Băn khoăn về điện mặt trời áp mái

Việc phát triển điện mặt trời (ĐMT) nói chung, ĐMT mái nhà nói riêng đang đem lại những lợi ích cho người tiêu dùng và hệ thống điện Việt Nam. Song vẫn còn nhiều ý kiến, quan điểm, băn khoăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến ĐMT mái nhà?

 Công nhân EVN HANOI kiểm tra hệ thống ĐMT mái nhà tại một hộ dân trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Nguyên Dương

Công nhân EVN HANOI kiểm tra hệ thống ĐMT mái nhà tại một hộ dân trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Nguyên Dương

Lợi ích từ điện mặt trời

Đánh giá về tiềm năng phát triển ĐMT và ĐMT mái nhà, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam) Hà Đăng Sơn cho rằng: Theo nghiên cứu của WB năm 2017, khi đo đạc khảo sát về lĩnh vực này tại TP Hồ Chí Minh là 6.379MW, và tại Đà Nẵng là 1.140MW. Năm 2019, Bộ Công Thương cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2025 lắp 100.000 hệ thống ĐMT mái nhà với tổng công suất dự kiến đạt được 1.000MWp, đến năm 2030 là 6.000MWp. Con số mới đây nhất phía GreenId đưa ra, Việt Nam đã cán mốc 1.000MW ĐMT vào ngày 19/8. Còn theo EVN, tính đến ngày 23/8, có tổng 45.299 hệ thống ĐMT mái nhà đã đi vào vận hành, công suất 1.029 MW.

Điều đó cũng khẳng định cơ hội phát triển ĐMT mái nhà là rất lớn. Theo ông Sơn, trước tiên cần nhìn nhận hệ thống ĐMT mái nhà, bao gồm cả hệ thống điện mái nhà cho các hộ gia đình, cũng như các khu công nghiệp, dịch vụ mang lại lợi ích giảm tiền điện bằng cách sử dụng năng lượng thay thế vào các giờ cao điểm nắng nóng. Ngoài ra, các hộ gia đình, DN, các tòa nhà văn phòng có thể sử dụng một phần nào đó các nguồn cung về điện trong điều kiện thiếu hụt điện năng, nắng nóng khô hạn... “Kinh nghiệm của nước Đức, mặc dù phát triển năng lượng tái tạo, có tới 70% công suất ĐMT đang vận hành là ĐMT mái nhà, chứ không phải từ các trang trại, điều này cho thấy vai trò quan trọng của nguồn điện tái tạo này trong cơ cấu nguồn điện quốc gia” – ông Hà Đăng Sơn ví dụ.

Thực tế ĐMT gắn với nông nghiệp hiện chưa có một đánh giá đầy đủ, ai sẽ là người chủ trì trong câu chuyện này, xem đầu tư như thế nào phù hợp, như nào là công nghệ cao đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương, NN&PTNT, Tài chính... để đưa ra một cơ chế. Hiện việc đầu tư ĐMT mái nhà 1MW nhưng chưa ký được hợp đồng bán điện với EVN tại một số dự án đang gặp khó khăn. Một số trường hợp lợi dụng chính sách chia nhỏ trang trại ra dưới danh nghĩa là các dự án nông nghiệp, kết hợp với ĐMT mái nhà để bán điện.

Có một điều cực kỳ quan trọng là khi xác định dự án nông nghiệp thì đầu tiên doanh thu chính là phải từ nông nghiệp, còn doanh thu về bán điện chỉ là phụ trợ, chứ không thể đưa ra một thiết kế dự án nông nghiệp kết hợp ĐMT và hưởng doanh thu chính là từ bán điện cho EVN. “Cần xây dựng cơ chế riêng cho ĐMT kết hợp với nông nghiệp, chứ không thể lẫn lộn giữa ĐMT trang trại (dù công suất chỉ 1MW) với ĐMT mái nhà như thời gian qua” – ông Hà Đăng Sơn nhấn mạnh.

Thế nào là điện mặt trời áp mái

Cũng liên quan đến vấn đề ĐMT, trong Báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) ngày 24/8 đã phần nào giải đáp băn khoăn vướng mắc mà nhà đầu tư, EVN đang gặp phải khi xác định thế nào là ĐMT mái nhà. Để xác định ĐMT mái nhà cần đảm bảo tuân thủ các điều kiện sau: Tấm quang ĐMT được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng; có công suất không quá 1MW; Đấu nối vào lưới điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống theo quy định.

