Người thầy và lòng tri ân
20 tháng 11 - ngày nhà giáo Việt Nam là dịp đặc biệt để tất cả chúng ta dành những lời tri ân sâu sắc đến các thầy giáo, cô giáo, những người đã âm thầm cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp trồng người.
Xin tri ân thầy cô giáo, những người đã tận tâm trong sự nghiệp "trồng người". Ảnh: THANH TÙNG
Thầy giáo, cô giáo gọi chung là người thầy - đưa từng hạt giống tri thức, gieo vào tâm hồn học trò những giá trị sống, những bài học về nhân cách và đạo đức. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người thầy vẫn luôn giữ vững ngọn lửa yêu nghề, nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục.
Trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang đã vượt qua không ít khó khăn để gặt hái được những thành quả đáng tự hào. Đến nay, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường ở bậc tiểu học của tỉnh đạt 99,92%, trung học cơ sở 93,14%, trung học phổ thông 67,11%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 52,05%. Tỷ lệ trẻ em 3-4 tuổi vào mẫu giáo đạt 70,63%, riêng trẻ em 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,58%. Ngành giáo dục không ngừng cải thiện cơ sở vật chất, trong đó đã xây dựng mới 161 phòng học, nâng tổng số phòng học toàn tỉnh lên 10.205 phòng. Cơ sở vật chất học đường được đầu tư phát triển tốt đã giảm điểm lẻ, tăng quy mô trường lớp.
Để có những thành tựu trên, công lao của những người thầy là vô cùng lớn lao. Mỗi con số thành công là sự đổ mồ hôi cùng biết bao công sức và tình yêu thương mà người thầy dành cho học trò. Dù ở thành phố hay vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những nơi còn thiếu thốn cả về cơ sở vật chất phục vụ dạy học và đội ngũ giáo viên, người thầy vẫn bám lớp, bám trường, tận tâm với công việc. Các thầy, cô giáo không ngừng tìm cách khắc phục khó khăn, đổi mới phương pháp giảng dạy để mỗi giờ học đều có có ý nghĩa, chất lượng giúp học sinh tiếp thu tốt con chữ, học làm người.
Trong tâm thức của bao thế hệ học sinh, hình ảnh người thầy luôn hiện đầy trang trọng. Những lời giảng ân cần, những chỉ dẫn tận tình, những đêm thức trắng chấm bài cho học trò luôn trong ký ức. Câu ca dao “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” không chỉ là lời nhắc nhở về đạo lý tôn sư trọng đạo, mà còn là lời tri ân sâu sắc đối với người thầy. Với nhiều tâm sức, trí tuệ, sự kiên nhẫn vượt trội, thầy cô giáo đã giáo dục hình thành nên những thế hệ học trò có phẩm hạnh, có tri thức, để mỗi chúng ta tiếp bước trên con đường đời, đóng góp cho xã hội.
Trong một tỉnh rộng lớn như Kiên Giang, việc giáo dục học sinh ở những vùng sâu, vùng xa vẫn là một thử thách lớn. Các thầy cô nơi đây không chỉ giảng dạy, mà còn phải tìm cách tốt nhất để đưa con chữ đến với học sinh. Các thầy cô là những người lặng lẽ đứng sau thành công của mỗi học sinh, là người chắp cánh cho ước mơ của bao thế hệ bay cao, bay xa. Cũng từ đó Kiên Giang tiếp tục có những con số đầy ấn tượng: có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào đạt 70,59%. Từ năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 1 trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, mang tên Trường Đại học Kiên Giang. Đến nay trường đã và đang đào tạo 20 ngành, với trên 8.000 sinh viên thuộc các hệ đào tào.
Thế nhưng, giáo dục Kiên Giang vẫn còn đó những khó khăn, thử thách. Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp. Tỉnh vẫn còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, nhất là ở các thị trấn, thành phố. Tình trạng quá tải học sinh ở các trường mẫu giáo, mầm non; việc thiếu biên chế kéo dài liên tục trong nhiều năm chưa có giải pháp khắc phục; nhiều cơ sở giáo dục mầm non phải hợp đồng giáo viên nhưng cũng chỉ đảm bảo tỷ lệ 1 giáo viên cho một lớp dạy 2 buổi/ngày.
Tuy nhiên, chính những khó khăn ấy lại làm nổi bật lên tinh thần vượt khó, tinh thần trách nhiệm của những người thầy. Dù đối diện với bao thử thách, các thầy giáo, cô giáo vẫn không ngừng phấn đấu, vẫn tận tâm với sự nghiệp trồng người.
Ngày 20 tháng 11 không chỉ là dịp để học trò tri ân thầy cô, mà còn là lúc để xã hội cùng nhìn nhận lại vai trò vô cùng quan trọng của người thầy trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Giáo dục không thể chỉ là công việc của thầy cô, mà cần sự chung tay của cả cộng đồng. Chúng ta cần tạo ra một môi trường tốt nhất để thầy cô phát huy hết khả năng, giúp học sinh trưởng thành toàn diện. Chính quyền, các cơ quan chức năng, xã hội cần có những chính sách cụ thể để chăm lo đời sống của đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học. Bởi lẽ, giáo dục chính là nền tảng vững chắc để xã hội phát triển và người thầy là người dẫn đường quan trọng trên con đường ấy.
Câu tục ngữ “Tôn sư trọng đạo” mãi mãi là kim chỉ nam cho tất cả chúng ta. Đó là lời nhắc nhở của thế hệ đi trước, đồng thời là lời kêu gọi sự tri ân đối với những người thầy, người cô, những người đã góp phần xây dựng những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Trong ngày đặc biệt này, hãy cùng nhau nhớ về những hy sinh thầm lặng của người thầy, để lòng tri ân không chỉ dừng lại ở lời nói mà còn được thể hiện qua hành động cụ thể.
Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/xa-luan/nguoi-thay-va-long-tri-an-23195.html