Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD đại học: Trách nhiệm của trường trọng điểm?
Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD đại học có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn, sâu sắc và toàn diện, tái định hình, định hướng cho phát triển hệ thống GD đại học.

Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: H.Lê
Các trường trọng điểm cần đột phá đầu tư trọng điểm, với tiêu chí hiệu quả và chất lượng để phát huy thế mạnh mỗi trường.
Tập trung phát triển đột phá
Theo Quyết định 452 ngày 27/2/2025 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 452) Trường Đại học Cần Thơ thuộc 4 trung tâm giáo dục đại học lớn; gắn với nhiệm vụ khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; du lịch; nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và cả nước.
Theo lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ, nhà trường đang tập trung lấy ý kiến đóng góp về “Đề án chuyển Trường Đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ”. Nhà trường định hướng phát triển theo mô hình đại học hiện đại, tăng cường quản trị dựa trên dữ liệu, tự chủ tài chính và mở rộng hoạt động đào tạo số. Phát triển hài hòa và gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và triển khai; gắn kết nghiên cứu với đào tạo, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thúc đẩy chuyển giao tri thức và thương mại hóa sản phẩm…
GS.TS Nguyễn Thanh Phương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ cho biết, nhà trường đặt ra lộ trình hoàn thiện mô hình tổ chức trong năm 2025, đồng thời phấn đấu đến năm 2026 sẽ nâng cao danh tiếng học thuật và tăng thứ hạng trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế.
Cụ thể, trường hướng đến top 150 - 200 đại học hàng đầu châu Á theo QS Ranking và top 450 - 500 toàn khu vực. Đến năm 2030, Trường Đại học Cần Thơ kỳ vọng trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học quốc gia và quốc tế.
Với định hướng chiến lược phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021 - 2030, cùng với chủ trương đẩy mạnh tự chủ đại học theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đây chính là thời điểm “chín muồi” để thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức Trường Đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ.
Sự chuyển đổi này không chỉ giúp nhà trường thực hiện tốt sứ mệnh và tầm nhìn, mà còn thể hiện quyết tâm đưa trường phát triển đột phá, trở thành đại học nghiên cứu đổi mới sáng tạo với môi trường học thuật tự do, sáng tạo, thu hút nhân tài và phát huy tối đa tiềm năng của viên chức, người lao động và người học.
Trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm theo Quyết định 452, Trường Đại học Đồng Tháp là 1 trong 14 trường đại học chủ chốt đào tạo giáo viên trong định hướng quy mô đào tạo đến năm 2030. Theo PGS.TS Hồ Văn Thống - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp, trong quy hoạch được phê duyệt, nhà trường được Nhà nước tiếp tục đầu tư tăng cường năng lực đào tạo giáo viên với quy mô dự kiến mỗi năm từ 7.200 đến 8.000 chỉ tiêu, bên cạnh các ngành đào tạo ngoài sư phạm.
“Với truyền thống gần 50 năm đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, 22 năm hội nhập và phát triển, Trường Đại học Đồng Tháp khẳng định uy tín trong đào tạo nói chung và các ngành đào tạo giáo viên nói riêng.
Năm 2025, Trường Đại học Đồng Tháp tuyển sinh đào tạo 3 ngành tiến sĩ, gồm Quản lý giáo dục, Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Toán, Hóa Lý thuyết và Hóa Lý, 18 chuyên ngành thạc sĩ, 50 ngành đào tạo trình độ đại học. Trong đó, có 19 ngành đào tạo giáo viên với đầy đủ các bộ môn theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành”, PGS.TS Hồ Văn Thống nhấn mạnh.

Ảnh minh họa INT.
Ưu tiên nhân, vật lực
Để đáp ứng yêu cầu trường trọng điểm, năm 2024, Trường Đại học Đồng Tháp có thêm 5 phó giáo sư, 2 tiến sĩ và tuyển dụng mới 12 tiến sĩ các chuyên ngành, đồng thời chi 2,95 tỷ đồng cho 19 phó giáo sư, tiến sĩ này nhằm thu hút nhân lực trình độ cao. Cụ thể năm 2024, Trường Đại học Đồng Tháp có thêm 19 phó giáo sư, tiến sĩ. Trong đó, 5 tiến sĩ được công nhận chức danh phó giáo sư nhận hỗ trợ kinh phí 250 triệu đồng/người; 2 tiến sĩ hỗ trợ 25 triệu đồng/người nhằm khuyến khích thạc sĩ học tập lên tiến sĩ…
PGS.TS Hồ Văn Thống - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, kết quả này là dấu mốc quan trọng trong việc nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư và thúc đẩy sự phát triển chuyên môn của trường, đảm bảo các tiêu chuẩn khoa học, chất lượng.
Trao đổi về định hướng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế, GS.TS Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ đề xuất cần sớm có các nghị định, quyết định, thông tư, chương trình hành động, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 57 của Trung ương (về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia) để các cơ sở giáo dục đại học có thể triển khai. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần có nguồn ngân sách lớn hơn cho khoa học công nghệ đáp ứng năng lực nghiên cứu khoa học của mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.
Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cần có nhiều chương trình nghiên cứu quy mô lớn, toàn diện, tích hợp liên ngành, dài hạn để tạo ra sản phẩm cụ thể, quy trình công nghệ ứng dụng hiệu quả vào thực tế. Có cơ chế đặt hàng cho đơn vị có thế mạnh các lĩnh vực và nhóm nghiên cứu mạnh, nghiên cứu trọng tâm, đột phá theo hướng nghiên cứu ưu tiên.
Đẩy mạnh hợp tác, phát huy thế mạnh các viện, trường và bên liên quan trong nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nguồn nhân lực/chuyên gia, nguồn vốn từ đề tài, dự án; đơn giản hóa thủ tục, giấy phép lao động, visa chuyên gia.
GS.TS Trần Ngọc Hải kiến nghị các cấp, bộ, ngành quan tâm hỗ trợ Trường Đại học Cần Thơ triển khai chương trình, đề án quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là Đề án Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và ứng dụng khoa học của TP Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo GS.TS Trần Ngọc Hải, cần thúc đẩy Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 theo Quyết định 1017 ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, cần quan tâm Đề án Phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030, cũng như Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.