Băn khoăn về sắp xếp phòng thi trong kỳ thi tốt nghiệp 2025, Bộ GDĐT giải đáp
Để thuận lợi cho công tác tổ chức, thí sinh sẽ được sắp xếp ở một phòng thi duy nhất trong các buổi thi để không phải di chuyển.
Chiều 28/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đánh giá việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng sự tham dự của 63 điểm cầu Sở Giáo dục và Đào tạo trên toàn quốc.

Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm học 2024-2025 là năm học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ lớp 1 đến lớp 12 với những thay đổi căn bản nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về thực hiện hiệu quả quản trị nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Trong khi địa phương đang chuẩn bị điều kiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo để có sự chuẩn bị kịp thời, nhằm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó cần đánh giá tình hình triển khai Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm ở các địa phương để có cái nhìn toàn cảnh, bước đầu đánh giá quá trình triển khai.
Theo chia sẻ của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng lắng nghe, rà soát, nghiên cứu những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong quá trình thực hiện. Từ đó tiến tới việc sửa đổi, điều chỉnh để việc thực hiện phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đảm bảo hiệu quả thực hiện đạt được như kỳ vọng.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc hội nghị
Theo Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hướng dẫn các nhà trường, các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện nghiêm túc Thông tư số 30, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác tuyển sinh. Giải đáp và giải quyết triệt để những vướng mắc của một số địa phương về chế độ tuyển thẳng, về tuyển sinh vào lớp 10 trường trung học phổ thông chuyên.
Theo đó, công tác tuyên truyền, truyền thông cơ bản đạt hiệu quả khi tinh thần chung của Thông tư số 30. Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận sự đồng thuận cao trong nhận thức đối với quy định của Thông tư của các đối tượng liên quan.
Tính đến nay, 100% các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học có trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông đã ban hành phương án, kế hoạch tuyển sinh năm học 2025 – 2026. Theo thống kê có 60 tỉnh/ thành phố tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10, trong đó có 58 tỉnh lựa chọn môn thi thứ 3 là môn Tiếng Anh, 02 tỉnh (Hà Giang và Bình Thuận) là lựa chọn môn thi thứ 3 là Lịch sử và Địa lý. Đặc biệt, đa số các Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và công bố đề thi tham khảo tuyển sinh vào lớp 10 để làm cơ sở, định hướng ôn tập cho học sinh lớp 9.
Thí sinh đăng ký dự thi vào trường trung học phổ thông chuyên dự thi 4 môn, gồm 3 môn thi như các thí sinh dự thi vào trường trung học phổ thông đại trà và 1 môn thi chuyên theo lớp chuyên đăng ký dự thi. Đối với một số trường chuyên thuộc trường đại học đã phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo để xây dựng Kế hoạch tuyển sinh đúng theo quy định của Thông tư số 30 và đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc trong tuyển sinh.
Về lịch thi tuyển sinh, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch tổ chức thi tuyển vào tuần đầu tháng 6 để đảm bảo phù hợp với thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyến
Báo cáo triển khai công tác chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà đã thông tin, lưu ý về một số điểm mới xung quanh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Về đề thi, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Cấp độ tư duy là 40% mức độ biết, 30% mức hiểu và 30% mức vận dụng. Tăng cường liên hệ, vận dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tế, đặc biệt trong những nội dung phân hóa, nhằm đánh giá đúng năng lực học sinh.
Thứ hai là việc tính điểm xét tốt nghiệp chỉ còn 50% điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (các năm trước là 70%), còn lại 50% tính điểm từ quá trình 3 năm học trung học phổ thông.
Đánh giá về sự thay đổi này, ông Nguyễn Ngọc Hà cho rằng sự thay đổi này phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến việc tập trung phát triển năng lực, phẩm chất người học và nhiều năng lực, phẩm chất của học sinh được phát triển trong quá trình học tập.

Phó Cục trưởng, Cục Quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ tại hội nghị
Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng cho biết công tác sắp xếp phòng thi đang là vấn đề gây nhiều lo lắng cho các Sở.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 sẽ được tổ chức với 3 buổi thi. Ở buổi thi cuối cùng sẽ diễn ra cùng lúc 2 môn thi. Ví dụ, môn thi Vật lý được sắp xếp thi vào buổi thứ 3 nhưng có thể thi vào 2 khung giờ thì cần xử lý như thế nào?
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Hà, để thuận lợi cho công tác tổ chức, thuận lợi cho học sinh, thí sinh sẽ được sắp xếp ở một phòng thi duy nhất trong các buổi thi để không phải di chuyển.
Thứ hai, để đảm bảo yếu tố an ninh, thay vì có 24 mã đề cho 24 học sinh trong một phòng như trước thì có thể nâng lên 48 mã đề. Khi đó, 24 mã đề sẽ dùng trong khung giờ thứ nhất và 24 mã còn lại sẽ dùng trong khung giờ thứ hai.
Đối với hoạt động thu bài thi sẽ tiến hành thu bài theo phòng thi thay vì thu theo môn thi như trước. Mặc dù đã tối ưu hóa quá trình sắp xếp các phòng thi để hạn chế việc sắp xếp nhiều buổi thi trong một cuộc thi, thế nhưng vẫn sẽ có một số phòng thi cuối hỗn hợp. Trong trường hợp này thì công tác in sao sẽ được thực hiện theo khối lượng cụ thể ở trong phòng thi.
Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng cho biết, năm 2025 sẽ tổ chức đồng thời cho các em học sinh thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Tuy nhiên vì nội dung 2 chương trình khác nhau nên các thí sinh thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ được tổ chức thi tại các điểm thi khác.
“Hiện nay, nhiều địa phương đã tổ chức thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, việc tổ chức cần cố gắng giống với cách tổ chức kỳ thi chính thức, từ cấu trúc định dạng và mức độ đề thi, thời gian tổ chức thi, sắp xếp phòng thi…
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hỗ trợ phần mềm chấm thi, cử cán bộ, chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật, giải đáp các thắc mắc quy trình chấm bảo đảm đúng quy định của Quy chế thi.
Trong khâu tổ chức thi, có thể xảy ra các tình hình như lỗi in đề thi; học sinh, giáo viên viết nhầm thông tin lên phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy làm bài thi; thời tiết xấu bất thường ảnh hưởng đến việc đi lại, bảo đảm an ninh an toàn trường thi; ùn tắc giao thông; mất điện khu vực thi; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt...Do đó, các Sở cần phải chuẩn bị sẵn các kịch bản để ứng phó”, ông Nguyễn Ngọc Hà cho hay.