Băn khoăn phát triển điện mặt trời nổi
Với gần 7.000 hồ chứa thủy lợi và nguồn bức xạ được đánh giá là cao hàng đầu thế giới, Việt Nam có tiềm năng rất lớn cho điện mặt trời nổi. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển bền vững nguồn năng lượng này vẫn là vấn đề nan giải.
Bài học từ… nước sạch sông Đà
Lấy dẫn chứng về vụ việc nguồn nước sông Đà bị nhiễm dầu ảnh hưởng đến đời sống của 250.000 hộ dân Thủ đô, GS.TSKH Phạm Hồng Giang – Chủ tịch Hội Đập lớn và an toàn nguồn nước Việt Nam cho rằng, thành phần chế tạo pin mặt trời có chứa than chì. Nếu không kiểm soát tốt, khi xảy ra thiên tai hoặc sự cố môi trường, than chì bị phát tán vào nguồn nước hồ chứa phục vụ mục tiêu cấp nước sinh hoạt thì sẽ rất nguy hiểm. GS.TSKH Phạm Hồng Giang cũng nhấn mạnh, chỉ 10m3 dầu thải bị phát tán vào hồ chứa nước, nhưng đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể làm rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan. Nếu hệ thống điện mặt trời nổi gặp sự cố khiến chất lượng nước suy giảm thì sẽ quy trách nhiệm cho ai?
Từ kinh nghiệm triển khai nhiều dự án điện mặt trời nổi, chúng tôi khuyến nghị các công trình không nên xây dựng quá 50% diện tích mặt nước. Cùng với đánh giá tác động môi trường, các dự án cần giám sát thường xuyên chất lượng nước sau khi đưa vào hoạt động, nhất là đối với các hồ cấp nước sinh hoạt.
Giám đốc Khu vực châu Á Công ty Ciel & Terre Harold Meurisse
Một số DN lĩnh vực năng lượng cho biết, có thể thau rửa pin mặt trời bằng… nước sạch. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học lại cho rằng, thực tế, phải dùng hóa chất mới có thể làm sạch được pin mặt trời. Và điều này có thể khiến nguồn nước hồ chứa bị ảnh hưởng, tác động xấu đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh an toàn nguồn nước, lãnh đạo một số tỉnh, TP cũng bày tỏ lo ngại về môi sinh và sinh kế của người dân. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa Đặng Tiến Dũng băn khoăn, địa phương có 610 hồ chứa thủy lợi. Nếu giao cho DN thì hồ nào có thể giao, hồ nào không giao được, bởi phần lớn các hồ chứa đều đang làm nhiệm vụ cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất. Sinh kế của nhiều người dân sẽ bị ảnh hưởng.
Tạm dừng dự án, chờ hướng dẫn
Theo thống kê, đến nay, cả nước mới có 2 dự án điện mặt trời nổi tại hồ Đa Mi (Bình Thuận) và hồ Dầu Tiếng (Bình Dương). Ngoài ra, còn có một số dự án đang triển khai tại hồ Trị An (Đồng Nai), hồ Se San 4 (Gia Lai).
Dù vẫn còn một số vấn đề quan ngại, tuy nhiên, nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chỉ ra, điện mặt trời nổi có tiềm năng rất lớn. Nếu chỉ tận dụng đất bán ngập và diện tích mặt nước xung quanh các hồ chứa thì tổng điện năng có thể sản sinh đã đạt tới 15.000MWp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, điện mặt trời nổi sẽ đáp ứng nguồn cung điện năng ngày một tăng, nhưng muốn phát triển bền vững, cần làm rõ 3 yếu tố: Diện tích, khu vực và công nghệ áp dụng. Nhưng để trả lời chính xác 3 vấn đề trên thì cần có nghiên cứu chuyên sâu, vì trên thế giới hiện chưa có tài liệu đánh giá nào.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Tổng cục Thủy lợi phải xây dựng hướng dẫn (hoặc khuyến cáo), tạo cơ sở để thu hút đầu tư, triển khai các dự án điện mặt trời nổi. Cùng với đó là nghiên cứu, ban hành quy trình giám sát vận hành các hồ chứa có các dự án điện mặt trời nổi xong trong quý I/2020.
Lưu ý vấn đề “không đánh đổi môi sinh bằng mọi giá”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khuyến cáo các tỉnh, TP tạm dừng cấp phép mới cho các dự án điện mặt trời nổi để chờ hướng dẫn của Tổng cục Thủy lợi. Hướng dẫn sẽ tạo sự thống nhất trong tư tưởng, cách làm, góp phần quản lý tốt hơn lĩnh vực năng lượng còn mới mẻ này.
Bộ NN&PTNT không chủ trương cấp phép cho các dự án điện mặt trời nổi trong lòng hồ chứa thủy lợi mà trước mắt chỉ xem xét các dự án thuộc vùng bán ngập nước. Các dự án cũng cần có sự trao đổi, thống nhất giữa đơn vị quản lý hồ chứa và các bộ ngành liên quan để quản lý đồng bộ…
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ban-khoan-phat-trien-dien-mat-troi-noi-355855.html