Băn khoăn tiến độ về đích tuyến đường nghìn tỷ ở Bình Dương
Dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng của tỉnh Bình Dương có chiều dài hơn 47 km với tổng mức đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng dự kiến thông xe toàn tuyến trong năm 2023. Nhưng hiện dự án vẫn còn vướng nhiều đoạn giải tỏa chưa xong khiến nhà thầu lo 'sốt vó' do giải ngân vốn đầu tư chậm từ năm 2022 kéo sang đến năm 2023.
Trong những ngày cuối tháng 2 này, miền Đông Nam bộ trời nắng nóng hầm hập, trên công trường xây dựng 6 làn xe từ huyện Bắc Tân Uyên đến huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, công nhân tích cực vào việc với các xe lu lèn tráng nhựa. Từng đoạn đã hoàn thành nhưng các nhà thầu chưa thấy vui do còn một số điểm nghẽn chưa thể giải tỏa xong để bàn giao mặt bằng triển khai đồng bộ.
Theo ông Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong (đơn vị thi công), trên toàn tuyến hiện còn một số khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư đã kết hợp cùng địa phương nơi tuyến đường đi qua và các bên liên quan để xử lý nhưng đến nay vẫn còn khoảng 1,8 km chiều dài mặt bằng chưa được giải tỏa gồm 66 trụ điện trung, hạ thế và cao thế. Cùng đó là 1,1 km tuyến ống nước sạch chạy dọc hai bên đường cũng chưa được di dời...
Nhiều hộ dân thuộc diện tái định cư nhưng chưa bố trí được nơi tái định cư. Đơn vị thi công đã kiến nghị chủ đầu tư phối hợp cùng các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định, phê duyệt sớm để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu triển khai thi công theo chỉ đạo của tỉnh về đẩy nhanh hoàn thiện kịp giải ngân vốn đầu tư công đang còn tồn đọng.
Điểm “nghẽn” đáng ngại nhất là đoạn từ cầu Tam Lập kết nối đến Đồng Phú, đến nay khối lượng thi công mới đạt khoảng 33% khối lượng toàn công trình, chậm so với tiến độ đề ra. Trong khi đó, gói thầu này mới giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 đạt 228/488 tỷ đồng, chiếm 46,8% giá trị hợp đồng. Theo kế hoạch, đến 30/6/2023 công trình phải hoàn thành khiến các nhà thầu đứng ngồi không yên vì có thể chậm kéo dài.
Đại diện UBND huyện Phú Giáo cho hay, đến nay mặt bằng thi công đoạn tuyến từ ngã ba Tam Lập từ huyện Phú Giáo kết nối đến huyện Bàu Bàng chưa được bàn giao toàn bộ dẫn đến nhà thầu không thể triển khai đồng bộ. Mặt khác, trong quá trình thi công còn vướng hệ thống lưới điện, hệ thống nước sạch và cáp viễn thông nằm trong phạm vi mặt bằng thi công.
Khâu di dời chờ thực hiện theo quy trình mất nhiều thời gian dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chậm trong năm 2022 đã chậm và nay còn “nghẽn” nữa. Lý giải về nguyên nhân chậm là do hệ thống lưới điện trung thế có đoạn chưa được di dời vì vướng thủ tục. Trong khi đó, kế hoạch di dời hệ thống nước sạch đang chờ ý kiến từ cấp tỉnh…
Theo ghi nhận, tuyến đường huyết mạch trên có quy mô 6 làn xe với tổng chiều dài hơn 47 km, vỉa hè mỗi bên rộng 7 m, tỉnh Bình Dương phải thu hồi diện tích đất là 222,62 ha với 851 hộ và 18 tổ chức bị ảnh hưởng. Tổng mức đầu tư của dự án là khoảng 3.800 tỷ đồng được chia thành nhiều gói đầu tư. Tuy nhiên, đến nay một số gói thầu chưa đạt tiến độ đề ra để hoàn thành về đích theo kế hoạch.
Ngay trung tuần tháng 2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành đến thị sát tại công trường đã yêu cầu các đơn vị thi công tăng tốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, tỉnh yêu cầu các sở, ngành và 3 huyện có tuyến đường đi qua phối hợp giải quyết các vướng mắc, nhất là về di dời lưới điện và hệ thống cấp nước sạch; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư tập trung nguồn lực, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, “điểm nghẽn” còn tồn tại để sớm bàn giao những mặt bằng còn lại cho đơn vị thi công hoàn thành đúng tiến độ; đưa công trình trọng điểm về đích đúng hẹn, nhằm phục vụ kinh tế - xã hội địa phương.
Tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng là trục đường trọng điểm liên kết vùng gồm 3 huyện phía Bắc của Bình Dương sau khi hoàn thành sẽ đấu nối vào đường Đồng Phú của tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Đây là tuyến đường tạo động lực mới, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho các huyện phía Bắc của Bình Dương mà còn kết nối vùng Đông Nam bộ, cụ thể nối thông đến tỉnh Đồng Nai để vận chuyển hàng hóa nhanh chóng xuống cảng nước sâu...