Về trường hợp có một số hệ thống ĐMT mái nhà được đầu tư theo cụm có tổng công suất trên 1MW (mỗi hệ thống ≤ 01MW) tại cùng một địa điểm (trên cùng một mảnh đất, hoặc mái nhà khu công nghiệp) của một chủ đầu tư và đấu nối tại một điểm hoặc nhiều điểm; Trường hợp một chủ đầu tư có nhu cầu mua lại cụm hệ thống ĐMT mái nhà nằm liền kề nhau trên cùng mảnh đất, có tổng công suất trên 1MW: Các trường hợp này có được ký hợp đồng mua bán điện là ĐMT mái nhà không và có cần giấy phép hoạt động điện lực không? Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, căn cứ Quyết định 13, hệ thống ĐMT mái nhà được đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện của bên mua điện, do đó việc thực hiện phát triển ĐMT mái nhà theo cụm, mỗi hệ thống không quá 1MW là không trái với quy định. Theo quy định tại Thông tư 18, hệ thống ĐMT mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Nếu chủ đầu tư tận dụng mái nhà của văn phòng làm việc, nhà điều hành, nhà bếp, nhà nghỉ, nhà để xe của nhân viên, nhà xưởng, nhà kho chứa vật liệu, trong khuôn viên dự án ĐMT, nhà máy thủy điện, nhiệt điện để đầu tư ĐMT mái nhà và đề nghị lắp công tơ riêng, ký hợp đồng mua bán điện cho hệ thống, trường hợp này có được thực hiện mua bán điện riêng không? Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nêu quan điểm, trường hợp này, EVN được thực hiện ký hợp đồng mua bán điện nếu ĐMT mái nhà phù hợp với quy định tại Quyết định 13 và Thông tư 18.

Liên quan đến trường hợp các hệ thống ĐMT công suất đến 1MW, lắp đặt trên hệ thống khung giá đỡ (không có mái nhà) hoặc lắp đặt một phần trên mái nhà, một phần trên đất; Trường hợp hệ thống ĐMT lắp trên mái nhà xưởng trong khu công nghiệp vừa mua điện của EVN để sử dụng, vừa bán điện của hệ thống ĐMT mái nhà lên lưới của EVN tại cấp điện áp 110kV; Trường hợp trang trại nông nghiệp có lắp đặt ĐMT mái nhà với tổng công suất lớn hơn 1MW? Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định: Các công trình ĐMT mái nhà có công suất trên 1MW hoặc không lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng hoặc đấu nối vào cấp điện áp trên 35kV thì không được áp dụng giá bán điện đối với hệ thống ĐMT mái nhà theo quy định tại Quyết định 13 (không được bán với giá gần 2.000 đồng/số mà chỉ được bán với giá trên 1.600 đồng).

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo kết luận, chỉ những hệ thống ĐMT lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống mới được coi là hệ thống ĐMT mái nhà. “Các hệ thống ĐMT lắp trên khung giá đỡ trên hồ, ao nuôi tôm, trồng cây nông nghiệp công nghệ cao,... mà không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng thì không được tính là hệ thống ĐMT mái nhà” - cơ quan này khẳng định.

Các chuyên gia đánh giá, với những trang trại thực sự làm nông nghiệp, kết hợp ĐMT áp mái để phục vụ dự án thì nên có quy định rõ ràng để ký hợp đồng mua bán điện. Còn những trường hợp chỉ lợi dụng làm nông nghiệp để đầu tư ĐMT áp mái nhằm hưởng giá cao thì cần phân biệt rõ. Việc thiếu hướng dẫn rõ ràng sẽ khiến việc thu hút người dân đầu tư ĐMT áp mái không đạt được mục đích.

Có vướng mắc, khó khăn phát triển ĐMT mái nhà do phía cơ quan Nhà nước chưa thống nhất về giải thích văn bản hướng dẫn, cũng như các quy định liên quan về công trình xây dựng, công trình nông nghiệp công nghệ cao, hay yêu cầu về sửa đổi giấy phép xây dựng. Về nhà đầu tư, rõ ràng có nhiều trường hợp cố tình hiểu sai để lợi dụng chính sách.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng Xanh (Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam) Hà Đăng Sơn

Đối với các hộ gia đình riêng lẻ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách giá bậc thang đang áp dụng, khi đã lắp ĐMT mái nhà, lượng điện năng phát ra sẽ cắt bớt đuôi bậc thang cao, giá điện trung bình phải trả sẽ thấp đi. Còn đối với các DN, xí nghiệp... chính sách giá điện lại áp dụng theo thời điểm sử dụng, nghĩa là dùng nhiều vào giờ cao điểm thì giá điện phải trả cao hơn.

Trong khi, giờ cao điểm trùng với khả năng phát rất tốt của ĐMT. Nếu chỉ tính vào lúc buổi sáng cũng khoảng 25 – 30% trong điện năng phát, còn buổi trưa sẽ phải 60 – 65% như vậy sẽ giảm được điện năng giá cao, kéo theo lợi ích rất nhiều.

GS. Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam

Nguyên Dương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ban-khoan-ve-dien-mat-troi-ap-mai-394793.html