Băn khoăn với slogan 'Vẻ đẹp bất tận' của du lịch Việt Nam
Mục tiêu của du lịch Việt Nam là đến năm 2025, phục hồi và phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm.
Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm. Đó là nội dung của Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch ban hành.
Tuy nhiên việc tiếp tục tiêu đề, biểu tượng, quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam là “Vietnam - Timeless Charm” đối với thị trường khách du lịch quốc tế và “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” đối với thị trường khách du lịch nội địa còn gây nhiều băn khoăn.
Bối rối bởi “Vẻ đẹp bất tận”
Trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã sử dụng 5 slogan (tiêu đề quảng bá du lịch) khác nhau, từ “Điểm đến của thiên niên kỷ mới”, “Hãy đến với Việt Nam”, “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn”, và hiện nay cũng như trong chiến lược đến năm 2030 là “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”.
Đã có nhiều ý kiến về slogan này, ở góc độ ủng hộ, có những chuyên gia đánh giá: Cả từ Charm và từ Timesless đều khá quyến rũ theo quan điểm là một khách du lịch. Nếu dựa trên những nét độc đáo của du lịch Việt Nam hiện nay, slogan “Vietnam - Timeless Charm” - “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”, về cơ bản đã đáp ứng được cả 3 yếu tố quan trọng nhất khi xây dựng thương hiệu là: Ý nghĩa rõ ràng, đơn giản dễ hiểu và có khả năng phát triển thành các chiến dịch quảng bá lâu dài.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, slogan “Vietnam - Timeless Charm” - “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” sẽ thích hợp hơn với những người đã từng tới Việt Nam, hiểu được vẻ đẹp tiềm ẩn trong văn hóa, con người và phong cảnh, còn với những du khách chưa từng đặt chân đến, “Timeless Charm” - “Vẻ đẹp bất tận” chưa đủ sức truyền cảm hứng. Đồng thời, slogan hiện nay cũng chưa thể hiện được sự khác biệt và nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam.
Được biết, 2019 - năm hoàng kim của du lịch Việt Nam - tỉ lệ khách nước ngoài trở lại Việt Nam rơi vào khoảng hơn 10%, trong khi của Thái Lan và Singapore lần lượt là 82% và 89%. Các con số này cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng không bền vững và do sự tò mò ở lần đầu tiên hơn là do kích thích, mong muốn để trở lại.
Theo nhiều chuyên gia, slogan phải thể hiện được yếu tố tinh thần và nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam, khơi gợi cảm hứng du lịch và khám phá. Đó có thể là một cụm từ bao hàm, dễ hiểu, mang ý nghĩa biểu trưng để mỗi người dân có đều có thể hiểu và truyền tải. Họ sẽ là một đại sứ để giới thiệu về đất nước, nền du lịch cho quốc gia mình.
Bởi thế cụm từ “Vietnam - Timeless Charm” - “Việt Nam vẻ đẹp bất tận” cần làm rõ hơn nội hàm bất tận để tăng tỉ lệ khách quay trở lại Việt Nam.
Và định hướng cho năm 2025 và 2030
Theo chiến lược mới ban hành, Du lịch Việt Nam sẽ hướng đến củng cố, nâng cao sự nhận biết, hiểu biết, sự quan tâm, yêu thích và sự hài lòng đối với điểm đến du lịch Việt Nam; Khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, chất lượng, bền vững, được lựa chọn hàng đầu tại các thị trường mục tiêu, đáp ứng nhu cầu khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày; Tăng lượng truy cập website, lượng thành viên tham gia các nền tảng mạng xã hội của Tổng cục Du lịch, tăng phạm vi tiếp cận và mức độ tương tác của các hoạt động marketing kỹ thuật số.
Đồng thời, cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam về các chỉ số liên quan marketing du lịch (về chiến lược phát triển thương hiệu điểm đến quốc gia, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ du lịch, mức độ cạnh tranh về giá…) thuộc Bộ chỉ số đánh giá Năng lực phát triển du lịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Về định vị thương hiệu điểm đến du lịch quốc gia, tiếp tục làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch Việt Nam gắn với tiềm năng, lợi thế quốc gia, bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc sắc, di sản lâu đời, con người nồng hậu, cảnh quan tươi đẹp, kết nối với yếu tố cảm xúc, tinh thần của khách du lịch, đảm bảo đem lại các trải nghiệm du lịch độc đáo, nguyên bản, chân thực. Bên cạnh đó, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống thương hiệu, gắn thương hiệu du lịch Việt Nam với thương hiệu du lịch vùng, thương hiệu điểm đến địa phương, thương hiệu sản phẩm du lịch. Đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống thương hiệu.
Chiến lược cũng ưu tiên đẩy mạnh phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới như du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch công nghiệp; du lịch thể thao; các sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch như du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch du thuyền, du lịch làm đẹp.
Về định hướng thị trường quốc tế, giai đoạn 2022-2025: Phục hồi các thị trường truyền thống; kết hợp thu hút các thị trường mới nổi: Ấn Độ, các nước Trung Đông. Giai đoạn 2026-2030, duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống: Các nước Đông Bắc Á, Châu Âu, khu vực ASEAN, Bắc Mỹ, Nga, Châu Đại dương; tăng thị phần khách có khả năng chi tiêu cao; đa dạng hóa các thị trường hướng đến phát triển bền vững.
Đối với thị trường nội địa, giai đoạn 2022-2025: Sẽ phục hồi và giữ vững đà tăng trưởng của thị trường khách nội địa. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường khách nội địa, đa dạng hóa các phân khúc thị trường mục tiêu gồm khách gia đình, thanh niên, giáo dục, khách doanh nghiệp, khách MICE. Tập trung thúc đẩy lượng khách có sử dụng dịch vụ lưu trú, khách đi du lịch vào mùa thấp điểm.
Mỹ Linh (Báo Lao Động)