn chưa có và cũng chưa biết chính xác khi nào được ban hành.

Trong khi đó, các cơ sở giáo dục đại học đang đứng trước tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì luật cũ đã hết hiệu lực, còn luật mới chưa thể áp dụng.

Nhiều khái niệm chưa rõ

Theo dự thảo mới nhất của nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật số 34, nhiều trường đại học (ĐH) cho rằng có nhiều khái niệm, cụm từ khá mơ hồ và khó hiểu. Hiệu trưởng một trường ĐH tại TPHCM băn khoăn: “Bản dự thảo này xuất hiện cụm từ “Cơ quan trực tiếp quản lý”.

Trước đó đã có nhiều góp ý rằng Luật Giáo dục ĐH năm 2012 có xác định thẩm quyền của cơ quan chủ quản, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2013 cũng có nói đến thẩm quyền của cơ quan chủ quản và sau đó là Nghị quyết TW 19. Nhưng nay Luật số 34 không còn dùng từ cơ quan chủ quản mà dùng từ “Cơ quan quản lý có thẩm quyền”.

Vậy cần phải làm rõ cơ quan quản lý có thẩm quyền là ai? Đó là chính quyền địa phương hay cơ quan quản lý nhà nước nào?”. Cũng theo vị hiệu trưởng trên, rõ ràng Luật số 34 không muốn nói đến cơ quan chủ quản nữa. Bởi muốn xác định thẩm quyền cơ quan chủ quản như Luật Giáo dục ĐH năm 2012, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2013 thì dùng đúng cụm từ “cơ quan chủ quản”.

Nghiên cứu sinh đang nghiên cứu tại Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM.

Nghiên cứu sinh đang nghiên cứu tại Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM.

Không dùng cụm từ này, có nghĩa luật muốn nói rằng cơ quan quản lý có thẩm quyền không còn là cơ quan chủ quản. Theo ghi nhận, đến nay ban soạn thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật số 34 vẫn bảo lưu sử dụng cụm từ “cơ quan trực tiếp quản lý”. Vậy cơ quan trực tiếp quản lý ai? Có phải ban soạn thảo muốn né tránh để đưa cụm từ này vào nội dung nghị định nhằm không vi phạm tinh thần Nghị quyết TW 19.

Một số nội dung khác quy định tại Điều 4 của Luật số 34 cũng mập mờ. Chẳng hạn, một trong những quy định chuyển thành ĐH và thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục ĐH phải có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người. “Không rõ quy mô đào tạo chính quy 15.000 người là ai?

Là sinh viên, học viên hay nghiên cứu sinh”, một chuyên gia giáo dục thắc mắc. Hơn nữa, quy định “có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường ĐH tư thục...” cũng không rõ ràng vì hiện nay trường ĐH tư thục gồm ĐH tư thục vì lợi nhuận và ĐH tư thục phi lợi nhuận. Hay như quy định “có ý kiến chấp thuận của cơ quan trực tiếp quản lý đối với trường ĐH công lập” cũng không rõ, vì cơ quan trực tiếp quản lý là ai?.

Vẫn còn nhiều tranh cãi

TS Trần Thế Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho hay tại hội nghị trực tuyến hôm 18-7 do Bộ GD-ĐT chủ trì, đã có rất nhiều ý kiến băn khoăn về việc chờ Nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 34.

“Phải có nghị định hướng dẫn thi hành luật, đồng thời nghị định cho các trường thí điểm tự chủ hoàn toàn thì chúng tôi mới biết hướng thực hiện và áp dụng như thế nào. Ví dụ như về cơ cấu, kiện toàn hội đồng trường (HĐT) như thế nào, bao nhiêu phần trăm người trong trường, bao nhiêu phần trăm ngoài trường...”, TS Trần Thế Hoàng băn khoăn.

GS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cũng cho rằng vấn đề cốt lõi và nổi bật nhất của Luật số 34 là tự chủ. Tuy nhiên, cách thực hiện và thực thi cần phải rõ ràng, minh bạch thì mới phát huy hết được tinh thần tự chủ.

Đơn cử như cùng một vấn đề mà Bộ GD-ĐT có 2 cách trả lời và giải thích khác nhau: Trả lời Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam về nội dung Khoản 12, Điều 1 Luật số 34, Bộ GD-ĐT cho rằng quy định về bổ nhiệm hiệu trưởng: “Nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH do HĐT quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của HĐT”.

Nghĩa là HĐT được quyền quyết định nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm hiệu trưởng, giám đốc (gọi chung là hiệu trưởng) trong phạm vi nhiệm kỳ của HĐT. Theo đó, trong phạm vi nhiệm kỳ 5 năm của HĐT có thể diễn ra một hoặc nhiều hơn một lần bổ nhiệm hoặc tái bổ nhiệm đối với một hoặc nhiều hơn một người đủ tiêu chuẩn để làm hiệu trưởng, tùy theo cách mà HĐT lựa chọn, phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trả lời Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Bộ GD-ĐT cho rằng: HĐT được quyền quyết định nhiệm kỳ hoặc thời gian bổ nhiệm hiệu trưởng. Số nhiệm kỳ của chủ tịch HĐT được quy định trong quy chế hoạt động của trường.

Việc xác định nhiệm kỳ, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và thực hiện công nhận thành viên, chủ tịch HĐT, quyết định nhân sự hiệu trưởng đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập được thực hiện trên cơ sở Luật số 34, các quy định của Đảng và các cơ quan có thẩm quyền...

PGS-TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cho biết: “Hiện chúng tôi đang cùng Bộ GD-ĐT tập trung trao đổi lại nhiều nội dung trong dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 34 trước khi trình Chính phủ. Có nhiều nội dung còn tranh cãi gay gắt, cần phải cân nhắc kỹ trước khi đưa vào nghị định hướng dẫn thi hành. Trong đó có những nội dung về vấn đề tự chủ, quản lý, tổ chức nhân sự và tự chủ chương trình đào tạo. Tuy nhiên, khi nào trình Chính phủ thì chúng tôi cũng chưa thể nói trước được”.

THANH HÙNG

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/ban-khoan-luat-giao-duc-dai-hoc-di-vao-thuc-tien-70930.html