Băn khoăn về mức doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng
Tại phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 14-11, UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh báo cáo một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho biết, ngày 11-11 vừa qua, Thường trực Ủy ban TCNS đã tổ chức buổi làm việc với cơ quan soạn thảo và đã cùng thống nhất phương án xử lý một số nội dung trong dự thảo Luật.
Về việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%, nội dung này đã được UBTVQH thống nhất với đề xuất của Chính phủ, chuyển phân bón, máy móc nông nghiệp và tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế 5% (như được thể hiện tại dự thảo Luật và báo cáo giải trình tiếp thu số 1035/BC-UBTVQH15 đã trình Quốc hội). Tuy nhiên, tại phiên thảo luận tại hội trường vẫn có một số đại biểu (ĐB) chưa thống nhất về nội dung này.
Vấn đề khác liên quan đến quy định không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong một số trường hợp. Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị quy định trong luật mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT là 200 triệu đồng/năm. Chính phủ đề nghị giữ nội dung này như dự thảo Luật đã trình tại kỳ họp thứ 7. Theo đó, giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định mức ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế.
Đối với sản phẩm cung cấp trên nền tảng số, dự thảo luật sau tiếp thu, chỉnh lý đã cho phép áp dụng thuế suất 0% đối với các sản phẩm có nội dung thông tin số xuất khẩu để bảo đảm đúng nguyên tắc thuế GTGT và thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ kỹ thuật số của Việt Nam.
Chính phủ thì đề nghị quy định theo hướng không cho áp dụng thuế suất 0% đối với các “sản phẩm nội dung thông tin số thuộc nhóm giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số, quảng cáo số cung cấp trên nền tảng số” để tiếp tục áp dụng thuế suất 10% như hiện đang được quy định tại Thông tư, vì lo ngại không xác minh được địa điểm tiêu dùng là ở nước ngoài.
Về việc không hoàn thuế đối với các trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu (hàng tạm nhập tái xuất), dự thảo Luật sau tiếp thu, chỉnh lý về cơ bản quy định tương tự như Luật hiện hành, theo đó đã loại trừ, không cho phép hoàn thuế đối với các trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó tiếp tục làm thủ tục xuất khẩu sang nước thứ ba để phòng chống các đối tượng lợi dụng chính sách để gian lận về xuất xứ. Chính phủ đề nghị cho phép hoàn thuế đối với các trường hợp này để ổn định chính sách như đang được quy định tại Nghị định và tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp khi hàng hóa không được tiêu dùng tại Việt Nam.
“Trên thực tế, cơ quan hải quan đã phát hiện nhiều trường hợp gian lận về xuất xứ, nhập khẩu hàng về, thay nhãn Việt Nam và xuất khẩu đi nước khác để tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng”, ông Lê Quang Mạnh nói. Người đứng đầu Ủy ban TCNS bày tỏ lo ngại về việc cho phép hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam rồi làm thủ tục xuất khẩu luôn sang nước thứ ba dễ bị các đối tượng lợi dụng, gian lận về xuất xứ, làm gia tăng tranh chấp thương mại. Điều này cũng dẫn tới nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế phòng vệ thương mại ở mức cao, gây thiệt hại cho cả các nhà sản xuất chân chính, làm mất uy tín của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.