Phân cấp cho ủy ban nhân dân quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C

Với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) quy định phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Dự thảo Luật sau khi tiếp thu gồm 103 điều, giảm 6 điều so với Dự thảo Chính phủ trình Quốc hội, trong đó đã rà soát kỹ lưỡng theo tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, "Luật quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định những vấn đề cụ thể theo thẩm quyền"; rà soát, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến phân cấp, phân quyền, tháo gỡ khó khăn trong quy trình quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án, xây dựng…

Trong đó, về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C, ông Mạnh cho hay, nhiều ý kiến cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án từ HĐND sang UBND là thay đổi lớn, cần nghiên cứu đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện, đề nghị giữ như quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, một số ý kiến nhất trí với đề xuất phân cấp cho UBND các cấp như Dự thảo Luật và cho rằng quy định này sẽ giảm nhiều thủ tục hành chính, thu gọn đầu mối ra quyết định và chịu trách nhiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, đúng như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu, việc phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý là thay đổi lớn từ thẩm quyền của HĐND các cấp sang UBND các cấp.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, việc thay đổi về thẩm quyền đã được cân nhắc kỹ.

Theo đó, thực tế, việc giao cho UBND quyết định chủ trương đầu tư dự án đã được quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019. Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2025, có 43 HĐND cấp tỉnh đã phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C cho UBND cùng cấp.

Mặt khác, theo ông Mạnh, về bản chất, quy định này chỉ thay đổi về cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án từ HĐND cho UBND các cấp. Các nội dung về việc phê duyệt đầu tư và tổ chức thực hiện dự án vẫn giữ nguyên so với quy định hiện hành.

Theo đó, Chủ tịch UBND các cấp vẫn quyết định đầu tư dự án và UBND các cấp vẫn là cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án; HDNĐ các cấp thực hiện giám sát quy trình tổ chức triển khai thực hiện.

Do đó, về mặt năng lực tổ chức thực hiện dự án thì vẫn do các cơ quan này bảo đảm như hiện tại.

Đồng thời, để bảo đảm tính chặt chẽ, Dự thảo Luật đã quy định điều kiện ràng buộc đối với việc quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công. Theo đó, một dự án nếu muốn được quyết định chủ trương thì phải bảo đảm phù hợp với các quy hoạch liên quan, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm nguồn vốn và khả năng cân đối vốn được cấp có thẩm quyền thông báo (đối với vốn ngân sách địa phương do HĐND các cấp), mà các nội dung này đều do HĐND là cơ quan quyết định.

“Từ những lý do trên, cùng với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, xin báo cáo Quốc hội cho phép quy định phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý” - ông Lê Quang Mạnh nêu rõ.

Các đại biểu tham dự Phiên họp. Ảnh: VPQH

Các đại biểu tham dự Phiên họp. Ảnh: VPQH

Phát biểu tại Phiên họp, về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, vấn đề quan trọng là cụ thể, triển khai như thế nào?

"Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ là phải làm để cải cách, để đổi mới nhưng cũng phải có những giải pháp trong quản lý, điều hành. Quốc hội sẽ giám sát bằng giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đúng theo quy định của Hiến pháp" - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất hoàn thiện Dự thảo Luật để thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Đồng thời, đề nghị các cơ quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm có sự thống nhất và đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện Báo cáo bảo đảm chất lượng, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, không để xảy ra vướng mắc khi thực hiện và các vấn đề liên quan đến điều kiện chuyển tiếp. Cùng với đó là bảo đảm thực hiện chủ trương đổi mới của Nhà nước, của Quốc hội trong công tác xây dựng luật, trên tinh thần đổi mới công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn mới bảo đảm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với việc kiểm soát quyền lực.

* Cũng trong chiều 14/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/phan-cap-cho-uy-ban-nhan-dan-quyet-dinh-chu-truong-dau-tu-du-an-nhom-b-nhom-c-36306.html